Trong vụ hai đối tượng cố tình làm chết lan 5 cánh trắng “Bạch tuyết”, những người chơi lan cho rằng đây là thủ đoạn cũ để làm mất bằng chứng.
Đổ thuốc trừ cỏ giết lan để không phải bảo hành
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ tiếp nhận thông tin của Công an huyện Yên Lập với nội dung đơn tố giác của anh Hoàng Đức G (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) tố cáo việc bị hai đối tượng lạ mặt đổ dung dịch hóa chất vào cây lan 5 cánh trắng “Bạch tuyết” giá trị hơn 1,1 tỷ đồng.
Anh G cho biết: Ngày 17/2, chị Nguyễn Thị Phương Ng (trú tại huyện Yên Lập) mua 1 cây hoa phong lan đột biến 5 cánh trắng “Bạch tuyết” của anh Đỗ Văn Ph (ở TP Việt Trì, Phú Thọ) với giá là 416 triệu đồng.
Sau khi mua, ngày 19/2, chị Ng đem gửi cây hoa phong lan này cho anh G chăm sóc.
Đến ngày 4/7, có 2 đối tượng nam giới đến vườn lan của anh G xem và hỏi mua cây hoa phong lan đột biến 5 cánh trắng “Bạch tuyết” của chị Ng gửi.
Nhưng sau đó, 2 đối tượng này chỉ mua của anh G cây lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng “Phú Thọ” với giá 1,2 triệu đồng rồi đi về.
Đến ngày 8/7, anh G phát hiện cây hoa phong lan của chị Ng có biểu hiện úa, chết. Khi kiểm tra, anh G xác định một trong hai đối tượng đã dùng dung dịch hóa chất đổ vào cây nên đã thông báo cho chị Ng và trình báo sự việc đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lập.
Mặt hoa 5CT Bạch Tuyết |
Theo điều tra ban đầu, hai đối tượng có liên quan là Bùi Đăng Khoa (33 tuổi) và Hán Đức Hải (27 tuổi, đều trú tại xã Vạn Xuân - huyện Tam Nông - Phú Thọ).
Khoảng tháng 11/2020, Hải cùng Khoa đến vườn lan của anh Nguyễn Trung Thực địa chỉ tại Ngã Tư Sở Sao, Thành phố Thủ Dầu 1, tỉnh Bình Dương mua một cây phong lan 5 cánh trắng “Bạch tuyết” với giá 170.000.000 đồng.
Sau đó, bán lại cho anh Ph với giá 170.000.000 đồng, một thời gian sau Ph thông báo đã bán cây lan trên cho chị Ng ở Yên Lập. Trong thời gian này, các bên thường xuyên gửi hình ảnh cho nhau để bảo hành.
Tuy nhiên đến tháng 4/2021, khi Hải gửi hình ảnh cho Thực để bảo hành thì bị Thực chặn số không liên lạc được.
Sau đó, Hải xác định cây lan này không phải hoa lan đột biến 5 cánh trắng “Bạch tuyết”.
Do sợ bị chủ vườn lan tố cáo có thể bị xử lý về hành vi lừa đảo và phải bồi thường tiền nên Hải đã bàn với Tư và Khoa thực hiện hành vi đầu độc cây, mục đích để người mua lan không còn bằng chứng đối chiếu, từ đó không bắt đền được.
Thị trường lan đổ vỡ, lộ ra nhiều lừa đảo
Nhận xét về thủ đoạn trên của các đối tượng, một người có nhiều năm nghiên cứu về lan cho rằng đây là thủ đoạn cũ đã xảy ra từ lâu.
"Trước đó nhiều đối tượng còn dùng kim châm vào lan để lan không ra hoa được nữa. Khi một con người bị tha hóa về tài chính thì họ bất chấp các thủ đoạn để gây nên những sự việc trên.
Về dòng lan đột biến, thời gian gần đây, thị trường lan giảm hẳn, hầu như không có giao dịch.
Có thể nhiều người họ nhận ra lan ảo, giá trị không thật nên không ai đầu tư và không ai mua nữa" - người nghiên cứu lâu năm về lan nói.
Cùng chung quan điểm này, một đại gia trong lĩnh vực cây cảnh nhận xét: "Hiện nay trong những vụ lừa đảo lan, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn khác nhau. Có một số giống lan quý họ phun thuốc để cây chết đi sẽ không có bằng chứng tố cáo, bắt đền. Thậm chí có trường hợp tiêm vào cây để không ra hoa. Với những thủ đoạn này tôi thấy đã xuất hiện từ lâu chứ không phải bây giờ.
Hiện nay thị trường lan gần như đã vỡ, tính ra giá lan giảm đến 90% so với thời điểm ban đầu. Với dòng lan đột biến 5 cánh trắng “Bạch tuyết”, nếu trước đây bán được với giá 1,2 triệu đồng 1cm thì giờ chỉ bán được trăm ngàn/cm nhưng chưa chắc đã có người mua.
Khi thị trường lan vỡ sẽ dẫn tới hàng loạt những hậu quả xảy ra. Ban đầu chỉ là việc giết cây để không có bằng chứng đối chứng bắt đền, sau đó là con người giải quyết thanh toán nhau nếu không thỏa thuận được".
Theo đại gia cây cảnh này nhận định, trong tương lai lan đột biến sẽ không có giá trị nữa, đã qua thời ngộ nhận rồi. Nếu tiếp tục thổi giá cũng sẽ không ai tin bởi nhiều người nhận ra những vụ mua bán lan chỉ là lừa đảo chứ không thật.
Chính vì vậy những người thu được số tiền lớn sau những thương vụ mua bán lan đột biến hiện đang chuyển sang đầu tư cây cảnh nghệ thuật. Về cơ bản cây có giá trị thật, mức độ tăng trưởng của nó cũng không nhanh như lan nên giá trị khá ổn định.
"Như tôi biết hiện nay có hai nhà vườn lan lớn ở TP.HCM hiện đã bắt đầu ra khu vực phía Bắc để thu mua nhiều cây cảnh, cây thế có giá trị" - đại gia này nói.
(Theo Đất Việt)
Cơn sốt đầu tư 'lan điện tử' trị giá nghìn USD trên mạng
Những cây lan đột biến như Phú Thọ, HO được mã hóa thành tài sản NFT để giao dịch với giá hàng chục, hàng nghìn USD, song người mua sẽ chỉ sở hữu lan dạng kỹ thuật số.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét