Nếu người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.
1. Thế nào là tạm hoãn hợp đồng lao động?
Theo cách hiểu thông thường, tạm hoãn hợp đồng lao động là việc tạm dừng thực hiện hợp đồng lao động trong một thời gian nhất định vì các lý do theo pháp luật quy định hoặc thỏa thuận giữa hai bên.
2. Tạm hoãn hợp đồng lao động thì lương và bảo hiểm xã hội sẽ thế nào?
Theo khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì:
- Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
- Nếu người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.
3. Người lao động được nhận lại sau khi đã hết thời hạn tạm hoãn
Theo Điều 31 Bộ luật Lao động 2019, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Trường hợp người sử dụng lao động không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng. (Điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 28/2020/NĐ-CP)
Ngoài ra, buộc trả lương cho người lao động trong những ngày không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. (Khoản 4 Điều 10 Nghị định 20)
4. Được hỗ trợ tiền hỗ trợ Covid-19 nếu đáp ứng điều kiện
Theo quy định tại Điều 13 và 14 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg thì điều kiện và mức hỗ trợ đối với người tạm hoãn hợp đồng lao động vì Covid-19 như sau:
Điều kiện:
Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục) phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:
- Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021 .
- Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
Mức hỗ trợ và phương thức chi trả
- Mức hỗ trợ:
+ 1.855.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng (30 ngày).
+ 3.710.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động từ 01 tháng (30 ngày) trở lên.
- Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.
Phương thức chi trả: Trả 1 lần cho người lao động.
(Theo Người Lao Động)
Bốn trường hợp người lao động được trả lương ngừng việc vì Covid-19
Việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 99 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét