Ngay khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều doanh nghiệp đã kích hoạt các biện pháp khẩn cấp để chống dịch và đảm bảo sản xuất.
Ai cũng bị ảnh hưởng, phải cùng chung tay
Hiện nay, Việt Nam đang căng mình phòng chống dịch bệnh Covid-19. Những biện pháp kiểm soát mạnh đã được triển khai ở các tỉnh phía Nam và cả Hà Nội.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO của NextPay, chia sẻ: “Tôi cũng rất căng thẳng, lo lắng, áp lực vì có cả nghìn cán bộ nhân viên trên toàn quốc đang ảnh hưởng nặng nề. Bao nhiêu công sức phát triển thị trường mấy năm qua có thể mất, nhưng tôi vẫn luôn động viên anh chị em lấy an toàn sức khoẻ là số một, lạc quan và nỗ lực hơn để không trở thành gánh nặng, không làm tiền tuyến thì làm hậu phương ổn định cho gia đình và xã hội.
Cuối cùng chúng ta sẽ vượt qua và chúng ta rồi sẽ ổn thôi, với điều kiện phải tồn tại, cả con người và doanh nghiệp.”
Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Phạm Hải |
Ông Nguyễn Hữu Tuất cho rằng: Chắc chắn chúng ta không thể đòi hỏi một sự "bình thường" trong điều kiện "không bình thường", nên hy vọng mỗi người chịu khó một tí, nhẫn nhịn một tí, thương yêu một tí, giúp sức một tí để cùng nhau vượt qua đại dịch và cố gắng giảm thiệt hại nhất, đặc biệt là về sức khỏe.
Ngay khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều doanh nghiệp đã kích hoạt các biện pháp ứng phó khẩn cấp để đảm bảo sản xuất.
Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã xây dựng các phương án để đảm bảo mục tiêu kép: không gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC) và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Bắc (A1), EVN tiếp tục duy trì cách ly tại nơi làm việc đối với lực lượng trực vận hành (đã thực hiện từ đầu tháng 5/2021 đến nay). Các bộ phận khác được chuyển sang làm việc gián tiếp, online tại nhà và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu.
“Đối với người lao động trực tiếp sản xuất, tiếp tục thực hiện phương án để cán bộ nhân viên vận hành, sửa chữa nghỉ tập trung sau ca làm việc. Cán bộ nhân viên kíp trực mới phải có có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trước mỗi đợt trực tập trung. Những cán bộ nhân viên trong diện này phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi trao đổi; không ra ngoài khu vực cách ly, nơi làm việc; tự theo dõi sức khỏe và nhiệt độ hàng ngày”, lãnh đạo EVNNPT yêu cầu.
Hàng nghìn phương tiện ùn tắc ở khu vực cầu Phù Đổng. Ảnh: Đoàn Bổng |
Khơi thông chuỗi cung ứng hàng hoá
Việc áp dụng giãn cách tại Hà Nội cũng khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Đức Lai, Giám đốc Công ty Cổ phần Trà Hoàng Long (Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội) không khỏi lo lắng khi việc xuất bán sản phẩm cũng như nhập nguyên liệu sản xuất đều bị ảnh hưởng.
Theo kế hoạch, ngày 25/7, công ty này phải xuất 3 container hàng cho đối tác Đài Loan thông qua cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, do Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 nên xe container từ Hải Phòng không được phép vào lấy hàng. Chúng tôi đã gửi email để đăng ký luồng xanh với Sở GTVT Hà Nội và chờ hồi âm.
Ngay cả đầu vào sản xuất của Trà Hoàng Long cũng bị ảnh hưởng khi không vận chuyển được chè nguyên liệu và nước đóng chai từ nhà máy tại Hà Giang về Hà Nội do bị chặn tại chốt kiểm dịch cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Trong khi đó, Trà Hoàng Long là 1 trong 10 doanh nghiệp đang bao tiêu đầu ra cho vùng trồng hoa nhài 700 ha tại Phù Lỗ với sản lượng bình quân mỗi ngày 10 tấn (hoa nhài dùng để ướp trà xuất khẩu).
Ông Lai phân trần: “Công ty tôi ở ngoại thành, không phải nội thành nên hoàn toàn có thể ưu tiên đi luồng xanh được. Chúng tôi vẫn chấp hành 5K của Bộ Y tế, lái xe có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực”.
Lãnh đạo một DN khác ở Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ: "Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội nên chúng tôi cho người lao động nghỉ luân phiên. Nhiều tỉnh cũng không cho hàng lưu thông vào".
Đại diện Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng cho biết nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón như Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình... đang tìm mọi cách để lưu thông hàng hoá, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất.
Còn các doanh nghiệp dệt may trong cao điểm làm đơn hàng phục vụ xuất khẩu cũng tính các giải pháp để đảm bảo chuỗi sản xuất
Nhiều ý kiến cho rằng với những cung đường liên tỉnh, Hà Nội có thể mở các tuyến đường để cho xe lưu thông hàng hóa với những yêu cầu phòng chống dịch nghiêm ngặt. Kinh nghiệm Quảng Ninh từng áp dụng cho thấy, khi lái xe đi vào vùng có dịch thì có cung đường quản lý, bắt buộc đeo đồ bảo hộ, không được ra khỏi xe. Thậm chí, đi vệ sinh cũng phải có dụng cụ ở trên xe. Bên trong nhà máy cũng phải đáp ứng một quy trình an toàn khi sản xuất, vận chuyển hàng hóa ra xe. Điều này sẽ góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cũng như đầu ra cho các nhà máy được đảm bảo.
Hà Duy
Doanh nghiệp xoay đủ cách để sống, chấp nhận bán cả đất để tạo dòng tiền
Trong bối cảnh vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngày đêm duy trì ổn định sản xuất kinh doanh thích ứng với bối cảnh mới, cố xoay chuyển tình thế tạo điểm sáng trong mùa dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét