Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

Tiểu thương phố cổ Hà Nội lo phá sản

Với nguồn doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động chi tiêu của khách du lịch, các hộ kinh doanh đồ lưu niệm trên phố cổ Hà Nội đang tìm cách cầm cự, canh cánh trong lòng nỗi lo phá sản.

Với lượng khách du lịch đến với phố cổ Hà Nội tăng mạnh trước khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành kinh doanh đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ được coi là "ăn nên làm ra".

Tuy nhiên, hình ảnh tấp nập khách du lịch trong các cửa hiệu đồ lưu niệm giờ không còn. Hơn một năm qua, ngành kinh doanh đồ lưu niệm trên các tuyến phố Hàng Gai, Hàng Trống, Hàng Hòm... chịu ảnh hưởng nặng nề và khó phục hồi khi dịch Covid-19 kéo dài.

{keywords}
Nhiều cửa hàng kinh doanh đồ mỹ nghệ trên phố Hàng Gai đóng cửa, để lại khoảng vỉa hè rộng rãi cho trẻ em chơi đùa. Ảnh: Linh Đỗ.

“Tồn vốn cả tỷ đồng”

Thời điểm Hà Nội bắt đầu nới lỏng giãn cách sau đợt dịch thứ tư, các hộ kinh doanh đồ ăn, thức uống dần mở cửa trở lại với lượng khách đông đúc. Tuy vậy, các cửa hiệu kinh doanh đồ mỹ nghệ trên phố cổ Hà Nội tiếp tục ế ẩm, vắng khách.

“Hầu hết mặt hàng ở đây đều hướng đến khách du lịch nước ngoài nên tình hình kinh doanh gặp khó khăn hơn nhiều”, chị Hằng - chủ cửa hàng kinh doanh đồ mỹ nghệ trên phố Hàng Hòm - tâm sự.

Kể từ đầu năm, cửa hàng lưu niệm của chị Hằng liên tục mở cửa đón khách. Tuy nhiên, nguồn doanh thu vẫn không thấm vào đâu với lượng hàng tồn kho giá trị hơn 500 triệu đồng. “Có những lúc đến 3-4 ngày không có nổi một người khách vào xem hàng chứ chưa nói là mua hàng”, chị Hằng chia sẻ.

Đồng cảnh, chị Mỹ - đại diện cửa hàng thủ công mỹ nghệ nằm trên góc phố Hàng Hòm - cho biết kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, “doanh thu cửa hàng giảm tới hơn 80%”. Nhắc đến giá trị lượng hàng tồn kho, vị đại diện cửa hàng ngậm ngùi: “Tính cả tầng 1 và 2, con số rơi vào khoảng 1 tỷ đồng”.

{keywords}
Lượng hàng tồn lớn ngăn cản các hộ kinh doanh đồ mỹ nghệ chuyển đổi hình thức kinh doanh. Ảnh: Linh Đỗ.

Trước kia, trong những ngày cao điểm, cửa hàng chị Mỹ phải thuê thêm nhân viên để đón tiếp. Đơn hàng đặt riêng từ các doanh nghiệp nước ngoài phục vụ tổ chức sự kiện nhiều, có lúc doanh thu lên tới 30-40 triệu đồng/ngày.

Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 căng thẳng, ảnh hưởng tới doanh thu khiến chị Mỹ phải ngừng kinh doanh gần một năm. “Cửa hàng mới mở cửa trở lại cách đây 2-3 tháng. Chỉ cần mỗi ngày một khách tới mua là mừng rồi”, chị Mỹ nói.

Bên cạnh những khó khăn khi thiếu hụt lượng khách du lịch - đối tượng khách hàng cốt yếu, các hộ kinh doanh đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ trên phố cổ đối mặt với tình trạng khách hàng ép giá.

“Họ mặc cả sát ván. Nhưng giờ kinh doanh gặp khó, mình cũng không dám đòi hỏi nhiều, được giá là bán luôn”, đại diện cửa hàng trên phố Hàng Gai kể.

Cầm cự được chừng nào hay chừng đấy

Theo tìm hiểu, hầu hết hộ gia đình kinh doanh trên các tuyến phố cổ đều có thâm niên buôn bán mặt hàng đồ lưu niệm, mỹ nghệ lâu năm. Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho lớn là rào cản khiến họ gặp khó khi muốn chuyển đổi mô hình kinh doanh.

“Rất khó để chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác khi lượng hàng tồn đang lên đến 600-700 triệu đồng. Kinh doanh gì cũng cần vốn. Mà vốn lại nằm chờ trên gác mất rồi”, chị Hoa - chủ hộ kinh doanh dành 17 năm gắn bó với nghề buôn đồ thủ công mỹ nghệ - chia sẻ.

{keywords}
Cửa hàng đồ lưu niệm của chị Hoa giờ kết hợp kinh doanh thêm kem, tạp hoá nhỏ và nước ép. Ảnh: Linh Đỗ.

Cầm cự chờ dịch qua, chị Hoa dành một góc trong cửa hàng để kinh doanh thêm kem, đồ tạp hóa và nước ép hoa quả. “Chẳng biết bao giờ mới có khách du lịch. Bán thêm mặt hàng này chỉ là giải pháp tạm thời, đỡ những khoản chi phí phát sinh trong tháng”, chị Hoa cho hay.

Trong khi đó, mô hình kinh đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ lại gặp khó trong quá trình nhập cuộc nền kinh tế số. Chị Mỹ cho rằng khách hàng mua đồ lưu niệm chủ yếu muốn lưu giữ kỷ niệm tại những nơi họ đặt chân nên rất khó để bán online.

“Họ thích cảm nhận sản phẩm trực tiếp và tận tay mang về”, chị nhận định. Ngoài ra, nhiều sản phẩm có kích thước cồng kềnh, chất liệu dễ móp méo khiến quá trình vận chuyển tồn tại nhiều rủi ro.

Niềm tin vào chiến dịch tiêm vaccine của chính phủ

Nhiều tiểu thương kinh doanh trên phố cổ Hà Nội cho biết điều mong mỏi nhất là dịch Covid-19 sớm qua để Việt Nam mở cửa đón khách du lịch.

“Vì có niềm tin vào chiến dịch tiêm vaccine của Chính phủ nên cửa hàng vẫn cố cầm cự. Hơn 10 năm trước, dịch SARS khiến lĩnh vực kinh doanh này lao đao mất mấy tháng mới lại bình thường. Dịch Covid-19 nguy hiểm hơn nhưng tôi mong tới cuối năm nay ngành du lịch sẽ trở lại”, chị Mỹ hy vọng.

Lạc quan là thế nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh trên phố cổ Hà Nội vẫn chuẩn bị phương án dự phòng, đối phó với tương lai dịch Covid-19 chưa thể chấm dứt sớm.

Anh Minh - chủ cửa hàng kinh doanh mặt hàng thời trang trên phố Hàng Gai - đang thúc đẩy các chương trình khuyến mãi, xả hàng. “Sợ là dịch còn kéo dài, tôi phải xả hàng dần để hoàn vốn, bán mặt hàng khác”, anh nói.

Theo Our World In Data, chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại châu Á đang diễn ra tương đối chậm chạp. Những khu vực triển khai tiêm vaccine nhanh nhất là một số quốc gia có dân số nhỏ như Seychelles, Maldives và Singapore. Tính tới ngày 23/6, tỷ lệ tiêm chủng Việt Nam đạt 2,42%.

(Theo Zing)

'Mặt tiền vàng' ở Hà Nội 'đại hạ giá' nhưng vẫn ế khách

'Mặt tiền vàng' ở Hà Nội 'đại hạ giá' nhưng vẫn ế khách

Hàng loạt nhà mặt phố vốn cho thuê để kinh doanh với giá đắt đỏ nhưng trước tác động của dịch Covid-19, dù đã hạ giá thuê nhưng vẫn không tìm được khách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét