Nhiều nơi, người dân ở Hà Nội được phát thẻ đi chợ theo ngày, thậm chí là theo giờ. Thế nên, không ít người đã lên danh sách mua từng mớ rau, con cá, củ hành,... để tránh bỏ sót và kịp giờ chợ.
uy định khung giờ, ngày đi chợ
Sáng nay (29/7), chị Bích Phương ở Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) nói: “Sáng sớm nay tôi bắt đầu cầm thẻ đi chợ mua các loại rau củ, thịt cá. Qua cổng chợ được đo nhiệt độ, ban quản lý thì thu lại phiếu của mình”.
Chị cho biết, trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chị có thói quen ngày nào cũng đi chợ gần nhà để mua đồ ăn cho tươi ngon. Nhưng từ khi giãn cách 2-3 ngày chị mới đi chợ một lần. Hôm qua, nhà chị được phát thẻ đi chợ vào những ngày lẻ. Cứ cách ngày được đi chợ một lần. Chị nhận được tổng cộng 5 thẻ.
“Phần lưu ý ghi rõ người vào chợ phải điền đầy đủ thông tin vào thẻ. Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Mua đủ thực phẩm dùng cho từ 2-3 ngày. Thẻ có giá trị cho một người và một lần vào chợ”, chị nói.
Người dân tại Hà Nội bắt đầu nhận thẻ đi chợ (ảnh: BH) |
Theo chị, vì chỉ được đi chợ đúng ngày quy định và mỗi thẻ cũng chỉ được vào chợ một lần nên trước khi đi, chị phải tính toán khá kỹ gia đình cần dùng những gì, số lượng bao nhiêu để ra chợ mua không bị thiếu.
Không chỉ nhận được thẻ đi chợ theo ngày quy định, trong thẻ chị Đinh Thị Hải ở phường Thanh Xuân Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) còn quy định cụ thể khung giờ đi chợ.
“Phiếu đi chợ tôi nhận được quy định thời gian được vào chợ chỉ từ 6-9h sáng các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6. Thành ra, ăn gì, số lượng bao nhiêu, mua ở hàng nào tôi đều phải tính toán trước khi ra chợ. Có như thế mới không muộn giờ”, chị chia sẻ.
Hiện nay, nhiều phường trên địa bàn Hà Nội đã và đang triển khai phát thẻ đi chợ cho người dân. Phần lớn các phường đều có quy định ngày đi chợ chẵn, lẻ cho người đi chợ. Theo đó, mỗi phiếu chỉ cho một người đi và một lần vào chợ.
Thậm chí, có những nơi còn quy định cụ thể khung giờ giờ được phép vào chợ mua hàng, như ở phường Thanh Xuân Nam. Người dân cầm thẻ đi chợ đúng giờ quy định. Hay thẻ đi chợ tại thôn Cổ Điển A (Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) mà người dân nhận được cũng quy định chỉ được đi chợ trong vòng 1 giờ đồng hồ vào các ngày ghi rõ trong thẻ.
Thẻ đi chợ ghi rõ ngày và khung giờ người dân được phép đi chợ (ảnh: IT) |
Người dân cầm thẻ vào giờ mua thực phẩm (ảnh: Phạm Hải) |
Tại phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội), mỗi hộ dân được nhận thẻ đi chợ trong 15 ngày giãn cách xã hội, trên phiếu ghi rõ họ tên đại diện hộ gia đình, địa chỉ. Mỗi tuần, một hộ có thể đi chợ 4 lần theo ngày, theo khung giờ nhất định. Thời gian mỗi lần đi chợ được khống chế một giờ.
Theo chị Hoàng Thị Thuỳ Linh ở phường Nhật Tân, đi chợ theo ngày chẵn - lẻ, lượng người vào chợ giảm, không còn đông đúc như trước, chị yên tâm hơn nhiều. Song, vì khung giờ đi chợ trong thẻ quy định chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ nên chị phải cài đặt đồng hồ nhắc nhở trong điện thoại để không bị muộn giờ chợ. Khi đi cũng phải liệt kê danh sách tất cả những thứ cần mua, từ mớ rau, quả trứng, cho tới con cá, củ hành…
“Có danh sách ra chợ mua vừa nhanh, vừa đầy đủ. Chứ nhỡ mua thiếu lại phải chờ 2 ngày sau mới được ra chợ”, chị nói.
Người dân xuất trình thẻ trước khi vào chợ Nhật Tân. Ảnh: T.Đ |
Ban quản lý chợ bố trí một bảo vệ kiểm tra thẻ đi chợ, đo thân nhiệt và xịt tay bằng dung dịch sát khuẩn. Các lối phụ ra vào chợ được bịt kín để đảm bảo người dân chỉ đi vào một cổng duy nhất.
Lần đầu tiên đi chợ bằng phiếu, anh Trịnh Văn Chiến (phường Nhật Tân) nhận xét, điều này khá đặc biệt. Việc đi chợ theo khung giờ giúp anh không phải đến chợ trong điều kiện đông đúc. Chợ vắng hơn mọi ngày nhưng các hàng hóa thiết yếu vẫn dồi dào.
Bà Đỗ Thị Giá (phường Nhật Tân) cũng cho hay, việc mua một ngày ăn ba ngày vừa để đảm bảo thực hiện nội quy của thành phố đề ra, cũng tránh được việc lây nhiễm bệnh, “tránh được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu”.
Trước khi vào chợ, người dân sẽ phải trình thẻ đi chợ, đo thân nhiệt (ảnh: Phạm Hải) |
Lắp đặt tấm chắn bằng nilon
Ông Đặng Hữu Tiến, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, cho biết, từ ngày 27/7 người dân trên địa bàn phường bắt đầu đi chợ bằng thẻ đi chợ. Mục đích là giảm thiểu tối đa lượng người đến chợ, tránh tập trung đông người, phòng dịch. Khi triển khai thực tế, nếu có vấn đề chưa hợp lý phường sẽ điều chỉnh.
Theo ghi nhận, nhờ kiểm soát theo thẻ mà số người tới chợ cùng thời điểm đã giảm tới 50% so với trước.
Sáng nay, phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bắt đầu triển khai phát thẻ đi chợ cho người dân. Theo đó, các Tổ trưởng Tổ dân phố sẽ nhận thẻ đi chợ tại phường. Chiều và tối nay, thẻ đi chợ sẽ được phát tới tay mọi người. Mỗi hộ được phát 4 thẻ, tương đương 4 lần đi chợ (2 ngày chẵn, 2 ngày lẻ) trong những ngày giãn cách còn lại.
Mô hình lắp đặt những tấm chắn bằng nilon, đảm bảo giãn cách người mua với người bán cũng được các tiểu thương chợ Bách Khoa (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng), chợ Bồ Đề (Long Biên),... thực hiện.
Tấm chắn bằng nilon được dựng lên để đảm bảo phòng, chống dịch. Ảnh: Nhị Tiến |
Chẳng hạn, chợ Bách Khoa đã phân lịch cho các tiểu thương kinh doanh luân phiên theo ngày chẵn - lẻ. Toàn bộ chợ có khoảng 150 quầy bán hàng, khi áp dụng chia lịch thì chỉ còn khoảng 70 quầy mỗi ngày. Những quầy hàng không cấp thiết được yêu cầu tạm nghỉ kinh doanh.
Tại cuộc họp chiều 27/7, Thường trực Thành ủy cho rằng mô hình phát phiếu đi chợ, siêu thị tại quận Tây Hồ là cần thiết để bảo đảm giãn cách. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các quận, huyện tại Hà Nội nghiên cứu triển khai ngay. Ngành Công Thương nghiên cứu ban hành một mẫu phiếu thống nhất áp dụng chung trên toàn thành phố.
Nguồn cung hàng hóa luôn dồi dào Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, sau 5 ngày thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP ổn định. Các quận/huyện chủ động đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho các khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Nguồn cung hàng hóa tại các hệ thống phân phối (siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi…) dồi dào, giá cả ổn định. Về việc cấp thẻ đi chợ cho người dân toàn TP theo chỉ đạo của Bí thư Hà Nội, bà Lan cho hay, Sở Công Thương khuyến khích các địa phương triển khai việc này để giảm tải lượng người đến khu vực tập trung đông người. Tuy nhiên, các đơn vị cần có kế hoạch chi tiết để khi triển khai thực hiện không bị vướng mắc, phiếu cho người dân quy định theo ngày chẵn, lẻ, giãn giờ đi chợ để thực hiện tốt. Khi Chỉ thị 17 về cách ly xã hội của thành phố được ban hành, ngành công thương đã phối hợp với các ngành, xây dựng kế hoạch, chủ động trong cung ứng hàng hóa và nhu yếu phẩm cho nhân dân Thủ đô, với mức tăng từ 30-50%, trong thời gian 3 tháng với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (đối với 17 mặt hàng thiết yếu). |
Tâm An - Trần Hải
Hà Nội sáng nay: Đi chợ sớm, tranh thủ mua 1 lần dùng 3 ngày
Ngày đầu Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tại các siêu thị, lượng người mua có tăng nhưng không chen lấn, trong khi các chợ truyền thống người mua rất đông đúc... hàng hết sớm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét