Cuộc khủng hoảng thiếu chip trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến mọi thứ từ ô tô đến máy trò chơi điện tử. Và hiện điện thoại thông minh (smartphone) đang là ngành tiếp theo chịu tác động.
Vì sao thiếu chip khiến ngành ô tô điêu đứng?
Nguồn cung chất bán dẫn đã bị thiếu hụt trong năm nay do nhiều lý do, bao gồm việc nhiều nhà máy đóng cửa do đại dịch Covid-19 và nhu cầu về các mặt hàng điện tử tiêu dùng tăng cao.
Đặc biệt, tình trạng thiếu chip đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất ô tô, buộc nhiều hãng như General Motor, Ford, Nissan.. phải cắt giảm sản lượng, thậm chí ngừng sản xuất một số loại xe nhất định.
Trong khi đó, các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Apple và Samsung đến nay hầu như chưa bị tác động nhờ có lượng chip dự trữ.
Lý giải điều này, ông Ben Wood - nhà phân tích trưởng tại CCS Insight - cho rằng: "Ngành công nghiệp ô tô không hoạt động cùng nhịp với ngành kinh doanh điện thoại thông minh. Họ nhìn thấy vấn đề chậm hơn so với những nhà sản xuất điện thoại".
Theo ông Wood, các nhà sản xuất ô tô phụ thuộc vào những con chip lớn hơn, đời cũ hơn trong khi các nhà sản xuất điện thoại đang sử dụng bộ vi xử lý mới nhất. Mặt khác, do điện thoại thông minh được bán với số lượng lớn hơn nhiều ô tô nên được các nhà cung cấp ưu tiên hơn.
Ông Syed Alam - Trưởng bộ phận chất bán dẫn toàn cầu của Accenture - cũng cho rằng, bất chấp đại dịch, các hãng điện thoại thông minh vẫn không giảm nhu cầu đối với mặt hàng chip như các nhà sản xuất ô tô. Ngay khi đại dịch bắt đầu, ngành công nghiệp ô tô đã dự báo nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ giảm, nên đã cắt giảm nhu cầu đối với chip.
"Thực tế, các công ty điện thoại thông minh đã hưởng lợi từ công suất dư thừa mà các hãng ô tô để lại. Do đó, ngành ô tô phải đối mặt với tình trạng thiếu chip khi nhu cầu về ô tô tăng nhanh hơn dự đoán", ông nói.
Ngành sản xuất điện thoại bắt đầu gặp khó
Tuy nhiên, theo CNBC, các nhà sản xuất điện thoại di động đang bắt đầu cảm nhận tác động của cuộc khủng hoảng chip toàn cầu.
"Giờ đây, khi ngành ô tô và các ngành khác đang bắt kịp và bắt đầu khôi phục công suất sản xuất thì cuộc cạnh tranh để cung cấp chất bán dẫn trở nên khốc liệt hơn", ông Alam nói và cho biết thêm: "Điều này tạo ra áp lực nguồn cung cho chip điện thoại thông minh".
Ngày 28/9, Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook đã cảnh báo những hạn chế về nguồn cung silicon sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán iPhone cũng như các sản phẩm khác như iPad.
Theo ông Cook, sự thiếu hụt không phải ở bộ vi xử lý chính mà là chip cho các chức năng phụ như nguồn màn hình và giải mã âm thanh.
Tuy nhiên, không chỉ Apple mà các nhà sản xuất nhỏ hơn như Lenovo, TCL của Trung Quốc và HMD Global của Phần Lan cũng đang gặp khó khăn về nguồn cung, theo ông Wood.
HMD - công ty sẽ ra mắt một số mẫu điện thoại thông minh Nokia mới vào mùa hè này - cũng cảnh báo sự thiếu hụt chất bán dẫn có thể là thách thức đối với các nhà sản xuất thiết bị nhỏ.
Giống như Apple, Samsung cũng được hưởng lợi nhờ quy mô và quyền thương lượng. Nhưng theo các nhà phân tích, Samsung vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn do sự thiếu hụt chip trên toàn cầu.
Nói với CNBC, ông Dale Gai - nhà phân tích chất bán dẫn tại Counterpoint Research - cho rằng, Samsung có vẻ là hãng chịu tác động lớn hơn trong nửa đầu năm 2021.
Gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng khi nhà máy chế tạo chất bán dẫn tại Austin, Texas (Mỹ) phải đóng cửa trong một tháng vào hồi đầu năm nay do ảnh hưởng của trận bão tuyết gây mất điện.
Hồi tháng 3, Samsung cho biết, có sự mất cân bằng nghiêm trọng về cung cầu đối với mặt hàng chip trong lĩnh vực công nghệ thông tin và họ có thể hoãn việc ra mắt mẫu điện thoại Galaxy Note tiếp theo.
Tuy nhiên, hôm 29/7, Samsung đã công bố lợi nhuận quý II tăng 54% do giá chip tăng vọt. Hãng này dự báo thị trường điện thoại di động sẽ phục hồi như mức trước đại dịch nhưng cảnh báo sự thiếu hụt chip có thể làm lệch dự báo.
Về tác động tổng thể đối với ngành điện thoại di động, ông Gai cho rằng, dự kiến sự thiếu hụt chip sẽ làm giảm 10% so với dự báo sản xuất của các hãng sản xuất điện thoại di động.
"Tôi không tin sự thiếu hụt này gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng nó sẽ có tác động", ông O'Donnell Phó giám đốc nghiên cứu của công ty cố vấn Forrester nói và cho rằng: "Giá điện thoại có thể cao hơn và khan hàng ở một số mẫu nhất định".
(Theo CNBC/ Dân Trí)
Thế bá chủ của nhà sản xuất chip Đài Loan đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Chip của TSMC nằm trong hàng tỷ sản phẩm, từ iPhone đến ôtô. Thế thống trị của nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng dễ tổn thương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét