Việc tăng cường số hóa để khách hàng vay tiền nhanh và thuận tiện hơn là mục tiêu được các công ty tài chính cho vay tiêu dùng hướng đến. Nhưng để đạt được điều này, việc tiếp cận cơ sở dữ liệu dân cư là yếu tố then chốt.
Khó nhất là xác thực thông tin
Chia sẻ những vấn đề trong việc giải ngân vốn vay tiêu dùng, đại diện một tổ chức tín dụng cho biết: Việc nắm bắt nhu cầu vay vốn cụ thể, chính đáng của người dân là khó khăn do nhu cầu của người dân thường là nhu cầu cấp bách, một số khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng khó tiếp cận được vốn vay do không có hoặc không chứng minh được nguồn trả nợ. Ngoài ra một số khách hàng có nhu cầu vay vốn không phù hợp theo quy định thường cung cấp thông tin không chính xác dẫn đến khó khăn trong việc thẩm định cho vay của chúng tôi.
Báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cũng phần nào chỉ ra “nút thắt” khiến tín dụng tiêu dùng qua kênh chính thức được Ngân hàng Nhà nước cho phép không phủ hết được nhu cầu của người dân, dẫn đến việc nhiều người tìm đến “tín dụng đen”. Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết: Mặc dù ngành ngân hàng luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nhưng quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, tội phạm “tín dụng đen” vẫn có cơ hội để phát triển.
Một trong những nguyên nhân được đại diện Vụ tín dụng các ngành kinh tế chỉ ra là thông tin do khách hàng cung cấp còn thiếu minh bạch, trong khi chế tài về trách nhiệm cung cấp thông tin của khách hàng chưa đầy đủ, việc thu thập thông tin về thu nhập của khách hàng từ các cơ quan quản lý Nhà nước về thuế, bảo hiểm xã hội... còn khó khăn; khách hàng có nhiều loại giấy tờ cá nhân, hiệu lực không đồng nhất nhưng hiện chưa có cơ sở dữ liệu chuẩn về dân cư, định danh khách hàng và chưa có sự liên thông với hệ thống ngân hàng…
Bên cạnh đó, quá trình thẩm định cấp tín dụng khó khăn do nguồn thông tin không đầy đủ, độ chính xác không cao. Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát như thời gian qua thì việc thẩm định cho vay lại càng khó khăn hơn do khách hàng khó chứng minh khả năng trả nợ.
Theo cơ quan này, để đẩy lùi tín dụng đen, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các ngành, lĩnh vực của Bộ Công an, đây là cơ sở để tổ chức tín dụng có đầy đủ thông tin, rút ngắn được quy trình thẩm định, giải ngân cho vay…
Cơ sở dữ liệu dân cư sẽ giúp xác minh chính xác người vay
Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 50% quyết định giải ngân cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của cá nhân được số hóa. Con số này nâng lên 70% vào năm 2030. Năm 2025 có 70% hồ sơ công việc được lưu trữ/ xử lý trên môi trường số và tăng lên 90% vào năm 2030.
Trong một tọa đàm về thanh toán không dùng tiền mặt vào đầu tháng 11/2021, ông Phạm Tiến Dũng, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra hai kiến nghị để thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng, tín dụng.
Thứ nhất, đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cho phép ngành ngân hàng khai thác thông tin trên chip thẻ Căn cước công dân (đặc biệt là các yếu tố sinh trắc học). Hỗ trợ định danh, xác thực khách hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC)/ tăng độ chính xác trong định danh, xác thực khách hàng). Thứ hai, sửa đổi Luật giao dịch điện tử 2005 tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho các bộ, ngành thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy tạo thuận lợi cho giao dịch điện tử và tăng cường lòng tin đối với giao dịch điện tử.
“Khi khách hàng muốn vay, tổ chức tín dụng cần phải biết khách hàng đó là ai. i. Việc này chỉ thực hiện được khi cho phép sử dụng dữ liệu sinh trắc học tại cơ sở dữ liệu dân cư, như thế không còn tài khoản giả, chứng minh thư giả. Hy vọng ngành ngân hàng sẽ làm việc tích cực với các bộ ngành liên quan để làm điều này. Như vậy làm được nghiệp vụ trên môi trường số an toàn, chính xác và thuận tiện”, đại diện NHNN nói.
Chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng: Trong nền kinh tế, khi có nhu cầu tín dụng, người dân hoặc doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ) có thể vay tiền từ khu vực tín dụng chính thức, thường là các ngân hàng (kể cả Ngân hàng Chính sách xã hội), công ty tài chính tiêu dùng, công ty cho thuê tài chính, công ty công nghệ tài chính (Fintech), tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, hụi, họ, biêu, phường… (gọi chung là các tổ chức tài chính). Đây là các tổ chức được quản lý, giám sát và hoạt động theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không thể hoặc không muốn tiếp cận nguồn tín dụng chính thức; người dân hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ thường tìm đến khu vực tín dụng phi chính thức, tức là vay tiền từ các cá nhân, tổ chức, công ty, hội, nhóm, bạn bè, người thân…; mà hoạt động của những cá nhân/tổ chức này không được giám sát, quản lý chặt chẽ như khu vực chính thức. Trong khu vực tín dụng phi chính thức có một phần là tín dụng đen.
Để tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để phát triển tài chính số, ông Cấn Văn Lực đề nghị Chính phủ cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý với các loại hình kinh doanh mới, dựa trên nền tảng công nghệ trong lĩnh vực tài chính như cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng…; sớm đưa vào vận hành cơ chế thí thí điểm sandbox để khuyến khích sự phát triển của Fintech.
Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cho rằng Bộ Công an sớm thực hiện kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia với cơ sở dữ liệu khác vì đây là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy kinh tế số nói chung và tài chính số nói riêng.
Mai Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét