Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

Gỡ vấn đề ‘nóng’, 12 địa phương thiết lập ‘hành lang xanh’ đón khách

Mở cửa đón du lịch an toàn theo hướng “bong bóng du lịch” giữa Hà Nội và 11 tỉnh đối mặt với những thách thức mà khách du lịch, DN rất lo ngại.

Tháo gỡ những vấn đề “nóng”

Trong số 12 địa phương, Hải Phòng vốn bị “mang tiếng” là khắt khe trong kiểm soát người ra vào thành phố. Nhưng giờ chủ trương đó đã thay đổi, nếu không nói là bước đột phá của Hải Phòng.

Tại Hội nghị kết nối du lịch giữa Hà Nội và các địa phương với chủ đề “Thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và các địa phương” chiều 17/12, khi được hỏi về các chốt kiểm dịch, ông Phó Giám đốc Sở Du lịch Dương Đức Hùng thừa nhận đúng là Hải Phòng luôn “đi trước một bước, cao hơn một bước” trong công tác phòng dịch. Tuy nhiên, ngay khi Nghị quyết 128 xác định “sống chung với Covid-19” được ban hành, từ 2/12, Hải Phòng đã dừng hết các chốt kiểm tra liên ngành ở các cửa ngõ vào TP, sẵn sàng đón khách.

Đại diện Sở VH-TT&DL Sơn La, Phó Giám đốc Trần Xuân Việt cũng cho hay, khách du lịch không còn ái ngại chốt kiểm dịch ở Vân Hồ nữa vì Sơn La đã tháo dỡ mọi chốt chặn. Quốc lộ 6 từ Hà Nội đi Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên thông thoáng, khách đến Sơn La đông dần, đặc biệt dịp cuối tuần.

{keywords}
Khai báo y tế, kiếm tra thân nhiệt du khách là những yêu cầu bắt buộc đảm bảo du lịch an toàn

Ngay cả khi dịch có chiều hướng diễn biến tăng nặng, ông Dương Đức Hùng khẳng định, Hải Phòng chưa đặt ra tình huống đó và chuyện lập lại chốt kiểm dịch. Thay vào đó, TP sẽ đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh ở cộng đồng. Khách du lịch đi theo tour, tuyến đều có hướng dẫn cụ thể của Sở Du lịch để đảm bảo không lây dịch ra cộng đồng.

Một vấn đề khác là việc công khai danh sách các điểm đến, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn an toàn. Đến nay, hầu hết các địa phương đều đã kiểm tra, chứng nhận cho các cơ sở đạt chuẩn.

Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc công ty Golden Tour - thì đúng là có danh sách cơ sở an toàn, song chưa phải là chính thống. Ông dẫn chứng, khi ông hỏi thì có khách sạn ở địa phương trả lời chung chung, hoặc nếu cần thông tin “mời hỏi CDC”; hoặc cơ quan quản lý cũng không dám khẳng định là thông tin đó chính thống vì nó thay đổi hàng ngày.

“Chúng tôi phải lục tung trang web của Sở Y tế, Sở Du lịch hay của UBND các tỉnh, thành mà không thấy”, ông Dũng nói.

Trước thắc mắc này, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Thanh Hóa, cho rằng đây chỉ là thủ tục hành chính, không có vướng mắc gì khi triển khai. Các cơ sở an toàn ở Thanh Hóa đều được dán mã quét QR, dán nhãn an toàn.

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cũng cho biết, tỉnh đã kiểm tra và ban hành danh sách các cơ sở an toàn theo 3 cấp độ: an toàn cao, an toàn và không an toàn; công bố công khai trên trang web của Sở Du lịch. Đương nhiên, các cơ sở không an toàn sẽ không được phép đón khách. Các đơn vị được phép đón khách sẽ có tem dán trên cửa khách sạn.

{keywords}
Nhờ các biện pháp linh hoạt, Lào Cai chưa tuyên bố đóng cửa với khách du lịch 

Đặc biệt, vấn đề được nhiều DN quan tâm nhất hiện nay là việc xử lý như thế nào với tình huống khách là F0. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc công ty Du lịch Ánh Dương, nếu có quy trình xử lý, hướng dẫn sẽ giúp các đơn vị lữ hành tự tin hơn và xử lý nhanh hơn khi tình huống rủi ro xảy ra. Nhất là vấn đề chi phí điều trị, ngoài bảo hiểm bắt buộc, giờ có thêm bảo hiểm Covid-19 với mức 70.000 đồng/ngày không phải khách nào cũng sẵn sàng mua.

Trên thực tế, lo ngại này đã được hóa giải khi Lào Cai xử lý khá tốt với khách không may nhiễm bệnh. Ông Trần Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh, chia sẻ, khi phát hiện khách là F0, sẽ cách ly khách tạm thời tại cơ sở y tế, xét nghiệm lại bằng PCR; nếu kết quả dương tính, hoặc là điều trị tại bệnh viện dã chiến của tỉnh, hoặc sẽ bố trí xe cứu thương đưa khách về nơi cư trú. Chi phí tỉnh sẽ chi trả.

Với Lai Châu, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trần Mạnh Hùng nói rằng tỉnh cũng áp dụng quy trình xử lý tương tự và hỗ trợ hoàn toàn chi phí cho du khách.

Bắt tay thiết lập “hành lang xanh”

Tại hội nghị, một số vấn đề khác cũng được đặt ra, đó là có nên xây dựng một quy trình đón khách thống nhất áp dụng toàn quốc, trước mắt là quy trình riêng cho 12 địa phương tham gia thiết lập hành lang du lịch an toàn. Hay, vẫn trên những quy định sẵn có là Hướng dẫn 3862 của Bộ VH-TT&DL và văn bản của Tổng cục Du lịch.

Từ kinh nghiệm của Hà Giang, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh, góp ý, không cần thiết phải xây dựng nhiều bộ tiêu chí; chỉ cần bám vào Hướng dẫn 3862 của Bộ VH-TT&DL, hướng dẫn của Tổng cục Du lịch là làm tốt. Không nên mỗi địa phương tạo một rào cản riêng, làm như vậy là vỡ tour.

Điển hình tại Hà Giang, từ 23/11, khách đến đây chỉ cần khai báo y tế, không cần xét nghiệm Covid.  Tất cả các cơ sở y tế đều phải có đường dây nóng và có phương án hỗ trợ tối đa ngành du lịch khi sự cố xảy ra, vì du lịch không có chuyên môn.

{keywords}
Đại diện các địa phương hợp tác thiết lập "hành lang xanh" cho du lịch

Giải đáp băn khoăn của các đơn vị lữ hành, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, cũng cho rằng, liệu có cần thiết phải ban hành thêm quy trình không, bởi hiện nay, Hướng dẫn 3862 quy định khá đầy đủ và các biện pháp an toàn, thích ứng linh hoạt. Do đó, các địa phương không nên đặt ra các điều kiện vượt TƯ và Bộ ngành, vì các tiêu chí đưa ra đã đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, các tỉnh/thành và DN cần thường xuyên cập nhật, tương tác và chia sẻ thông tin vào App Du lịch Việt Nam an toàn. Hiện đã có 14.600 đơn vị đăng ký và tương tác thường xuyên tương tác trên nền tảng này. Còn rất nhiều đơn vị khác chưa tham gia.

Trước mắt, để khôi phục du lịch Thủ đô và các địa phương có thế mạnh về du lịch, từng bước mở cửa du lịch nội địa, ông Đoàn Văn Việt -Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, yêu cầu cần chủ động thiết lập hành lang an toàn, hiệu quả theo hướng “bong bóng du lịch” và xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện.

Để triển khai được, theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - đơn vị chủ trì - mong muốn gắn bó chặt chẽ hơn với 11 địa phương ký kết hợp tác là Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang. Các bên sẽ thống nhất triển khai đón khách an toàn; xây dựng sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch và phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Ngọc Hà

Đón Việt kiều về ăn Tết, sớm cho người dân du lịch nước ngoài

Đón Việt kiều về ăn Tết, sớm cho người dân du lịch nước ngoài

Triển khai sớm giai đoạn 2 chương trình thí điểm đón khách quốc tế từ 15/12/2021; đồng ý đón khách qua đường biển, đường bộ; cho phép Việt kiều về nước như khách quốc tế; cho phép người Việt đi du lịch nước ngoài,... Bộ VH-TT&DL kiến nghị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét