Thay vì sở hữu thêm xe hơi, đồng hồ hay đi du lịch, sưu tầm cây cối quý hiếm trở thành thú vui của nhiều gia đình Singapore trong bối cảnh đại dịch.
Trước khi làn sóng Covid-19 xuất hiện tại Singapore, ý tưởng trồng cây cối chưa từng có trong suy nghĩ của vợ chồng ông bà Ooi. Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi lệnh phong tỏa nhiều khu vực ở Singapore được ban hành.
|
Vườn cây quý hiếm của vợ chồng ông bà Ooi. Ảnh: Jason Ooi. |
Đối với bà Ooi, thay vì đi du lịch, những buổi dạo quanh ngắm nhìn khu vườn nhỏ là điều duy nhất đem lại hạnh phúc cho cặp vợ chồng. “Chúng tôi đang làm việc tại nhà và thực vật thực sự có tác dụng giải tỏa căng thẳng”, bà khẳng định.
Theo CNA, xu hướng làm vườn trở thành thú vui tiêu khiển phổ biến trong bối cảnh đại dịch ở Singapore. Đặc biệt hơn cả, người dân tại đảo quốc sư tử sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để săn lùng những loại cây quý hiếm.
“Xu hướng làm vườn bắt đầu tăng mạnh kể từ đầu năm 2020, khi giới chức Singapore quyết định phong tỏa khu vực”, Peter Cheok - Giám đốc mảng kinh doanh & tiếp thị thuộc công ty Far East Flora - nhận định. “Xu hướng săn lùng những loài thực vật quý hiếm trên thị trường đang phát triển”, ông Cheok nói thêm.
Giải thích cơn sốt sưu tầm thực vật quý hiếm ở Singapore, Tan Wei Jie - nhà sáng lập công ty bán lẻ thực vật Rabbit Island - cho rằng: “Việc sưu tầm loài thực vật quý hiếm như một cách thay thế chi tiêu vào những chuyến du lịch”.
Hồi tháng 6, vườn ươm có tên Candy Flo Agricultural ở đường Thomson (Singapore) đăng tải hình ảnh một khách hàng tới mua giống cây Philodendron Spiritus quý hiếm với mức giá 29.500 USD. “Khác với việc sở hữu nhiều loại cây, anh ấy muốn sở hữu một thứ gì đó có giá trị lớn hơn”, Sharon Goh - Giám đốc phát triển bán hàng của vườn ươm - chia sẻ.
|
Hồi tháng 6, một khách quen của vườn ươm Candy đã "đón tay" chậu cây Philodendron Spiritus quý hiếm trị giá 29.500 USD. Ảnh: Instagram. |
Thị trường cây cối có mức giá 5 chữ số ngày càng sôi nổi ở Singapore. Các giống cây cùng dòng Philodendron với mức giá thấp hơn, trong khoảng 11.000-12.500 USD/cây, cũng ăn khách.
Chia sẻ với CNA, Shawn Chen - chủ vườn ươm Greenfingers ở khu dân cư Lâm Thố Cảng - cho biết đang rao bán loài lan hổ nhiều màu đắt nhất vườn. Đây là loại cây phong lan lớn nhất thế giới, được đánh giá cao về tán lá và có nguồn gốc từ Singapore. “Nó có giá 33.200 USD”, Chen - nhà đồng sáng lập cộng đồng thực vật trên Facebook - định giá.
Bộ sưu tầm cây cối của vợ chồng Ooi cũng không thể thiếu những loài thực vật có giá trị cao. Loại cây xa xỉ nhất họ mua là cây Monstera Dilacerata, có giá 5.900 USD. Loài cây đắt đỏ thứ 2 của vợ chồng Ooi là Monstera Borsigiana Aurea, có giá 1.800 USD. “Mức giá đó có vẻ đắt nhưng nếu có cơ hội, tôi sẽ mua thêm vì màu sắc đặc biệt của chúng”, ông Ooi khẳng định.
|
Loài lan hổ nhiều màu được định giá 33.200 USD trong vườn ươm của Shawn Chen. Ảnh: Shawn Chen. |
Theo CNA, nhu cầu sở hữu những loại cây quý hiếm tăng cao đang gây ra tình trạng giá cả leo thang. Có khả năng bong bóng cây quý hiếm sẽ vỡ. Tuy nhiên, đại diện vườn ươm Noah Garden Centre tin rằng giá các loại cây quý hiếm khó có thể đạt đỉnh khi số lượng các loài thực vật này bị giới hạn.
Ngược lại, Jeremy Gopalan - nhà sưu tầm thực vật - cho rằng bong bóng thực vật quý hiếm có thể vỡ khi dịch bệnh qua đi và mọi người bắt đầu quay trở lại cuộc sống thường ngày. Bên cạnh đó, “xu hướng mong muốn bán được nhiều hơn của các vườn ươm sẽ tạo ra thặng dư và giá sẽ giảm”.
(Theo Zing)
Cây trầu bà đột biến được bán với giá kỷ lục hơn 19.000 USD
Một cây trầu bà đột biến trồng trong nhà chỉ có chưa đầy 9 lá vừa được bán với giá kỷ lục 19.297 USD trên trang đấu giá ở New Zealand.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét