Chợ làng Giống (Kim Thành, Hải Dương) luôn có các sạp bán thịt chuột đồng vào buổi chiều. Người mua chủ yếu là dân làng Giống, nhưng cũng có khách đến từ các vùng miền khác.
Món thịt chuột đặc sản của người làng Giống
Cảnh mua bán chuột đồng đã sơ chế tấp nập ở ngã ba đầu chợ làng Giống. Khi nói về món ăn này, người dân cho biết có hương vị thơm ngon không kém các loại thịt gia súc phổ thông khác.
Những "thợ săn" ở làng đi bắt chuột đồng bắt đầu từ tháng 5 Âm lịch và kéo dài đến Tết Nguyên đán, chủ yếu vào cuối vụ gặt khi cánh đồng còn trơ gốc rạ. Thời kỳ này chuột béo do được ăn lúa thóc trên cánh đồng.
Chuột bắt về phải còn tươi sống, sau đó dội nước sôi khoảng 70 độ C để làm sạch lông. Nếu nước quá nóng sẽ làm tuột da chuột, khó chế biến. Chuột bắt về thường được phân thành 2 loại, loại có màu lông vàng từ 2 - 3 lạng và loại lông đen người dân gọi là "chuột cống" trọng lượng từ 5 - 7 lạng. "Chuột cống" này là chuột to sống ở đồng ruộng không phải loại chui lủi quanh cống rãnh hôi thối các khu dân cư.
Quy trình sơ chế khá đơn giản, sau khi làm sạch lông, chuột được đem thui bằng rơm nếp, mổ bỏ ruột, giữ lại gan. Đầu, 4 chân và đuôi cũng bị cắt bỏ.
Thông thường người thợ bắt chuột đi từ 5h sáng đến khoảng 13h mới về. Chuột được sơ chế ngay sau đó để vừa tươi ngon và kịp mang ra chợ bán buổi chiều.
Ở làng Giống, người thợ bắt chuột đi khắp các cánh đồng để săn, có nhiều khi sang cả các vùng lân cận như Hà Nam, Bắc Ninh.
Anh Nguyễn Văn Quân và bộ đồ nghề bắt chuột tự chế của mình. Người làng Giống bắt chuột mà không dùng tới chó, họ tìm hang chuột rồi đặt rọ vào các cửa hang sau đó dùng cuốc bới dần, chuột chạy tự chui vào rọ.
Trung bình anh Quân bắt một buổi được khoảng 20 kg chuột đồng, các "đồng nghiệp" của anh ở làng Giống cũng có sản lượng tương tự. Chuột sau khi được sơ chế bán tại chỗ với giá 150 nghìn/kg nguyên con chưa mổ.
Anh Nguyễn Văn Đoàn cũng là một thợ bắt chuột có thâm niên ở làng Giống. Thường gia đình anh sau khi sơ chế bán hết ngay tại nhà, khách muốn ăn phải đặt trước mới còn.
Theo người dân ở đây, thịt chuột thông thường được chế biến thành 3 món: giả cầy, luộc, quay. Thịt chuột đồng ăn không bị mùi hôi, hương vị sau chế biến thành món ăn lên đĩa cũng khá hấp dẫn và khác biệt.
Người dân làng Giống cho biết một tuần mà không có bữa thịt chuột thì lại cảm thấy thòm thèm, nhớ nhớ...
(Theo Dân Trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét