Năm 2021, có nhiều sự kiện chưa có tiền lệ diễn ra trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.
Ngân hàng rao bán khoản vay tiêu dùng
Tại Việt Nam, từ trước tới nay, các ngân hàng thường rao bán khoản nợ có tài sản thế chấp là bất động sản, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, ôtô… Các khoản nợ này đều có giá trị cao, trong khi rao bán khoản nợ vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm là nghiệp vụ khá mới mẻ.
Thế nhưng, trong năm 2021, các ngân hàng đã đồng loạt tiến hành rao bán các khoản nợ nhỏ này nhằm thu hồi vốn. Các khoản nợ này có giá trị rất khác nhau, từ vài triệu cho đến cả trăm triệu đồng, thậm chí, cá biệt có khoản nợ chỉ vài trăm nghìn đồng.
Cụ thể, giữa tháng 8 vừa qua, VietinBank cũng đã rao bán các khoản vay tiêu dùng bao gồm 105 hợp đồng của 105 khách hàng cá nhân. Tổng giá trị ghi sổ là 2,847 tỷ đồng, các khoản nợ có giá trị từ 1,8 – 88 triệu đồng (bao gồm nợ gốc, nợ lãi, lãi phạt chậm trả). Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau đó, ngân hàng tiếp tục thông báo bán đấu giá các khoản nợ trên với tổng trị giá được giảm xuống còn 2,587 tỷ đồng.
Hay gần đây nhất là cuối tháng 9, ngân hàng này cũng rao bán 264 món vay của khách hàng cá nhân, tổng giá trị khoản nợ (bao gồm gốc, lãi, lãi phạt) hơn 6,58 tỷ đồng.
Khoản nợ có giá trị cao nhất là gần 101 triệu đồng, còn lại phổ biến từ 5-20 triệu đồng/khoản nợ. Trong số đó, không ít các khoản vay có giá trị nhỏ hơn 1 triệu đồng, thậm chí, hi hữu có trường hợp của khách hàng số tiền vay là 483.304 đồng.
Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, tại các quốc gia khác, rao bán tài sản kiểu như thế này không hề mới, trong khi đó, tại Việt Nam, điều này là chưa từng có tiền lệ. "Việt Nam thì chưa có thông lệ nên có thể thấy khá lạ. Tuy nhiên, việc rao bán các khoản nợ không có tài sản đảm bảo sẽ trở thành thông lệ trong tương lai", ông Hiếu nhấn mạnh.
"Free" toàn bộ phí cho khách hàng
Phí duy trì dịch vụ, phí chuyển tiền hay thu phí tin nhắn biến động số dư... là một trong những nguồn thu khổng lồ của các ngân hàng. Theo ước tính, khoản tiền từ hoạt động thì dịch vụ là nguồn thu lớn thứ 2 sau hoạt động tín dụng. Hoạt động này giúp các ngân hàng, nhất là các ngân hàng lớn thu về hàng nghìn tỷ mỗi năm.
Tuy nhiên, mới đây, một số ngân hàng đã có thông báo, từ tháng 1/2022 sẽ toàn bộ phí cho khách hàng.
Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2022 tới đây, Vietcombank sẽ miễn phí chuyển tiền trên VCB Digibank. Khách hàng thực hiện chuyển tiền là được miễn phí mà không cần đăng ký gói dịch vụ, không yêu cầu số dư tối thiểu.
Cùng với đó, Vietcombank cũng miễn toàn bộ các loại phí quản lý và duy trì dịch vụ bao gồm: Phí duy trì dịch vụ VCB Digibank (mức phí trước đây là 10.000 đồng/tháng) và phí quản lý một tài khoản mặc định đăng ký VCB Digibank (mức phí trước đây là 2.000 đồng/tháng).
Hay như tại BIDV, từ 1/1/2022, BIDV miễn toàn bộ các loại phí trên kênh số và dành tặng 65 tỷ đồng tri ân khách hàng của BIDV.
Hồi tháng 5/2021, Agribank cũng triển khai chương trình miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống áp dụng với khách hàng cá nhân và tổ chức có tài khoản thanh toán tại Agribank giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử và tại quầy của Agribank.
Ngân hàng nhân đôi lãi suất cho khách gửi tiết kiệm
VPBank vừa ra mắt sản phẩm tiết kiệm Prime Savings trên VPBank NEO. Đáng chú ý, ngân hàng sẽ nhân đôi lãi suất ngay trong tháng đầu tiên, cho khách gửi tiết kiệm online.
Cụ thể, với các khoản tiền gửi mới chỉ từ 10 triệu đồng với kỳ hạn 6 tháng trở lên khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất nhân đôi ngay trong tháng đầu tiên. Ưu đãi này giúp VPBank trở thành một trong những ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi cạnh tranh trên thị trường, cao hơn các sản phẩm tiền gửi khác 0,7%/năm.
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)
Hạ lãi suất cho vay, gần 35.000 tỷ nằm lại túi DN và người dân
Năm 2021, tuy trải qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành ngân hàng đã thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, đẩy mạnh thanh toán điện tử...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét