Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

Tin chứng khoán ngày 29/10: Đại gia Việt gặp khó với Mỹ, trong nước gia đình thu ngay 130 tỷ

DN của ông trùm ngành tôm Lê Văn Quang đối mặt với vụ kiện quốc tế và ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh trong 2019. Tuy nhiên, Thủy sản Minh Phú có tiềm lực tài chính tốt và dự kiến chi cổ tức hàng trăm tỷ đồng cho cổ đông.

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) vừa chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15%, tương đương mỗi cổ phiếu sẽ nhận về 1.500 đồng. Với gần 200 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tổng số tiền Minh Phú chi ra để trả cổ tức cho cổ đông là 300 tỷ đồng. Khoản tiền này sẽ được thanh toán vào 26/11.

Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú Chu Thị Bình và chồng là ông Lê Văn Quang cùng gia đình đang quản lý tổng cộng 87 triệu cổ phiếu MPC và sẽ nhận về lượng tiền mặt lên tới 130 tỷ đồng trong đợt chia cổ tức này.

Bà Bình hiện là cổ đông cá nhân lớn nhất tại Minh Phú với 35 triệu cổ phiếu, tương đương 17,5% cổ phần. Chồng bà Bình là Tổng Giám đốc Lê Văn Quang nắm giữ 32 triệu cổ phiếu công ty, tương ứng tỷ lệ 16% cổ phần.

Các con của ông bà chủ Minh Phú đứng tên 11,7 triệu cổ phần MPC. Bên cạnh đó, Công ty Đầu tư Long Phụng do ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình sở hữu 90% cổ phần cũng nắm giữ 8,2 triệu cổ phiếu Minh Phú.

Mặc dù dành 300 tỷ đồng ra chia cổ tức nhưng con số này vẫn khiêm tốn nếu so với các năm trước và so với dự định ban đầu của MPC.

Trong năm 2018, MPC chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 70% (tương đương 7.000 đồng cho mỗi cổ phiếu. Trong năm 2019, MPC dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 50%, nhưng sau đó điều chỉnh giảm còn 15% để giữ lại lợi nhuận, đảm bảo dòng tiền trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thủy sản Minh Phú là doanh nghiệp sản xuất tôm lớn nhất cả nước về quy mô doanh thu.

{keywords}
Vợ chồng ông Lê Văn Quang-bà Chu Thị Bình.

Gần đây, doanh nghiệp đầu ngành tôm Việt Nam đối mặt với vụ kiện quốc tế trong bối cảnh Mỹ thắt chặt kiểm soát hàng hóa vào nước này. Theo đó, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) vừa kết luận có đủ bằng chứng vi phạm luật thương mại của MSeafood Corporation (MSeafood) - một công ty con của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú của vợ chồng ông Lê Văn Quang-bà Chu Thị Bình - khi nhập khẩu tôm từ Ấn Độ và trộn lẫn với tôm Việt Nam để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Theo cáo buộc, CBP xác nhận rằng Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã nhập tôm từ Ấn Độ và dùng trong quá trình xử lý tôm đông lạnh tại các cơ sở sản xuất. Cáo buộc cho rằng, tôm đông lạnh từ Ấn Độ được “chế biến ở mức tối thiểu" tại Việt Nam và bán qua Mỹ thông qua Mseafood với tư cách là sản phẩm của Việt Nam.

Theo Shrimp Alliance, Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh từ Việt Nam, Ấn Độ và các quốc gia khác trong năm 2005, nhưng vào tháng 7/2016, Mỹ đã đưa Tập đoàn Minh Phú ra khỏi danh sách bị áp thuế. Trong khi đó, Ấn Độ vẫn chịu thuế 10,17%.

Cuộc điều tra của CPB nhắm tới Mseafood bắt đầu từ năm 2019, sau khi Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Mỹ (AHSTEC) gửi đơn cáo buộc lên CBP vào ngày 17/07/2019.

Theo kế hoạch, ông trùm ngành tôm Lê Văn Quang tính xuất khẩu gần 640 triệu USD thủy sản trong năm 2020 sau khi có sự hợp tác sâu rộng với đối tác đến từ Nhật. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam gặp nhiều thuận lợi.

Cũng theo kế hoạch, lợi nhuận sau thuế của MPC kỳ vọng tăng gấp đôi so với năm trước lên 915 tỷ đồng, với phần lớn đến từ chế biến xuất khẩu tôm và nuôi tôm. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, MPC mới ghi nhận 3.800 tỷ doanh thu và 240 tỷ lợi nhuận.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp trên sàn tiếp tục trả cổ tức cao bất chấp ảnh hưởng của đại dịch.

Nhựa Bình Minh chi hơn 232 tỷ đồng tạm ứng cổ tức tiền mặt đợt 1/2020 tỷ lệ 28,4%. Hay như Đường Quảng Nghĩa giữa lúc khó khăn vì dịch Covid-19 vẫn quyết chi 530 tỷ đồng trả cổ tức.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 28/10, chỉ số VN-Index ngừng giảm cho dù chứng khoán thế giới diễn biến tiêu cực. VN-Index hiện ở trên ngưỡng 920 điểm.

Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.

Theo MBS, thị trường điều chỉnh sang phiên thứ 3 liên tiếp với mức thanh khoản lớn tạo mẫu hình kỹ thuật không tích cực về mặt kỹ thuật. Nguyên nhân thị trường điều chỉnh trong 3 phiên vừa qua không có gì mới ngoài áp lực chốt lời của nhà đầu tư. Thị trường hiện đang ở vùng rủi ro và biến động mạnh, nhà đầu tư không nên bắt đáy, hạ đòn bẩy, đưa margin về mức thấp.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/10, VN-Index giảm 25,42 điểm xuống 921,05 điểm; HNX-Index giảm 3,09 điểm xuống 134,04 điểm. Upcom-Index giảm 0,66 điểm xuống 62,73 điểm. Thanh khoản đạt 10,2 nghìn tỷ đồng.

V. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét