Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

Thịt lợn, thịt gà tại trại giá rẻ, về Sài Gòn giá cao ngất

Giá thịt lợn tại trại ở Đồng Nai chỉ 57.000 đồng/kg nhưng về TP.HCM được bán với giá 200.000 đồng/kg. Gà tại trại nuôi ở Đông Nam Bộ ế ẩm, giá chỉ 11.000 đồng/kg song về TP.HCM, giá bị đẩy lên cao.

Thịt lợn về TP.HCM đắt gấp 4 lần

Mấy ngày qua, giá các mặt hàng thiết yếu có sự biến động tại TP.HCM. Khảo sát của PV. VietNamNet trong ngày 17-18/7, hệ thống các cửa hàng tiện lợi và các siêu thị tại TP.HCM gần như không còn hàng đồ khô, trứng gia cầm. Các mặt hàng rau xanh và củ cũng trong tình trạng “cháy” hàng.

Đặc biệt, trại chăn nuôi phản ánh tình trạng thương lái ép giá, mua giá thấp bán giá cao cho người tiêu dùng. Giá lợn ngon xuất chuồng cao nhất tại trại ở Đồng Nai là 56.000-57.000 đồng/kg, lọc thịt bán là khoảng 80.000-85.000 đồng/kg. 

Song tại TP.HCM, giá bán lẻ thịt lợn ở mức cao: sườn non có giá 220.000-230.000 đồng/kg, thậm chí có nơi lên tới 270.000 đồng/kg; nạc vai từ 150.000-170.000 đồng/kg, ba rọi 170.000-180.000 đồng/kg, đùi lợn từ 155.000-165.000 đồng/kg,...

{keywords}
Quầy thịt tại siêu thị

Gà ế, giá chỉ 11.000 đồng/kg

Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, cho biết trên báo PL.HCM, giá gà bán tại trại chỉ còn 11.000 đồng/kg. Với giá thành hiện nay thì người nuôi gà đang lỗ nặng 17.000-18.000 đồng/kg.

Trước đó, các trại gà phản ánh tình trạng gà ế, mỗi ngày chỉ bán được 1/3 lượng gà xuất bán vì xe chở, lấy hàng khi đi qua các chốt kiểm dịch tại nhiều địa phương gặp trở ngại. Trong khi đó, lượng hàng cung ứng cho thị trường TP.HCM gặp khó khăn, đẩy giá thịt gà và nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác tăng cao.

Cam sành thành hàng hot ở Sài thành

Là loại trái cây chứa nhiều nước và giàu vitamin C, giúp tăng sức đề kháng, cam được nhiều người lựa chọn mua ăn trong mùa dịch khiến loại quả này trở nên rất đắt hàng, tăng giá.

{keywords}
Cam sành là mặt hàng “hot” mùa dịch (ảnh: Trần Thùy)

Theo các đầu mối, so với mọi năm, giá cam sành năm nay tăng thêm một vài giá, dao động từ 23.000-45.000 đồng/kg. Nguyên nhân cam tăng giá là do vận chuyển, đi lại khó khăn.

Lều lưu trú khan hàng, giá tăng mạnh

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Hàng nghìn doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” để vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.  

Nhu cầu các vật dụng phục vụ cho công nhân ăn ở, làm việc tại chỗ như: chăn gối, chiếu, quạt điện, mùng ngủ, lều trại... tăng đột biến, đặc biệt là mặt hàng lều lưu trú. Trước kia loại lều này giá chỉ 240.000-290.000 đồng/chiếc thì nay giá tăng lên  350.000 đồng/chiếc.

Cốm nếp nương đầu mùa mất giá một nửa, rẻ chưa từng có

Những năm trước, giá cốm xanh Tây Bắc vào khoảng 180.000 đồng/kg, đắt hàng. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cốm xanh không xuất khẩu được và tiêu thụ đi các tỉnh cũng rất chậm. Vì thế, giá cốm giảm mạnh, vào khoảng 90.000 đồng/kg, rẻ một nửa so với năm ngoái.

{keywords}
Những mẹt cốm xanh thơm đặc trưng

Cốm xanh Tây Bắc mềm dẻo, mang đậm đà vị ngọt của đất, của gió, của nắng, của sương, hương vị của thiên nhiên trời đất. Loại cốm này để hấp xôi, nấu chè, làm bánh, làm chả đều rất ngon, đậm đà chuẩn vị, rất tiện lợi cho các ngày giỗ, lễ trong năm. Hoặc nếu thích vị cốm giản dị, chỉ cần ăn cốm với chuối.

Tỏi Lý Sơn, nhãn đặc sản ế ẩm, giá giảm mạnh

Tỏi là loại nông sản chủ lực của huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), từng được ví như "vàng trắng". Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu ra của tỏi thu hẹp, giá bán cũng giảm mạnh. Ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết trên Báo Dân Trí, dù mùa vụ đã qua hơn 4 tháng, người dân chỉ bán được khoảng 300 tấn tỏi, vẫn còn tồn đọng khoảng 1.800 tấn tỏi. Giá tỏi chỉ 30.000-40.000 đồng/kg, giảm khoảng 50.000-60.000 đồng.

Tương tự, nhãn đặc sản ế ẩm, giá giảm mạnh. VTC News đưa tin, tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), nhãn xuồng cơm vàng xuống thấp chỉ còn 15.000 đồng/kg; nhãn quế có giá 8.000 đồng/kg. Mức giá này chỉ bằng 1/3 so với mọi năm.

Còn tại Sóc Trăng và Bạc Liêu, Zing thông tin, giá nhãn xuồng cơm vàng từ 40.000-50.000 đồng/kg đã giảm xuống 10.000-15.000 đồng/kg. Giá nhãn da bò chỉ 6.000-10.000 đồng/kg.

Giá máy tạo oxy và bình oxy bị đẩy lên cao

Lo sợ dịch Covid-19 lây lan mạnh, người dân đổ xô mua máy tạo oxy gia đình. Giá bán máy tạo oxy được các tiểu thương bán cao gấp từ 2-3 lần so với trước đây. Các dòng máy tạo oxy có giá từ 8-50 triệu đồng tùy loại và tùy xuất xứ. Phần lớn cửa hàng đều thông báo “cháy hàng” tạm thời.

Song, các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên mua, tích trữ máy thở, bình khí oxy, tránh lãng phí do không thể tự sử dụng được. Các bệnh nhân mắc Covid-19 cần được điều trị chuyên biệt và không đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế.

Nước cốt phở bò giá siêu rẻ gây sốt

Gần đây, thị trường xuất hiện loại nước cốt phở bò có giá siêu rẻ, chỉ từ 38.000-55.000 đồng/gói, được chị em nội trợ truyền tai nhau mua về nấu ăn cho cả nhà.

{keywords}
Nước cốt phở bò gây sốt trên "chợ mạng" (ảnh: Nguyễn Hương)

Theo quảng cáo, loại nước cốt này khi đem đun sôi có thể chế được 5-6 bát phở bò chuẩn vị, vừa nhanh gọn lại tiện lợi, không mất thời gian ninh xương, chế biến cầu kỳ. Nhiều người tiêu dùng nhận xét, so với nước dùng tự nấu hoặc ăn trực tiếp ở những quán phở gia truyền uy tín thì không tươi ngon, ngọt và đầy đủ gia vị bằng.

Giá trứng tăng đột biến

Theo khảo sát của Zing tại miền Tây, từ khi thực hiện giãn cách, giá trứng vịt tại chợ truyền thống và những đại lý từ 45.000-48.000 đồng/chục, trứng gà 35.000-38.000 đồng/chục. Giá này tăng gần gấp đôi so với ngày thường.

Còn tại Hà Nội, sau khi nâng cấp độ chống dịch, ghi nhận của PV Báo Lao Động vào cuối ngày 23/7, tại một số chợ dân sinh và siêu thị lớn trên địa bàn TP.Hà Nội, giá trứng gà và trứng vịt đồng loạt tăng từ 3.000-8.000 đồng/chục.

Siêu thị, chợ Hà Nội: Nơi chen chân mua hàng, chỗ vắng tanh

Tối 23/7, một số siêu thị ở Hà Nội xuất hiện cảnh người dân chen nhau mua sắm, một số quầy kệ trống trơn. Trong khi đó, có những siêu thị hàng hóa ê hề, khách vắng hoe.

{keywords}
Tối 23/7, lượng khách tới một số siêu thị mua sắm tăng đột biến.

Đến sáng 24/7, hàng hoá, lương thực thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị rất dồi dào, được chất đống như núi. Lượng người đi siêu thị có đông hơn nhưng không tăng nhiều so với các ngày cuối tuần trước đó. Còn tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh, khi Hà Nội tăng cấp độ chống dịch, người dân vẫn có tâm tý mua thực phẩm tích trữ. Người mua dậy sớm đi mua sắm, hàng hóa hết sạch chỉ sau 1-2 giờ bán.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Hà Nội sáng nay: Đi chợ sớm, tranh thủ mua 1 lần dùng 3 ngày

Hà Nội sáng nay: Đi chợ sớm, tranh thủ mua 1 lần dùng 3 ngày

Ngày đầu Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tại các siêu thị, lượng người mua có tăng nhưng không chen lấn, trong khi các chợ truyền thống người mua rất đông đúc... hàng hết sớm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét