Điểm chung của những dự án này là đều vận hành theo mô hình đa cấp và các nhà đầu tư luôn được hứa hẹn sẽ nhận về mức lợi nhuận cực khủng.
Đầu tư ủy thác
Đây là một trong những mô hình xuất hiện đầu tiên và tương đối sơ khai với đại diện tiêu biểu là dự án Bitconnect, được quảng cáo là một dự án tiền điện tử hoạt động theo hình thức Lending Platform (nền tảng cho vay) và MLM (đa cấp).
Cụ thể, nhà đầu tư sẽ rót vốn vào dự án và nhận về một khoản lãi hàng tháng lên tới 30-40%/tháng, cao hơn rất nhiều so với các quỹ ủy thác tài chính khác.
Phần tiền gốc đầu tư ban đầu sẽ được hoàn trả sau một khoảng thời gian tùy theo số tiền mà bạn đầu tư. Bên cạnh đó, số tiền gốc sẽ được nhân lên dựa theo giá trị của đồng Bitconnect.
Bitconnect cũng hoạt động theo mô hình đa cấp kim tự tháp. Dự án khuyến khích nhà đầu tư lôi kéo thêm người tham gia vào hệ thống để nhận được các mức hoa hồng.
Bitconnect được phát hành lần đầu vào tháng 11/2016 với mức giá chỉ 0,12 USD. Tuy nhiên, ở thời điểm chạm đỉnh vào cuối năm 2017, mức giá của mỗi đồng Bitconnect lên tới hơn 400 USD, giá trị tăng lên 3.500 lần. Mức lợi nhuận khổng lồ này đã khiến cho nhiều nhà đầu tư "mờ mắt".
Tuy nhiên, đến tháng 1/2018, sàn Bitconnect sập, kéo theo giá trị của đồng Bitconnect giảm sâu. Trong vòng 24 giờ, giá trị của mỗi đồng Bitconnect giảm từ 330 USD xuống còn 21 USD, vốn hóa thị trường cũng "bốc hơi" từ 2 tỷ USD xuống 120 triệu USD.
ICO - Huy động vốn
ICO (viết tắt của "Initial Coin Offering") là hình thức huy động tài chính trong lĩnh vực tiền mã hóa. Trong đợt mở bán ICO, nhà đầu tư sẽ dùng tiền của mình để mua các đồng tiền ảo (Token) tương tự như mua cổ phiếu của một công ty được bán cho các nhà đầu tư trong giao dịch đấu thầu công khai lần đầu (IPO). Lúc này, giá bán của Token tương đối rẻ.
Lượng tiền ảo được quy đổi tùy thuộc vào số tiền mà nhà đầu tư bỏ ra. Đa số người tham gia đều hy vọng mua được chúng với giá tốt nhất và chờ đợi để bán với mức giá x5, thậm chí x10.
Năm 2018, dự án iFan triển khai theo mô hình ICO đã bị hàng loạt nhà đầu tư tố lừa đảo. Theo đó, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, iFan đã dụ dỗ được hơn 32.000 nạn nhân tham gia và huy động được hơn 15.000 tỷ đồng tiền vốn.
Ban đầu, đội ngũ iFan hứa hẹn với các nhà đầu tư sẽ trả mức lãi suất ít nhất là 48%/tháng và thời gian hoàn vốn lâu nhất 4 tháng. Tuy nhiên, sau khi thu hút được số tiền đầu tư khổng lồ, iFan tuyên bố hủy bỏ hình thức trả thưởng như đã hứa hẹn và số tiền nhà đầu tư tham gia vào hệ thống sẽ được trả lại bằng các đồng tiền số với giá quy định do iFan tự công bố.
Rất nhiều nhà đầu tư sau đó cho biết họ không nhận được bất cứ lợi nhuận thực tế nào. Thậm chí, hàng nghìn người đã lâm vào cảnh "nhà tan cửa nát" sau khi đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng vào dự án này.
Binary Option - Quyền chọn nhị phân
Binary Option - Quyền chọn nhị phân là mô hình cho phép người chơi đặt cược vào sự biến động trong tương lai của các loại tài sản như tiền số, vàng, cổ phiếu…
Thời gian gần đây, hàng loạt cái tên như Busstrade, FXTradingMarkets cũng hoạt động theo mô hình này. Theo đó, trong thời gian 30 giây, người tham gia sẽ đặt lệnh dự đoán tỷ giá cặp ngoại tệ lên hoặc xuống, nếu đoán trúng sẽ được thêm 95% giá trị đặt cọc, nếu thua sẽ mất tiền cược.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng được khuyến khích mời thêm người chơi mới để nhận thưởng hoa hồng. Những sàn đa cấp tiền ảo này cũng nhanh chóng "bay màu" sau một khoảng thời gian hoạt động.
Cách đây không lâu, vào tháng 12/2020, Phòng Tham mưu Công an TPHCM đã phát đi thông tin cảnh báo việc nhiều diễn đàn, mạng xã hội đang tổ chức quảng bá, kêu gọi người tham gia đầu tư vào hoạt động của website Wefinex.net để huy động vốn, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép.
Chưa dừng lại ở đó, Wefinex còn phát triển mạng lưới thành viên tham gia bằng cách tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp, dựa trên hoạt động bán quyền đại lý với giá 100 USD cho người tham gia. Các quyền đại lý này sẽ được hưởng hoa hồng quyền đại lý và hoa hồng giao dịch trong hệ thống của mình.
Ngoài ra, Công an TPHCM cũng khuyến cáo, hiện nay các đối tượng tạo ra website Raidenbo.com, Bitono.io. với mô hình hoạt động và mô hình phát triển mạng lưới người tham gia tương tự như Wefinex.
Defi - Tài chính phi tập trung
Đây là hình thức mới nhất, tiêu biểu là sự xuất hiện của BitcoinDefi. Nền tảng này được giới thiệu là sự kết hợp của Bitcoin và Defi (viết tắt của Decentralized Finance - Tài chính phi tập trung).
Theo đó, Defi hướng tới việc xây dựng một nền tài chính phi tập trung dựa trên Blockchain. Giá cả được quyết định bởi cộng đồng, mọi giao dịch đều ẩn danh.
Tuy nhiên, đồng BitcoinDefi đến nay vẫn chưa được niêm yết hay ứng dụng ở bất kỳ đâu. Người tham gia dự án đơn thuần chỉ mua coin thông qua sàn nội bộ và chờ đợi lên giá. Trong khi đó, mức lợi nhuận mà BitcoinDefi đưa ra lại vượt xa sức tưởng tượng của nhiều người.
Trong sự kiện "bổ nhiệm chi nhánh miền Bắc", MC nói rằng giá trị của đồng BitcoinDefi đã tăng 64 lần kể từ tháng 5, từ 0,1 USD lên mức 6,4 USD. Bên cạnh đó, Phạm Tuấn (thủ lĩnh của BitcoinDefi và được nhiều người biết đến là đàn em của Khá "Bảnh") cũng khẳng định việc BitcoinDefi đạt mốc 100 USD là điều "vô cùng dễ dàng".
Bên cạnh việc kêu gọi đầu tư trả lãi, BitcoinDefi còn phát triển hệ thống theo mô hình đa cấp kim tự tháp, trả lãi theo nhiều tầng, lấy của người sau trả cho người trước, với mức lợi nhuận tối đa lên tới 251%.
(Theo Dân Trí)
Sàn tiền ảo 'vẽ' giấc mơ lãi suất 1000 lần: Chân dung các thủ lĩnh
Một số nhân vật được biết đến như những "giang hồ mạng" như: Phạm Tuấn, Hoàng Đức Nhân (tức Hoàng Tử Gió)... ra sức quảng bá, lôi kéo người tham gia, đầu tư vào tiền ảo Bitcoin Defi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét