Chuột núi thuộc dạng hiếm, chúng chỉ ăn hoa quả, thảo mộc trên núi nên có giá rất cao, muốn thưởng thức loại chuột này phải đặt trước. Thợ săn chuột núi rao bán 90 nghìn đồng một con vẫn cháy hàng.
Đặt cả trăm chiếc bẫy cũng chỉ bắt được vài con
Nhắc đến núi Hương Sơn (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) ai cũng nghĩ đến quần thể di tích Chùa Hương. Đa phần người dân ở Hương Sơn sống bằng nghề chèo đò đưa khách vãn cảnh Chùa Hương.
Tuy vậy, có một số người vẫn cần mẫn sáng đi tối về, leo lên lưng chừng núi đặt bẫy săn loài chuột núi "khổng lồ". Ông T. là một người như vậy, năm nay đã gần 60 tuổi nhưng ông đã có quá nửa đời người gắn bó với công việc này.
Ông T. cho hay, săn được loại chuột núi này không hề dễ dàng, thậm chí, người đi săn chuột còn phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập như rắn rết, chuyện chân tay xước xát chảy máu xảy ra như cơm bữa.
"Ngày trước leo núi làm gì có điện thoại di động như bây giờ, núi hoang heo hút, người leo núi phải cầm theo một con dao dài, đi đến đâu thì phạt cỏ ven đường, chặt cành cây đánh dấu để nhỡ lạc đường còn biết mà quay lại. Người với người khi vào núi thì chỉ liên lạc được với nhau bằng những tiếng hú vang núi rừng", ông T. kể lại.
Theo ông T, chuột núi vốn là loại tinh ăn, chúng chỉ ăn hoa quả, rễ cây, thảo mộc. Chúng sống sâu trong núi nên không dễ gì có thể bắt được. Người đi đặt bẫy phải nắm được quy luật hoạt động, loại thức ăn nào chuột núi hay tìm đến, từ đó tìm ra đường đi lối lại để đặt bẫy.
"Chuột núi thường thích ăn các loại hoa quả, ngoài ra có sắn, khoai, gặm nhấm các loại cây thân đốt như măng tre, mía dại…
Về đặc điểm nhận dạng thì chúng có một lớp lông vàng ở bên ngoài sau đó là một lớp lông màu tro bên trong. Lông mượt, tai to và mỏng như mộc nhĩ, chân tay hồng hào, phần lông bụng trắng phau như lông thỏ và khi bắt chúng lên ta không thấy có mùi hôi", ông T. cho biết.
Bẫy dùng để bắt chuột núi khá đặc biệt, loại bẫy thường dùng là bẫy hộp hình chữ nhật, loại bẫy này sẽ đảm bảo an toàn cho con chuột còn nguyên vẹn, không bị thương khi dính bẫy. Bên trong bẫy có thức ăn như chuối, táo, ngô, khoai, sắn…
Nhờ đó, chuột núi có thể sống nhiều ngày trong lồng sắt nếu người đặt bẫy chưa kịp đi thăm bẫy. Với số thức ăn có trong lồng sắt sẽ đảm bảo cho chuột núi không bị đói, không hao hụt trọng lượng, chuột khỏe mạnh sẽ được khách mua ưa thích hơn.
Chuột núi bán 90 nghìn đồng/ con, muốn mua phải xếp hàng chờ
Ngày trước cuộc sống khó khăn, người dân lên núi bắt chuột cũng chỉ mong cải thiện bữa ăn. Nhưng bây giờ thì khác, đời sống nâng cao, chuột núi không còn là loại thức ăn dành cho người nghèo nữa.
"Thịt chuột núi ăn cực ngon, do đó chúng có giá cao gấp nhiều lần thịt chuột đồng. Trên thị trường hiện nay một kg chuột đồng cũng chỉ từ 100 đến 120 nghìn đồng/1kg. Trong khi đó, nhà tôi đang bán ra thị trường một con chuột núi có giá 90 nghìn đồng, bán bằng con chứ không bán bằng kg.
Nếu như khách sành ăn vào quán thì phải trả 200 nghìn đồng một con chuột núi là chắc chắn. Nếu đem chuột núi đổi lấy thịt gà thì chỉ cần 2 con sẽ đổi ngang với một con gà đồi cỡ gần 2kg", ông T. khẳng định.
Con chuột núi to nhất mà ông T đã từng bắt được nặng khoảng 0,6 kg, làm thịt sạch sẽ, lên đĩa lên mâm còn khoảng 0,45 kg. Thịt chuột núi trắng phau, thơm và ngọt. Nếu hai đĩa thịt chuột đồng và chuột núi đặt cạnh nhau thì chỉ bằng mắt thường cũng có thể phân biệt được đâu là chuột đồng, đâu là chuột núi.
"Nhìn chúng to thế thôi nhưng lại rất hiền, ở trên núi nếu chẳng may bị xổng ra ngoài vẫn có thể tìm và bắt lại. Chúng không bỏ chạy, cũng không kêu la như chuột đồng", ông T. nói.
Ngày trước chuột núi còn nhiều, mỗi lần vào thăm bẫy ông T. cũng mang về 5, 7 con, hôm nhiều thì được chục con. Tuy nhiên, thời điểm gần đây số lượng chuột núi giảm đi hẳn. Có ngày ông T. đặt mà cả trăm chiếc bẫy không được nổi một con chuột nào.
Theo ông T. có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc số lượng chuột núi bẫy được ngày một giảm đi. Có thể là do số lượng người vào núi đặt bẫy chuột tăng lên. Nguồn thức ăn của chuột núi cũng có phần khan hiếm khi người dân không còn vào núi trồng sắn, ngô khoai như trước.
Thêm một nguyên nhân nữa theo đánh giá của ông T. đó là loài chuột này sinh sản ít hơn chuột đồng, chuột sống ở đồng bằng.
"Đây là một loại chuột đặc biệt, tính ra thì chúng không có hại, mỗi lần chúng tôi đặt bẫy mà gặp chuột nhỏ là thả đi, chỉ bắt chuột lớn. Điều này khác hoàn toàn với những người đi bắt chuột đồng", ông T. nói.
Thợ săn chuột núi ngày được vài con, ngày chẳng được con nào, nên cứ gom lại. khách gọi đặt liên tục, phần lớn chuột bắt về sẽ phục vụ các nhà hàng quanh khu vực Hương Sơn. Gần đây một số khách ở nơi khác biết thông tin về loại chuột này cũng đã tìm đến mua ăn thử.
Nhà hàng hoặc khách hàng có nhu cầu gia đình ông T. sẽ thịt sẵn, chuột núi cũng giống như chuột đồng có thể chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu khác nhau như chuột hấp, chuột nướng, xáo giả cầy...
(Theo Dân Trí)
Độc nhất Việt Nam, nơi chuột ở khách sạn như 'đại gia'
Không chỉ sinh sống trong khuôn viên rộng hơn 100 hecta, cực kỳ thoáng đãng và yên tĩnh, thay vì bị hắt hủi hay đuổi bắt như chuột đồng, những chú chuột ở Trại chăn nuôi Suối Dầu (huyện Cam Lâm, Khánh Hoà) lại được chăm bẵm như “đại gia”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét