Với tốc độ phát triển của công nghệ, đến năm 2025 toàn bộ hoạt động tài chính truyền thống sẽ bị thay thế bởi các dịch vụ, sản phẩm tài chính được số hóa. Là một nước đang phát triển,Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế tất yếu này.
Chuyển đổi số mạnh mẽ, toàn diện khắp thế giới
Tại Trung Quốc, công ty cho vay trực tuyến MYbank (thuộc tập đoàn Alibaba) thành lập năm 2015 đã thành công trong việc thiết lập một hệ thống phê duyệt các khoản vay mà không cần sự tham gia của con người, nhờ vào phân tích hệ thống dữ liệu khách hàng và công nghệ số. Tới hết năm 2019, MYbank đã cho gần 16 triệu lượt khách hàng vay vốn với tổng giá trị khoản vay lên đến 2.000 tỷ Nhân dân tệ (290 tỷ USD). Với quy trình xử lý nhanh, gọn, người vay chỉ cần nộp hồ sơ qua ứng dụng trên điện thoại thông minh và nhận được tiền ngay khi được duyệt. Toàn bộ quy trình này chỉ kéo dài trong 3 phút và tỷ lệ vỡ nợ đến nay chỉ khoảng 1%.
Câu chuyện trên cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành tài chính ngân hàng nhờ công nghệ số và đây là xu hướng tất yếu mà Việt Nam không thể đứng ngoài.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, đến năm 2025, hoạt động tài chính truyền thống gần như không tồn tại. Tất cả sẽ chuyển sang công nghệ số. Khi đó, các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đều có thể mở tài khoản trực tuyến thông qua các ứng dụng di động (app) đơn giản và nhanh chóng. Khách hàng cũng hoàn toàn có thể mở thẻ tín dụng hoặc đăng ký vay vốn và được giải ngân qua app với thời gian chỉ vài phút thay vì phải đến các phòng giao dịch truyền thống như trước đây. Không chỉ vậy, khách hàng còn có thể mua sắm, chi tiêu và đầu tư tài chính ngay trên các ứng dụng này.
Số hóa mọi sản phẩm, dịch vụ tài chính - tín dụng
Công ty Tư vấn toàn cầu (PwC) nhận định, với tốc độ phát triển của công nghệ cũng như thay đổi về trải nghiệm của khách hàng, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có một thế hệ “khách hàng số” chi phối thị trường. Thế hệ khách hàng này có những mong muốn và kỳ vọng cao về các sản phẩm, dịch vụ tài chính số. Điều này đòi hỏi các tổ chức tín dụng cần phải đi trước, đón đầu nhu cầu của khách hàng. Các tổ chức này cần thực hiện một chiến lược chuyển đổi số toàn diện, đưa 100% các dịch vụ, sản phẩm tài chính lên các kênh số hóa.
Thực tế cho thấy, tài chính tiêu dùng là nhu cầu của phân khúc đại chúng, chiếm khoảng 60% dân số tại Việt Nam. Đây cũng là phân khúc đóng vai trò chủ chốt cho việc chuyển đổi số. Khách hàng muốn được tiếp cận những dịch vụ tài chính nhanh nhất, dễ nhất bằng những công nghệ tiên tiến và linh hoạt. Trong bối cảnh đó, sự hợp tác với các tập đoàn quốc tế có kinh nghiệm sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình này, để phục vụ khách hàng chỉ trong một thiết bị cầm tay.
Tại Việt Nam, các tổ chức tài chính cũng đang chuyển đổi dần từ phương thức cho vay truyền thống sang tận dụng công nghệ, từ tìm kiếm khách hàng, phương thức tiếp thị, cho đến thẩm định trực tuyến qua mạng xã hội, chấm điểm khách hàng dựa trên hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI), sau đó sẽ giải ngân trực tuyến vào tài khoản, ví điện tử...
Một số tổ chức tín dụng đã triển khai các ứng dụng cho phép khách hàng vay tiêu dùng mà không cần tài sản bảo đảm. Mặc dù chỉ mới thử nghiệm nhưng kết quả đạt được khá khả quan với số lượng lớn khách hàng đăng ký trên khắp cả nước. Nhiều khách hàng cá nhân, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, ít có cơ hội tiếp cận thông tin, e ngại thủ tục hồ sơ rườm rà khi vay vốn ngân hàng. Các ứng dụng trên đã giúp khách hàng giảm thiểu các thủ tục, hồ sơ, bên cạnh đó thời gian chờ đợi để được duyệt khoản vay cũng được rút ngắn đáng kể. Điều này không chỉ giảm được gánh nặng về chi phí vận hành của các tổ chức tín dung mà còn mang lại sự tiện lợi, nhanh chóng cho khách hàng, khiến họ không còn e ngại mỗi khi làm thủ tục vay vốn.
Điểm tín dụng cá nhân - “Bệ đỡ” vững chắc cho hoạt động vay trực tuyến
Theo nhiều tổ chức tín dụng, số hoá là yếu tố quyết định sự thành công trong việc phát triển khách hàng và quản lý khoản vay. Thực tế cho thấy cos rất nhiều đơn vị đang đầu tư lớn cho chuyển đổi số. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam đến nay mới dừng ở các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, chưa có tổ chức tín dụng nào làm được việc ra quyết định cho vay hoàn toàn trên môi trường số, vẫn chỉ là bán tự động. Nguyên nhân chính là do thiếu hành lang pháp lý để theo kịp công nghệ.
Chẳng hạn, việc cấp chữ ký số hiện nay vẫn yêu cầu khách hàng phải gặp mặt trực tiếp, nghĩa là quy trình chuyển đổi số chưa được thực hiện 100%. Nếu không cấp chữ ký số trực tuyến hoàn toàn thì các giai đoạn sau sẽ đều bị gián đoạn, cùng với đó là những vướng mắc của pháp luật hiện hành đối với cho vay trực tuyếntừ việc khởi tạo và thẩm định, phê duyệt tín dụng tự động, những điều chưa được các cơ quan chức năng quy định cụ thể.
Các tổ chức tín dụng mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản, hành lang pháp lý về cho vay trực tuyến, cho phép ứng dụng giải pháp khởi tạo khoản vay với cơ chế thẩm định và phê duyệt tín dụng tự động, sử dụng chữ ký và lưu trữ hồ sơ điện tử trên hệ thống…
Để số hoá thành công, bên cạnh các yếu tố về công nghệ thì nền tảng quan trọng không thể thiếu chính là sự đầy đủ và minh bạch về thông tin tín dụng. Chấm điểm tín dụng cá nhân có ý nghĩa quan trọng với hoạt động cho vay trên nền tảng số. Điểm tín dụng là kết quả của quá trình phân tích lịch sử tín dụng khách hàng, có tác dụng định lượng rủi ro có thể xảy ra.
Theo đề xuất của đại diện FE Credit, Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đang chấm điểm tín dụng, có thể cập nhật dữ liệu thể hiện hành vi thanh toán của khách hàng thông qua thanh toán các hóa đơn, các khoản vay nợ, thông tin bảo hiểm xã hội, nộp thuế thu nhập cá nhân... Những dữ liệu này giúp các tổ chức tín dụng thẩm định, đánh giá chính xác khách hàng, cũng như có những tác động tích cực với hành vi của khách vay tín dụng.
Xuân Thạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét