Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước nhưng đã sớm phục hồi nhanh chóng. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam công bố GDP quý đến nay.
Dự kiến năm 2021, tăng trưởng GDP chỉ đạt mức tăng trưởng rất thấp. Theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, với mức suy giảm sâu này và phụ thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý IV, GDP năm 2021 được ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2% đến 2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% thời điểm tháng 8/2021.
Tuy nhiên, có một tín hiệu quan trọng là sau khi tiêm phủ vắc xin và chuyển hướng chống dịch, nền kinh tế bắt đầu quay trở lại quỹ đạo phục hồi dù còn mong manh.
Việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã có tác động tích cực tới tinh thần khởi nghiệp của người dân trong tháng 11/2021, được thể hiện qua con số 11.902 doanh nghiệp gia nhập thị trường cùng số vốn đăng ký là 149.861 tỷ đồng.
Mặc dù có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2020 (giảm 9,1% về số doanh nghiệp và giảm 47,4% về vốn đăng ký) nhưng số doanh nghiệp thành lập và số vốn đăng ký mới trong tháng 11 năm 2021 tiếp tục cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP (tăng 44,6% về số doanh nghiệp và tăng 38% về số vốn so với tháng 10/2021).
Còn theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan đến ngày 30/11/2021, xuất khẩu hàng hóa tháng 11 sơ bộ đạt 31,9 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước; 11 tháng năm 2021 đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3%.
Còn số liệu của Bộ Tài chính cho thấy bất chấp khó khăn đại dịch Covid-19, thu ngân sách 11 tháng năm 2021 đã vượt dự toán, thậm chí tăng gần 9% so với cùng kỳ.
Năm 2020 và 2021, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh, duy trì và ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính riêng trong năm 2021, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp là khoảng 138 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền được miễn giảm là 23 nghìn tỷ đồng, gia hạn là 115 nghìn tỷ đồng. Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm nhu cầu vốn vay của nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Thực hiện các chính sách hỗ trợ giá điện, tiền điện, nước, viễn thông... cho doanh nghiệp và người dân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay đang hoàn thiện dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo Chương trình được xây dựng và thực hiện trên cơ sở các quan điểm, nguyên tắc về bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm. Có quy mô, nguồn lực đủ lớn, xác định đối tượng hỗ trợ, thời gian, lộ trình, thời hạn thực hiện phù hợp; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Chương trình được xây dựng với 3 mục tiêu chủ yếu, trong đó có mục tiêu khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5-7%/năm.
Các chuyên gia cho rằng việc đưa ra chương trình phục hồi kinh tế là cần thiết. Song phải tính toán kỹ liều lượng và quy mô, đối tượng hỗ trợ. Nếu không, hệ quả sẽ giống như đợt 2009-2011: Cung tiền tăng vọt, dẫn đến bong bóng giá tài sản, lạm phát tăng cao.
Ban Kinh doanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét