Thất nghiệp dài ngày vì dịch Covid-19 đã khiến các hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu, người thì về vườn chăm nom đàn ngan, vịt, người mở nhà hàng, bán bún riêu cua, nhưng rồi vẫn gặp khó.
- Con đang làm gì thế Tấm? Anh Phan Sơn bước lại gần phía bàn học của cô con gái, kéo ghế ngồi ngay cạnh rồi nhẹ nhàng hỏi.
- Con gấp máy bay cho ba. Ba có nhớ chiếc máy bay không?
Câu hỏi ngây ngô của cô gái bé bỏng làm anh Sơn chững lại. Chưa vội đáp lời, anh bất giác đưa mắt quan sát một lượt chiếc giá sách – nơi anh trưng bày cả trăm món đồ lưu niệm. Làm nghề hướng dẫn viên du lịch gần hai chục năm nay, cứ mỗi chuyến đi, mỗi quốc gia đặt chân tới, anh Sơn có sở thích lượm nhặt vài ba món đồ để lưu giữ kỷ niệm.
Từ phòng khách, phòng đọc, nơi ngủ… chỗ nào cũng cơ man là đồ đạc. Câu hỏi của Tấm – cô con gái nhỏ - là cái chạm nhẹ vào nỗi nhớ cứ thường trực trong anh mỗi ngày, bởi từ cuối năm 2019, khi dịch Covid-19 bùng phát, du lịch “đứng im” cũng là lúc anh Sơn mất việc làm.
Anh nông dân bất đắc dĩ từng đặt chân tới 70 quốc gia trên thế giới
6h30, anh Phan Sơn (42 tuổi) phóng chiếc xe máy ra vườn nhà. Trên tay nắm của xe, anh treo hai thùng nặng trịch: một bên là nước phở, bánh phở ăn thừa đi xin từ một hàng ăn; một bên là thùng bỗng rượu anh được người trong khu gọi cho vào sáng sớm. Đêm qua Hà Nội mưa lớn, con đường đất từ nhà ra vườn trở thành bãi sình lầy bì bõm. Ấy vậy, người đàn ông cao lớn vẫn ngồi trên chiếc xe máy đi phăng phăng qua đoạn đường khó, có vẻ như đã quá quen thuộc.
Đoạn đường đất chỉ rộng chừng 50 cm dẫn lối vào khu vườn của gia đình Sơn. Mảnh đất này trước kia cũng bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Cuối tháng 10/2019, anh mới quyết định sửa sang lại cho tươm tất. Đường điện, đường nước, chia khu đất trồng, đất nuôi, dựng lều lán… đều một tay anh đảm nhận.
Là người có sở thích làm vườn, thoạt đầu anh sửa sang lại mảnh đất với mục đích để gửi gắm bố mẹ chăm nom, thỉnh thoảng đi công tác xa về sẽ ra phụ giúp. Khu vườn ngày nào cũng có người thăm tưới, hôm nào quá bận, anh lại gửi mấy người thợ mộc sống gần đó nhờ trông nom giúp.
Mảnh vườn chia làm các khu nhỏ: một mảnh trồng rau sạch, thêm cây nhãn, cây ổi; một mảnh anh cất lán ở để thỉnh thoảng cả nhà sẽ ra vườn nấu nướng ăn cơm; góc còn lại anh làm mô hình ao chuồng nuôi gia súc. Anh Sơn nuôi một đàn hơn 100 con vừa vịt vừa ngan đầy đủ cả to lẫn bé. Thức ăn cho chúng đều là đồ sạch như nước phở, bỗng rượu, thóc…
“Tôi nuôi không để bán. Toàn bộ từ rau củ đến gia súc đều là đồ sạch, tôi dùng cho gia đình hoặc thỉnh thoảng tặng bạn bè làm quà. Ai cũng thích thú lắm”, anh nói trong khi luôn tay đổ thức ăn cho đàn gia súc.
Kể về việc tu sửa lại khu vườn, Sơn lấy đó làm may mắn bởi vừa hoàn thiện không lâu thì dịch Covid-19 ập tới. Công việc hướng dẫn viên du lịch anh gắn bó gần hai chục năm đến nay phải dừng lại. Anh vui vẻ quay về với mảnh vườn của gia đình, trở thành người nông dân chất phác ngày nào cũng đeo ủng, bì bõm trong đám bùn lầy lội.
Kết thúc việc ở vườn, anh Sơn trở về nhà. Hai con của anh cũng vì dịch nên thời gian này được nghỉ học. Trước kia, anh Sơn đảm nhận các tour nước ngoài, công việc bận rộn nên thời gian ở nhà không nhiều. “Dịch dã bỗng dưng cho tôi một lý do chính đáng để có thời gian cho gia đình nhiều hơn”, anh Sơn tếu táo nói.
Khoảng trống trên sân thượng đến nay cũng được anh lấp đầy bởi cây cối. Từ chiếc xe đạp cũ, cái ghế gỗ đã bỏ đi, những gốc cây sim anh xin từ Nghệ An đem về… Tất cả lại góp nhặt trở thành khu vườn nhỏ tại gia của người đàn ông 42 tuổi.
Hái mấy chiếc lá chanh để chuẩn bị cho món tối, anh Sơn sung sướng xòe đôi tay ra nói đầy tự hào: “Lá sạch đấy, bố con tôi tưới tắm mỗi ngày. Trồng có khi đến vài tháng mới được ăn nhưng có đồ tươi ngon tự mình làm ra, gia đình tôi thích lắm”.
Những lúc rảnh, anh lôi mấy món đồ lưu niệm ra lau chùi cẩn thận. Với anh đây là những minh chứng cho gần 70 quốc gia đã đặt chân tới. Cũng là việc để anh nguôi đi cảm giác “ngứa nghề” khi gần 2 năm nay ở yên một chỗ. “Lúc nào mà nhớ cái nhộn nhịp quá thì tôi lại chui vào phòng karaoke của gia đình, hát lấy vài bài cho giải tỏa cảm xúc là xong”, anh Sơn cười nói.
'Tôi không ngại việc chân tay, thời buổi này nghề nào cũng quý'
Khu chợ Thạch Bàn vào buổi sáng lúc nào cũng đông đúc. 4h45, nắng đã kịp chiếu xuống các ki-ốt của tiểu thương trong chợ.
- Người đẹp, cho em nửa cân tỏi.
- Cô Hằng ơi lấy giúp anh 5 bó húng, 5 bó mùi, 10 cây xà lách như mọi khi.
- Xương bữa nay giá thế nào chị gái ơi?
…
Nghe thấy tiếng gọi khàn khàn, những người bán hàng liền nhặt đồ bởi đã quen với người đàn ông vui tính ra sáng nào cũng đi chợ ấy.
Là một hướng dẫn viên du lịch, công việc của anh Nguyễn Minh Vũ (40 tuổi) cũng dừng hẳn từ đầu năm 2020 – thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Hơn một năm nay, anh chuyển qua kinh doanh quán bún riêu cua cùng bạn. Mỗi ngày, cựu hướng dẫn viên du lịch đều thức giấc từ 4h30 sáng, đi chợ sớm mua rau củ rồi mang tới cửa hàng, bắt tay vào nấu nướng.
Chợt điện thoại của anh Vũ reo lên:
- Vũ à, hôm nay phải nghỉ bán rồi, thành phố áp dụng Chỉ thị 16 từ 6h, hàng quán đóng cửa hết, em đang mua rau củ ở chợ đó à?
- Thôi chết, sao em không biết gì nhỉ?
- Thì anh em mình ngủ sớm, chỉ thị ra gấp vào buổi đêm. Nếu không có việc cần thiết thì mình phải về nhà trước 6h em ạ.
- Vậy còn đồ đạc ở quán thì sao, mình anh dọn sao xuể. Để em chạy qua phụ anh rồi về nhà. Giờ mới 5h, vẫn còn kịp.
…
Anh Vũ treo vội số rau vừa mua vào xe rồi đi thẳng tới quán bún. Trong đầu anh còn chưa kịp nhận định tình hình. Mới đây hơn một tuần, các anh chuyển từ bán hàng tại chỗ sang bán mang về khi nhận được khuyến cáo phòng dịch của chính quyền. Bây giờ là dừng hẳn, không buôn bán gì nữa.
6 tháng đầu tiên nghỉ dịch, anh ở nhà như những đồng nghiệp khác, trông mong vào ngày dịch bệnh lắng xuống, du lịch lại mở cửa trở lại. Thế nhưng hết làn sóng này đến đợt bùng phát khác, anh chủ động kiếm việc để làm. Quán bún riêu được mẹ anh chỉ dạy công thức của gia đình từ ngày xưa, thoạt đầu cũng ổn định thu nhập cho gia đình. Đến nay, hàng quán khi thì bán mang về, khi thì đóng cửa nghỉ hẳn, mọi thứ gặp nhiều khó khăn hơn, anh Vũ cũng bắt đầu nghĩ sang những hướng đi khác.
Ở nhà, người đàn ông 40 tuổi quen dần với việc chăm sóc cô con gái 2 tuổi. “Được ở cạnh khi con bắt đầu nhận thức, tôi lấy đó làm điều tích cực cho bản thân mình thời điểm này”, vừa vui đùa với con gái, anh Vũ tâm sự.
“Tôi làm để lấp thời gian trống. Đợi sau này du lịch mở lại thì mình quay về với nghề chính. Bởi đam mê vẫn là dịch chuyển, ở nhà như này nhiều khi tôi nhớ nghề lắm”, anh Vũ nói.
Những khi rảnh, anh Vũ mang những tấm hình chụp phong cảnh, chụp cùng du khách… ra xem. Anh còn nhớ rõ tour cuối cùng mình dẫn đoàn khách tới Thái Lan, từ tháng 11/2019, rồi kể từ đó, anh nghỉ việc ở nhà.
Không đầu hàng trước những khó khăn, anh Vũ đã sớm tìm thêm cho mình một công việc ở kho hàng vận chuyển. Những ngày trước kia, cứ buổi sáng đi bán bún riêu, đến 17h anh lại tranh thủ ăn cơm sớm rồi tới kho làm thêm đến 0h đêm. Nghỉ bán bún, anh vẫn còn công việc ở kho vận chuyển để duy trì.
Vậy là cứ chiều, khi hoàng hôn xế bóng, anh Vũ lại đi xe máy tới nơi làm việc mới. Nhiều người hỏi anh có bằng cấp, có ngoại ngữ, sao phải chịu làm công việc tay chân, anh Vũ chỉ cười xuề rồi lạc quan đáp lại: “Tôi không ngại việc tay chân, thời buổi này nghề nào cũng quý”.
Mở nhà hàng chi phí 70 triệu đồng mỗi tháng, phải đóng cửa liên tục
"Các con hôm nay đi tập thể dục chưa?", đẩy cửa bước vào, đó là câu hỏi đầu tiên anh Đỗ Gia Quyết dành cho những nhân viên của mình.
Là một hướng dẫn viên du lịch với 20 năm làm việc trong nghề, giống Phan Sơn, anh Quyết từng đặt chân đến nhiều quốc gia lớn nhỏ khác nhau. Quan sát, góp nhặt mỗi nơi một chút, anh mở cho mình hai nhà hàng tại một khu đô thị gần nhà.
Cứ mở ra được vài tháng lại chuyển sang bán mang về, đợt nào dịch bùng phát mạnh, thực hiện giãn cách, anh cũng cho đóng cửa luôn.
Đội ngũ nhân viên ở lại nhà hàng trước kia có tới gần hai chục người, đến nay cũng chỉ còn 6 người ở lại. Những người nhà xa được anh Quyết nuôi ăn ở ngay tại nhà hàng của mình.
Dù không mở cửa kinh doanh như trước kia, mỗi tháng anh Quyết vẫn phải chi trả từ 60-70 triệu đồng để duy trì: mặt bằng, điện nước, tiền khấu hao, tiền lương nhân viên…
Đều đặn mỗi ngày, 3 đầu bếp và 3 nhân viên bàn vẫn túc trực ở nhà hàng. Khi nào có đơn thì chuẩn bị đồ rồi mang đi ship. Mỗi đơn hàng như vậy, anh Quyết lại trích ra 20% làm công cho nhân viên. Những lúc không có đơn, cửa hàng tắt điện im lìm. Bàn ghế đến nay cũng kê gọn lại vì chắc cũng còn lâu nữa mới dùng tới.
Chẳng ai bàn nhau, ngày nào Cảnh, Huy, Hiệp… cũng dọn dẹp lại vài ba lượt cho sạch sẽ, khi thì quét dọn, lau nhà, khi lại dọn dẹp bàn ghế. Đó cũng là điều mà anh Quyết tự hào về những nhân viên của mình.
Đi nhiều nơi trên thế giới, điều anh học được nhiều nhất là văn hóa ứng xử, kỹ năng phục vụ trong nghề dịch vụ. Từ cách nghe điện thoại, cách chào đón khách, cách dọn dẹp vệ sinh bàn ăn, kỹ năng phục vụ bàn,… anh đều tự tay làm để hướng dẫn nhân viên. Đến nay đã thành quy chuẩn chung mang một phong cách rất riêng biệt được khách hàng yêu thích.
Nói về tình hình kinh doanh của hai nhà hàng trong thời kỳ dịch bệnh, anh Quyết điềm tĩnh: “Khó khăn là khó khăn chung, chuyện kinh doanh tôi tính lâu dài chứ không phải vài ba tháng. Chừng nào dịch ổn định, tôi sẽ giao lại cho bà xã rồi quay về với nghề hướng dẫn viên. Dù sao dịch chuyển nó cũng ăn vào máu của tôi rồi, cùm chân ở nhà sao được”.
Ngoài lúc làm việc, những cậu nhân viên sẽ cùng nhau ăn uống, sinh hoạt, tập thể thao rèn luyện sức khỏe. “Chú Quyết tạo điều kiện cho bọn em lắm. Bán mang về không được là bao nhưng chú vẫn nuôi ăn ở cho bọn em như trước kia. Thỉnh thoảng lại qua nhắc mấy đứa chăm tập thể dục, đọc sách mở mang kiến thức”, Đức Cảnh – một nhân viên tại cửa hàng nói.
Anh Quyết kể thêm về những người bạn của mình, cũng là những hướng dẫn viên mất việc trong mùa Covid. Người đàn ông đứng tuổi nhìn xa xăm, chợt thở dài một tiếng. Anh lo có người vẫn còn ngồi trông du lịch quay lại sớm, có người thì chán nản chuyển việc rồi biết đâu họ sẽ tìm được những điều kiện ổn định hơn, sau này không quay lại với nghề.
“Tôi chỉ mong những đồng nghiệp hãy mạnh dạn chọn cho mình một hướng đi mới phù hợp. Chúng ta có nhiều lợi thế về nghề dịch vụ: kỹ năng phục vụ khách, kỹ năng giao tiếp và nhiều thế mạnh khác mà nghề hướng dẫn viên đã mang lại. Dẫu sao cũng là những con đường mới, ta phải đặt bước đi thì mới biết sẽ dẫn tới đâu”, anh Quyết kiên định nói.
(Theo Zing)
Món trợ cấp 3,7 triệu: Hàng vạn người ngóng chờ hướng dẫn
Cơ quan quản lý Du lịch tại TP.HCM, Quảng Ninh... vừa có văn bản gửi Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch thắc mắc về một số quy định hướng dẫn thực hiện Quyết định 23 về điều kiện nhận trợ cấp của hướng dẫn viên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét