Dịch Covid-19 bùng phát, các DN tại nhiều địa phương chuyển sang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, không ít DN có quy mô lao động lớn đang gặp khó khăn.
Căng mình duy trì sản xuất
Ngày 13/7, UBND TP.HCM có văn bản khẩn về việc dừng hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố nếu không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid. TP.HCM chỉ cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khi đảm bảo thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn, nghỉ tại chỗ).
Đại diện Công ty ô tô Vĩnh Phát tại TP.HCM cho biết, sau khi văn bản trên được ban hành, DN đã chuyển đổi hội trường lớn của công ty thành nơi nghỉ cho lao động, cùng với đó là tăng hoạt động của nhà bếp để phục vụ bữa ăn. Nơi nghỉ ngơi cho người lao động đều được trang bị mùng mền, chiếu gối. Công ty thực hiện đầy đủ quy định về phòng chống dịch. Hiện có 45 lao động đồng ý thực hiện “3 tại chỗ”. Những lao động này hàng ngày đang làm việc và sinh hoạt tại chỗ, không ra ngoài, không về nhà và được đảm bảo 100% thu nhập.
Nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất theo phương châm '3 tại chỗ' |
Đại diện Công ty Vifon cho hay đã nỗ lực tuyên truyền vận động công nhân thực hiện 3 tại chỗ và đáp ứng các nhu cầu tối thiểu như chỗ ăn, nghỉ, hợp lý. Bên cạnh đó, để công nhân an tâm làm việc, công ty cũng thực hiện nghiêm chỉnh việc test nhanh Covid-19; đồng thời thường xuyên phun khử khuẩn trong khu vực nhà xưởng sản xuất và thực hiện theo đúng quy định về phòng chống dịch.
Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, hiện có trên 600 doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao đã đăng ký hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ”, với tổng số gần 58.000 lao động.
Để thực hiện phương án vừa cách ly, vừa sản xuất, doanh nghiệp phải đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể như: có nguy cơ lây nhiễm thấp, nơi ở tách biệt với khu vực sản xuất, lối ra vào thuận tiện, có hệ thống camera giám sát,... Ngoài ra, người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid trước khi vào lưu trú, không ra khỏi nhà máy trong thời gian áp dụng phương thức trên.
Không chỉ TP.HCM, doanh nghiệp tại nhiều địa phương phía Nam cũng thực hiện 3 tại chỗ. Tại Long An, Công ty cổ phần dệt Đông Quang đã trưng dụng một xưởng làm việc để bố trí làm nơi ở cho các nam công nhân và một văn phòng làm nơi ở cho các nữ công nhân. Mỗi công nhân đều được cấp chiếu, mền, gối, mùng cá nhân và quạt máy để nghỉ ngơi và ngủ lại.
Ngoài khu vực ăn uống đã được xây dựng thêm các vách ngăn trên bàn để đảm bảo ngăn cách giữa người và người khi ăn, công ty còn xây dựng một dãy phòng tắm giặt dã chiến, bố trí màn che, vòi nước riêng đến từng phòng để tránh việc sinh hoạt giữa các công nhân tiếp xúc nhau. Hiện có 200 công nhân đang làm việc theo phương châm “3 tại chỗ”.
Khó đảm bảo với lượng lao động lớn
Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, có hơn 400 doanh nghiệp gửi phương án bố trí "3 tại chỗ" để thẩm định. Trong phương án, các doanh nghiệp đều bố trí nơi ở ngay trong nhà máy, dựa trên việc chuyển đổi công năng từ văn phòng, nhà xưởng sang.
Tuy nhiên, với các DN lớn nhiều lao động khó có thể đáp ứng được yêu cầu này (ảnh minh họa) |
Khu vực lưu trú tập trung được kiểm soát bằng hệ thống camera có kết nối với hệ thống thông tin của địa phương để phối hợp giám sát, được cung ứng đầy đủ thực phẩm, các đồ dùng thiết yếu, điểm khử khuẩn, dung dịch sát khuẩn... và giảm từ 50-60% nhân sự để có thể bố trí được các phương án "3 tại chỗ".
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho biết, đến hết ngày 23/7, khoảng 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký “3 tại chỗ” và tỉnh đã chấp thuận cho 350 doanh nghiệp, với số lượng gần 53.000 công nhân.
Hầu hết các doanh nghiệp này đều sử dụng không nhiều công nhân, từ 3.500 người trở xuống. Ngoài việc lo nơi ngủ, ở, đảm bảo đúng quy định về phòng chống dịch và đảm bảo đời sống người lao động, nhiều doanh nghiệp còn hỗ trợ thêm tiền để khuyến khích công nhân lưu trú.
Theo các địa phương, nhờ thực hiện “3 tại chỗ” mà hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì một phần, trong khi số ca nhiễm giảm hẳn. Chẳng hạn tại khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao ở TP.HCM giảm mạnh từ vài trăm ca/ngày xuống còn khoảng 30 ca/ngày và những ngày gần đây chỉ phát hiện 10 trường hợp mắc Covid-19. Điều này cho thấy, việc áp dụng quy định “3 tại chỗ” đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh không đáp ứng ngay được "3 tại chỗ" nên đã chọn phương án để công nhân tạm nghỉ. Phần lớn đây đều là những doanh nghiệp quy mô lớn, với hàng chục nghìn lao động, nên việc lo ăn, ở tại chỗ cho lượng lớn lao động là khó khả thi.
Chẳng hạn tại Đồng Nai, Công ty TNHH Pousung Việt Nam tạm ngưng hoạt động từ ngày 22/7 đến hết 1/8; toàn bộ gần 25.000 lao động nghỉ việc, nhận lương tối thiểu. Công ty TNHH giày Dona Standard tạm dừng hoạt động từ 22/7 đến 28/7, hơn 29.000 lao động của công ty nghỉ làm. Công ty TNHH Hwaesung Vina ra thông báo cho hơn 15.000 lao động tạm nghỉ từ ngày 22/7 đến ngày 1/8.
Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” đều phải giảm từ 50-60% lao động, vì nếu đi làm đủ cũng không thể đáp ứng được các điều kiện. Tại Đồng Nai, có hơn 30 khu công nghiệp với khoảng 620.000 lao động, thì chỉ hơn 50.000 lao động làm theo phương châm “3 tại chỗ”. Vì vậy, các DN hoạt động trong tình trạng không đảm bảo công suất. Không ít DN đang đứng trước vô vàn khó khăn. Nếu không tìm cách chuyển đổi phương án hoạt động, nhiều DN sẽ gặp khó khăn trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, hợp đồng với các đối tác và thu nhập của người lao động theo đó sẽ bị ảnh hưởng.
Trần Thủy
Xe quay đầu không thể qua chốt, đứt gãy nguồn nguyên liệu
Các xe vận chuyển vật tư nông nghiệp không thể qua chốt kiểm dịch dẫn đến “đứt gãy” nguyên liệu cho sản xuất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét