Ý kiến đại diện nhiều DN đề xuất nhiều phương án để sống chung với Covid-19 an toàn và phát triển kinh tế.
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội tháng 6/2021 gửi Thủ tướng Chính phủ.
Điểm đáng chú ý, các DN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và một số cơ quan, địa phương xây dựng những quy trình mẫu cho mô hình “hợp tác công - tư” trong việc tìm kiếm, đàm phán, mua và tổ chức tiêm vắc xin Covid 19 giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp.
Công bố công khai các quy trình mẫu này nhằm giúp doanh nghiệp hình dung và hoạch định tốt hơn các hoạt động của doanh nghiệp trong quá trình phòng, chống dịch.
Ngoài ra, đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia khác về triển khai chiến lược tự xét nghiệm kháng nguyên Covid-19 tại nhà để có căn cứ tham mưu ban hành các chủ trương, hướng dẫn liên quan cho việc sử dụng các sản phẩm dạng “self-test”, nhằm giúp hạn chế sức người, sức của và khả năng lây lan khi tập trung đông người trong những chiến dịch xét nghiệm, truy vết tập trung hiện nay.
Đồng thời, đây cũng là cách hiệu quả để chuẩn bị cho chiến dịch “sống chung với Covid 19” trong bối cảnh bình thường mới.
Qua khảo sát cho thấy, kỳ vọng của DN hiện tập trung nhiều vào nhóm chính sách liên quan tới chiến dịch vắc xin phòng Covid-19. Việc này có thể lý giải là do cách thiết kế các quy định, thủ tục để truyền tải chính sách, hoặc quá trình thực thi chính sách còn chưa sát với thực tiễn, chưa nhất quán với chủ trương về hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh dịch.
DN bày tỏ mong muốn Chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương chú trọng vào tính hiệu quả, thiết thực, để mỗi chính sách được ban hành đều có thể nhanh chóng phát huy giá trị. Song song với đó, cần tổ chức công tác giám sát, rút kinh nghiệm thường xuyên và chú trọng việc truyền thông chính sách để khâu thực thi luôn đảm bảo tính minh bạch, thuận tiện cho doanh nghiệp, người lao động.
Nhiều lĩnh vực như hàng không điêu đứng vì Covid-19. Ảnh: Lương Bằng |
về các chính sách hỗ trợ cụ thể liên quan đến người lao động, hầu hết các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia khảo sát đều đồng thuận đề xuất người lao động tại các doanh nghiệp mà bị mất việc hoặc không đủ ngày công đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... được giữ lại quyền khám, chữa bệnh theo giá trị của thẻ BHYT ít nhất tới hết năm 2021.
Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu cải thiện ngay các điều kiện giải ngân gói vay trả lương cho người lao động thuộc các ngành bị tổn thương do dịch bệnh; ưu tiên doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực đang kêu gọi xã hội hóa, lĩnh vực bị “đóng băng” hoạt động trong dịch như du lịch, dịch vụ du lịch,...để được vay mà không cần điều kiện nào.
Về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia khảo sát đều đồng thuận đề xuất Ngân hàng Nhà nước khẩn trương chỉ đạo các Ngân hàng thương mại (NHTM) xây dựng các gói vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2021. Bởi vì hiện nay, mặc dù Thông tư 03/2021/TT-NHNN đã ban hành nhưng nhiều NHTM thông báo "đã cho vay vượt quy mô vốn ưu đãi cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19" nên dừng giải ngân, dẫn tới tăng trở lại các khoản lãi suất vay liên quan sản xuất, kinh doanh
Đồng thời, DN cũng mong chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương không ban hành các chính sách mới hoặc áp dụng các chính sách từ nay tới hết năm 2022 mà làm tăng chi phí cho DN về thuế, phí, lệ phí, hoặc tăng ngân sách đầu tư mới các hạng mục nhằm đáp ứng các yêu cầu điều kiện kinh doanh, quy trình, thủ tục hành chính của nhà nước...
Lương Bằng
Điêu đứng và phá sản: Hơn 70 nghìn DN dừng hoạt động
Trong 6 tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét