Một hành vi chuyển nhầm tiền nhưng có thể gây phiền phức cho cả ba bên nhận tiền, chuyển tiền và ngân hàng. Chính vì vậy các bên đều cần phải xử lý sự việc theo trình tự để tránh vi phạm pháp luật.
50 tỷ USD đã được chuyển nhầm vào tài khoản gia đình anh Darren James sống tại bang Louisiana (Mỹ), khiến cặp vợ chồng này trở thành tỷ phú "bất đắc dĩ". Ngay sau khi gửi đi thông báo, ngân hàng đã tiếp nhận thông tin, vào cuộc xử lý vấn đề và số tiền đã được rút ra khỏi tài khoản của cặp vợ chồng. Phía ngân hàng thông tin tới giới truyền thông rằng, sự việc xảy ra đối với tài khoản của anh James là một sự cố kỹ thuật và những sai sót đã được chỉnh sửa.
Việc chuyển nhầm tiền không hiếm xảy ra, nhưng người chuyển nhầm, người nhận tiền đều cần tỉnh táo và phối hợp với ngân hàng để giải quyết sự việc |
Việt Nam chắc chắn hiếm những câu chuyện chuyển nhầm nhiều tỷ USD như thế. Nhưng chuyện chuyển nhầm tiền trên giao dịch online , và chủ tài khoản bất ngờ "bị" nhận tiền không phải hiếm có. Đặc biệt thời gian gần đây, còn có hiện tượng "chuyển nhầm" có chủ đích của một số đối tượng để tạo căn cứ giao dịch và qua đó, đe dọa đối tượng bất ngờ nhận được tiền.
Nếu phía người chuyển nhầm tiền đã có các hướng dẫn theo trình tự của phía ngân hàng để thực thi thủ tục nhằm được nhận lại tiền, thì phía người được nhận số tiền chuyển nhầm, họ cần làm gì để tránh vi phạm pháp luật khi tuỳ ý sử dụng số tiền hoặc tránh những rắc rối phát sinh không đáng có?
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Vũ Minh Tiến, đại diện công ty Luật VIAD, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, về mặt pháp lý, có rất nhiều nguyên tắc phải tuân thủ trong trường hợp này, ở cả 3 bên chuyển nhầm - ngân hàng và chủ tài khoản nhận tiền chuyển nhầm.
Thứ nhất, về phía người chuyển nhầm tiền, lỗi này phát sinh từ họ. Theo nguyên tắc, xử lý phải qua nghiệp vụ tra soát lại từ người này kết hợp với ngân hàng để xử lý trả lại tiền cho người gửi về tài khoản nó xuất phát.
Điều đáng lưu ý là người nhận được tiền không thể tự động chuyển tiền qua Internet Banking trả lại về tài khoản của người chuyển hoặc bên thứ 3 nào khác. Đồng thời, theo quy định của Pháp luật, người đó cũng không thể sử dụng tiền này, bị buộc phải trả lại cho người chuyển. Do vậy, khi đã chuyển tiền nhầm địa chỉ, cần liên hệ với ngân hàng mình sử dụng chuyển tiền để được hướng dẫn xử lý. Việc liên lạc với người nhận để đòi tiền không cần thiết; thậm chí khiến cho sự việc trở nên phức tạp hơn. Trong trường hợp là người thân quen có thể liên lạc để thông báo chỉ nhằm có sự hợp tác thủ tục hoàn tiền được nhanh hơn.
Thứ hai, về phía ngân hàng khi được tiếp nhận thông tin chuyển nhầm, ngân hàng không được phép làm lộ thông tin khách hàng. Nếu tự ý cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng, ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Luật của ngành ngân hàng.
Việc lộ thông tin tài khoản tại ngân hàng thường dẫn đến hậu quả với nhiều mức độ. Đơn giản nhất là gây phiền toái, hoang mang, lo lắng, bất ổn trong cuộc sống của chủ tài khoản. Phức tạp hơn có thể tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng; gây ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thứ ba, khi bị nhận tiền do chuyển nhầm, chủ tài khoản nên chủ động thông báo đến ngân hàng quản lý tài khoản của mình và cùng phối hợp để được xử lý theo quy định. Không tự động chuyển trả tiền qua Internet Banking về tài khoản chuyển đến; hoặc chuyển tiền tiếp tới bên thứ 3 nào khác. Trong trường hợp nhận thông tin của người lạ báo chuyển tiền nhầm vào tài khoản của mình, cũng cần tiếp nhận thông tin trên tinh thần hợp tác, tạo niềm tin rằng số tiền chuyển nhầm sẽ được hoàn trả theo quy định của ngân hàng.
Đặc biệt, tất cả các trường hợp không hợp tác trả lại tiền, thậm chí tự ý rút tiền tiêu xài, ngân hàng và phía người chuyển nhầm tiền đều có thể yêu cầu cơ quan công an xử lý theo quy định pháp luật.
Cũng theo LS. Vũ Minh Tiến, căn cứ theo Điều 165 Bộ luật Dân sự 2015, việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Chiếu theo Điều 579 Bộ luật Dân sự còn nêu rõ, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Mặt khác, nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép dưới 10 triệu đồng, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 2-5 triệu đồng. Ngoài quy định về xử phạt hành chính, hành vi tiêu tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Hiện nay tại các ngân hàng, khi phát hiện chuyển nhầm tiền, khách hàng phải đến quầy giao dịch của ngân hàng thông báo để được hướng dẫn giải quyết. Trường hợp chuyển nhầm tiền do lỗi của nhân viên ngân hàng thì ngân hàng có trách nhiệm liên hệ để lấy lại số tiền chuyển nhầm hoặc ứng tiền trả cho khách hàng.
Tuy nhiên, nếu lỗi chuyển nhầm do khách hàng và ngân hàng không thể cung cấp thông tin người nhận vì lý do bảo mật thông tin, số tiền chuyển nhầm đã bị tiêu, rút mất... người chuyển nhầm tiền có thể làm đơn yêu cầu công an vào cuộc hoặc khởi kiện ra tòa để xử lý.
"Việc chuyển nhầm tiền đôi khi chỉ là sơ xuất của người thực hiện giao dịch, nhưng từ đây cũng đã tạo thành một chiêu trò cho tội phạm công nghệ cao thực hiện các hành vi lừa đảo người dùng. Bằng cách cố ý chuyển một số tiền vào tài khoản bị hại, sau đó tự liên hệ chủ tài khoản đó yêu cầu chuyển lại tiền hoặc cung cấp các thông tin theo chỉ dẫn. Nếu chủ tài khoản đó mất cảnh giác, vô tình sẽ tạo cơ hội cho đối tượng lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản mà không hề hay biết", LS. Tiến nhấn mạnh.
Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. |
(Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)
Chuyển tiền nhầm: Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới
Một ngày nọ, tài khoản ngân hàng của bạn bỗng dưng nhận được một khoản tiền từ vài triệu đồng đến cả trăm triệu đồng mà không rõ người gửi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét