Đến với xóm Mít (thôn Đông Ngàn - Đông Anh - Hà Nội) hỏi về trại cà cuống của anh Hoàng Anh, hầu như ai cũng biết.
Không chỉ là người đầu tiên đưa con cà cuống về địa phương nuôi, anh còn chế biến sản phẩm cà cuống cung cấp cho thị trường. Trại cà cuống của anh cũng là địa điểm thân thuộc mà bà con trong vùng đến tham quan học hỏi kinh nghiệm.
3 năm trước, anh Hoàng Anh (sinh năm 1990) rủ anh Trần Tuấn Anh (sinh năm 1987) tìm hiểu và đã nuôi thành công cà cuống để bán ra thị trường hơn 1 năm nay. Cà cuống bán rất chạy, gần như anh không có đủ hàng để cung cấp.
Hiện nay, anh đang thuê một ngôi nhà ở Đông Anh để nuôi cà cuống. Trang trại của anh Hoàng Anh có hơn 60m2 bể, mỗi m2 anh thả từ 70 đến 80 con. Nguồn lợi mang về cho anh khá cao. Với 50.000 đồng/con đực sống, mỗi một tháng anh xuất ra thị trường khoảng 2.000 con, trừ hết mọi chi phí, anh thu về được hơn 50 triệu đồng.
|
Những tưởng cà cuống chỉ lặn ngụp trong các ao hồ tự nhiên thì nay đang sinh sôi nảy nở ở một trang trại. Chủ trang trại là anh Hoàng Anh và anh Trần Tuấn Anh. |
|
Tham quan các bể nuôi cà cuống, anh Hoàng Anh bắt lên một con rồi chỉ những đặc điểm thú vị của loài côn trùng này. Anh cho biết đây là con đực, ngay phần lưng có 2 ống nhỏ gọi là bọng, màu trắng, bên trong chứa một chất thơm mùi quế, thường được dùng để chiết xuất tinh dầu. Đối với con cái thì không có tinh dầu thơm này. |
|
Anh Hoàng Anh chia sẻ, cà cuống là loài sinh sản nhanh với số lượng lớn và đẻ quanh năm. Mỗi lần đẻ chỉ cách nhau từ 1 - 1,5 tháng/lứa. Mỗi ổ cà cuống có khoảng 100 trứng, sau từ 5 - 7 ngày trứng nở thành ấu trùng. Từ khi nở đến lúc xuất bán thương phẩm khoảng 45 ngày, còn nuôi để sinh sản thì khoảng 75 ngày. |
|
Sau khi đẻ xong, cà cuống cái sẽ bám vào cây thủy sinh hoặc bay tà tà trên mặt nước. Con đực thì sẽ đến quạt khí cho trứng nở. Những con cái khác sẽ tìm đến để ghép đôi cùng với con đực và đẻ trứng, chúng sẽ tìm cách phá hủy trứng của con khác và thay thế bằng trứng của mình. Vì vậy cần chú ý theo dõi và tách những con cái chưa đẻ ra một bể khác. |
|
Theo anh Hoàng Anh, thức ăn cho cà cuống là loại thực phẩm tươi sống như cá, ếch con, nhái con, nên khi thức ăn tiêu thụ không hết rất dễ bị ô nhiễm nguồn nước. Để đảm bảo nguồn nước nuôi cà cuống đủ sạch, phải thay nước thường xuyên. Ngoài ra, quá trình sinh trưởng từ khi trứng nở đến trưởng thành thì chúng trải qua 5 lần lột xác, mỗi lần như vậy phải theo dõi để vớt phôi xác nên mất rất nhiều thời gian. |
|
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp từ mô hình nuôi cà cuống, anh Hoàng Anh cho biết: "Tuy xuất hiện từ sông nước, đồng ruộng nhưng hiện nay do môi trường sống có nhiều thay đổi, con cà cuống hoang dã cũng dần biến mất trong tự nhiên. Nhận thấy điều đó, bằng niềm yêu thích đặc biệt đối với con cà cuống, mình đã quyết định nuôi thử. Lúc đầu gia đình phản đối, nhưng mình vẫn quyết làm. Qua nhiều lần nuôi và nhân giống cà cuống thất bại do chưa am hiểu rõ về loài cà cuống, nhưng với quyết tâm, không nản chí, cuối cùng mình đã nắm rõ được quy trình kỹ thuật chăn nuôi cà cuống”. |
|
Khi trưởng thành, những con cà cuống cái to gần gấp đôi con đực. Cà cuống cái không có bọc tinh dầu, những con đực có 2 bọc tinh dầu lớn bằng tép bưởi, chứa ở 2 bên hông đôi chân thứ 3, tính từ đầu xuống. |
|
Cà cuống đực còn sống, nguyên con có giá 50.000 đồng/con, 1kg dao động từ 80 - 100 con. Như vậy, mỗi kg có giá 5 triệu đồng. Một tháng anh Hoàng Anh xuất ra thị trường khoảng 2.000 con, như vậy, trừ hết mọi chi phí anh cũng thu về được 50 triệu đồng. |
|
Hiện nay người tiêu dùng chủ yếu biết đến các sản phẩm được chế biến từ thịt cà cuống như chiên, hấp… do thịt và trứng cà cuống chứa nhiều protein, lipid và các vitamin. Tuy nhiên, giá trị nhất của con cà cuống là phần túi tinh dầu của cà cuống đực. Nắm bắt được điều này, ngoài bán cà cuống giống, thịt, nhận thấy nước mắm cà cuống là một trong những sản phẩm còn lưu giữ được tinh dầu của cà cuống, mùi vị thơm ngon, béo lạ được thị trường chấp nhận, anh Hoàng Anh cũng đã sản xuất, chế biến nước mắm để đa dạng hóa các sản phẩm từ cà cuống, tăng giá trị và có thêm đầu ra ổn định hơn. |
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)
Tuy có vẻ ngoài xấu xí khiến thực khách dè chừng nhưng loài côn trùng "hiếm có khó tìm" này lại trở thành đặc sản lạ miệng với giá thành lên tới vài triệu đồng/kg.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét