Gã khổng lồ gọi xe Didi từ lâu đã thống trị thị trường gọi xe của Trung Quốc. Nhưng khi hãng bị chính quyền Bắc Kinh nhắm đến, các đối thủ tìm cách lôi kéo khách hàng và tài xế.
Theo Nikkei Asian Review, Didi là cứu tinh của cô Cindy Zhu, 29 tuổi, một kỹ sư phần mềm tại Tencent Holdings, sống ở Thâm Quyến (Trung Quốc). Cô gọi xe thông qua Didi để đi làm mỗi ngày.
Nhưng hai tuần vừa qua, cô Zhu bắt đầu thử 4 ứng dụng gọi xe khác. Đồng nghiệp của cô nói rằng giá của chúng rẻ hơn Didi. Gọi xe qua AutoNavi - ứng dụng được Alibaba rót vốn - cô Zhu thường được giảm giá 50%.
Là một người dùng mới, cô cũng nhận được các mã giảm giá của những ứng dụng khác, bao gồm Caocao Mobility và Ruqi Chuxing. "Tôi không còn dùng Didi thường xuyên nữa. Tôi sử dụng thứ rẻ nhất. Các dịch vụ của họ không quá khác biệt", cô Zhu chia sẻ.
Didi - hãng gọi xe được SoftBank rót vốn - từng giành thế thống trị tuyệt đối tại thị trường gọi xe Trung Quốc. Hãng chiến thắng cuộc đua giảm giá khốc liệt và thành công mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Trung Quốc.
Didi có đến 377 triệu người dùng hoạt động hàng năm và 13 triệu tài xế tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các đối thủ của hãng giờ đã tìm thấy cơ hội hiếm có để lay chuyển vị thế của Didi. Giới chức trách Bắc Kinh ngăn công ty đăng ký khách hàng và tài xế mới. Ứng dụng của Didi cũng bị xóa khỏi những cửa hàng ứng dụng trên điện thoại thông minh.
|
Các đối thủ của Didi tìm thấy cơ hội để giành thị phần. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Giành giật thị phần
Gã khổng lồ gọi xe bị cáo buộc thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp. Vụ điều tra diễn ra ngay sau khi Didi IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) thành công trên sàn chứng khoán Mỹ.
"Các ứng dụng khác muốn gia tăng thị phần và điều đó trở nên dễ dàng hơn khi Didi sa sút và bị điều tra", ông Tu Le, Giám đốc điều hành Sino Auto Insights (có trụ sở tại Bắc Kinh), nhận định. "Khi có nhiều thứ không chắc chắn, họ có thể thuyết phục các tài xế và người dùng chuyển sang dịch vụ của mình", ông nói thêm.
Chỉ vài ngày sau khi ứng dụng của Didi bị xóa khỏi các kho ứng dụng, hãng giao đồ ăn Meituan khởi chạy lại ứng dụng gọi xe của hãng. Nền tảng thu hút khách hàng bằng những mã giảm giá hấp dẫn, thưởng tiền mặt cho các tài xế mới. T3, hãng gọi xe được ba nhà sản xuất ôtô quốc doanh, Alibaba, Tencent và Suning rót vốn, cũng đẩy nhanh kế hoạch mở rộng sau sự cố của Didi.
Didi thống trị thị trường gọi xe một phần nhờ việc mạnh tay ưu đãi người dùng. Tuy nhiên, hãng đã tăng giá và cắt giảm các ưu đãi trong vài năm qua. "Điều này giải phóng phân khúc giá rẻ cho những đối thủ nhỏ hơn", ông Ivan Platonov, nhà phân tích công nghệ tại EqualOcean, nhận định.
"Nhiều công ty mới thành lập tính phí thấp, thậm chí không thu phí để thu hút tài xế", ông chia sẻ.
Không giống cuộc chiến giá vài năm về trước, các nền tảng mới né tránh những "thành trì" của Didi và dồn lực vào các thành phố nhỏ - nơi Didi không hoạt động mạnh. Chẳng hạn, họ giảm giá ở những địa phương nhỏ nhiều hơn các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải.
Ngoài thu hút khách hàng, các đối thủ của Didi cũng nỗ lực chiêu dụ tài xế. Nhiều tài xế hơn có nghĩa là thời gian chờ chuyến ngắn hơn. Đó là yếu tốt quan trọng để lôi kéo người dùng.
Các tài xế của Didi từ lâu đã phàn nàn về những thỏa thuận thanh toán mập mờ. Hãng gọi xe bị cáo buộc tính phí hoa hồng quá cao khiến thu nhập của tài xế sụt giảm. Ngược lại, các nền tảng khác đang miễn phí hoa hồng và cung cấp những điều khoản linh hoạt hơn.
Theo một tin tuyển dụng đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Meituan, công ty hiện tuyển dụng tài xế từ 37 thành phố. Ngoài phần thưởng tiền mặt, các tài xế mới đăng ký sẽ không bị tính phí hoa hồng trong 7 ngày đầu tiên. Các nền tảng khác đang cung cấp những ưu đãi khác nhau. Chẳng hạn, Gaode cho phép tài xế chỉ nhận các chuyến xe mà họ thích.
Cuộc đua khốc liệt
Cô Wang Li - một tài xế lâu năm của Didi - bắt đầu chạy cho Meituan và Gaode từ tuần trước. Meituan thưởng tiền cho cô mỗi ngày sau khi hoàn thành chuyến đi đầu tiên trong ngày. "Hầu hết tài xế chúng tôi đang chạy nhiều ứng dụng", cô Li tiết lộ.
Didi cũng đang tăng phần thưởng để tránh mất tài xế. "Phần thưởng từ Didi gần đây khá tốt. Tôi đã không nhận được bất cứ ưu đãi nào từ ứng dụng trong một thời gian dài", cô Li tiết lộ. "Tôi cho rằng sự cạnh tranh gay gắt buộc hãng phải hành động", cô nói thêm.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định vị thế thống trị của Didi trong lĩnh vực gọi xe rất khó lung lay. "Tôi cho rằng thị phần sẽ mất đi nhưng không đáng kể", ông Le tại Sino Auto Insights nhận xét.
Theo ông, quy mô của Didi là biện pháp phòng thủ tốt nhất. Công ty có thể chia chi phí trên số lượng khổng lồ các chuyến xe. Ngoài ra, tác động sẽ phụ thuộc vào cuộc điều tra của Bắc Kinh.
"Một số khách hàng có thể bị thu hút bởi các nền tảng khác bằng mã giảm giá. Nhưng cuối cùng, chất lượng dịch vụ mới tạo nên sự khác biệt", ông Le nói thêm.
|
Didi - hãng gọi xe được SoftBank rót vốn - đã thống trị thị trường gọi xe của đất nước 1,4 tỷ dân. Ảnh: Reuters. |
Anh Jay Wei, 29 tuổi, một giáo viên sống tại Bắc Kinh, vẫn thích sử dụng Didi dù các nền tảng khác đang giảm giá mạnh. "Các phương tiện của dịch vụ cao cấp của Didi sạch sẽ hơn. Hệ thống định vị của hãng cũng chính xác hơn", anh nhận xét.
Cô Zhu, sống tại Thâm Quyến, cũng không hoàn toàn bỏ Didi. Nếu sử dụng hết các phiếu giảm giá trên ứng dụng khác, cô sẽ quay lại Didi.
Tuy nhiên, quy mô bậc nhất của Didi không thể bảo vệ hãng mãi mãi, nhất là với rất nhiều bất ổn đang rình rập. "Ngoài cáo buộc thu thập dữ liệu cá nhân bất hợp pháp, gã khổng lồ gọi xe cũng có thể trở thành mục tiêu của cơ quan quản lý vì thống trị lĩnh vực chia sẻ xe, cũng như chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến chống độc quyền của chính phủ", giảng viên Jeffrey Towson tại Peking University nhận định.
"Về lâu dài, Didi sẽ phải giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và cố gắng tạo ra doanh thu bên ngoài dịch vụ gọi xe", ông Le bình luận.
Didi bắt đầu mở rộng hoạt động trên toàn cầu vào năm 2018. Hãng gọi xe đã thâm nhập vào 14 quốc gia với hàng nghìn tài xế ở châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, tham vọng của hãng có thể gặp khó sau sự cố gần đây với Bắc Kinh.
(Theo Zing)
Những mối nguy hiểm rình rập các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc
Chính quyền Bắc Kinh đang siết chặt kiểm soát ngành công nghệ và chiến dịch này khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc lao đao, khiến các nhà đầu tư quốc tế nghi ngại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét