Tái chế quần áo được xem như van xả áp của ngành công nghiệp thời trang, nhưng nó đang bị tắc nghẽn do Covid-19.
Việc buôn bán quần áo cũ trị giá hàng tỷ USD giúp ngăn chặn đống rác thải ngày càng tăng của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu, đồng thời giữ chỗ trong những tủ quần áo cho các thiết kế của mùa mới. Nhưng hoạt động này đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng.
Từ London đến Los Angeles, nhiều cửa hàng mua sắm tiết kiệm, ngân hàng quần áo cũ, sạp quần áo đường phố tồn kho nhiều quần áo hơn số lượng có thể bán ra, dẫn đến hàng núi quần áo chất thành đống.
Antonio de Carvalho kiểm tra việc phân loại quần áo tại kho của công ty Green World Recycling. |
Antonio de Carvalho, chủ của một công ty tái chế hàng dệt ở Stourbridge, miền trung nước Anh, đã viết thư cho nhà cung cấp vào tháng 6, yêu cầu giảm giá cho số quần áo mà anh thu mua. De Carvalho trả tiền cho các thị trấn để mua quần áo cũ từ người dân, sau đó bán lại cho các thương nhân ở nước ngoài.
Anh cho biết kể từ tháng 5, mức giá dành người mua ở nước ngoài đã giảm từ 570 bảng Anh (726 USD) một tấn xuống còn 400 bảng Anh (507 USD), khiến công ty của anh - Green World Recycling - khó có thể trang trải chi phí thu gom và lưu trữ các mặt hàng. .
Không thể tồn tại
Trải nghiệm của De Carvalho được phản ánh trong toàn ngành. Theo cuộc phỏng vấn của hãng tin Reuters với 16 công ty ở Anh, Mỹ, Đức và Hà Lan, các nhà tái chế đang loại bỏ dần các ngân hàng quần áo khỏi đường phố, giảm số lần thay đổi hàng mỗi tuần và xem xét việc sa thải công nhân,.
Đồng thời, trong một tình huống trớ trêu, các khoản quyên góp ngày càng tăng lên khi những người mắc kẹt ở nhà chăm dọn dẹp tủ quần áo của họ hơn.
Theo dữ liệu thương mại của Liên Hiệp Quốc, sự rút lui của các nhà tái chế đang gây ra những hậu quả sâu rộng đối với ngành công nghiệp chứng kiến hơn 4 tỷ USD quần áo đã qua sử dụng được xuất khẩu trên toàn cầu mỗi năm, từ 2014 đến 2019. Con số này chắc chắn giảm mạnh trong năm nay.
Hậu quả của sự sụt giảm này có thể thấy ở các nước như Kenya, quốc gia nhập khẩu 176.000 tấn quần áo cũ trong năm 2018, tương đương hơn 335 triệu chiếc quần jean. Việc kinh doanh ế ẩm thể hiện rõ tại chợ trời Gikomba ở Nairobi, một trong những chợ quần áo cũ lớn nhất ở Đông Phi.
Những bao tải quần áo nhập khẩu tại chợ Gikomba. |
Các thương nhân bị ảnh hưởng bởi nguồn cung bị thu hẹp, trầm trọng hơn khi chính phủ cấm nhập khẩu hàng dệt đã qua sử dụng vào tháng 3 do lo ngại chúng có thể mang vi-rút, và sự sụt giảm lượng khách do người dân ở nhà.
Thương nhân Nicholas Mutisya, người bán quần jean và mũ ở chợ Gikomba cho biết: “Trước khi COVID-19 xuất hiện, tôi bán được ít nhất 50 chiếc quần mỗi ngày. Nhưng bây giờ, ngay cả việc bán một chiếc mỗi ngày cũng trở nên khó khăn".
Góc tối của thời trang “nhanh”
Hoạt động thương mại quy mô lớn luân chuyển quần áo cũ từ châu Âu và Mỹ đến các thị trường mới nổi đã diễn ra mạnh mẽ từ những năm 1990 do nhu cầu ngày càng tăng của châu Phi và Đông Âu đối với thời trang phương Tây.
Theo tổ chức từ thiện bền vững Ellen MacArthur Foundation, nhu cầu trên đã mang lại giá trị cần thiết cho một thị trường thời trang đang bùng nổ, nơi sản xuất quần áo đã tăng gần gấp đôi trong vòng 15 năm qua.
Công nhân vận chuyển quần áo cũ tại chợ Gikomba, nơi việc kinh doanh đang đi xuống vì đại dịch. |
Ngành công nghiệp thời trang là ngành tiêu thụ tài nguyên nước lớn thứ hai và chịu trách nhiệm tới 10% lượng khí thải carbon toàn cầu. Trong khi đó, quần áo chiếm một lượng lớn chất thải dồn vào các bãi chôn lấp, và con số này không ngừng tăng lên qua các năm.
Trước tình hình đó, nhiều nhà bán lẻ thời trang, bao gồm cả Inditex và H&M, khuyến khích người mua hàng mang đồ cũ đến cửa hàng của họ để quyên góp và trong trường hợp của H&M là nhận thêm giảm giá khi mua hàng mới.
(Theo Reuters / Phụ Nữ TP.HCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét