Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến một đợt bán tháo với VN-Index sụt giảm liên tiếp. Tuy nhiên, đây được xem là cơ hội đầu tư hiếm có với một thập kỷ vàng ở phía trước.
Cơn bão đen tối
Cơn bão đen tối trở bất ngờ xuất hiện với áp lực bán tháo trên diện rộng, xảy ra đối với cổ phiếu của hầu hết các ngành. Trong phiên 28/10, chỉ số VN-Index giảm hơn 25 điểm, mức giảm mạnh nhất trong 3 tháng và rời xa ngưỡng 960 điểm.
Cụ thể, VN-Index giảm 25,42 điểm (2,69%) xuống 921,05 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 2,25% xuống 134,04 điểm và Upcom-Index giảm 1,05% xuống 62,73 điểm.
Đây là một diễn biến khá bất ngờ với đa số các nhà đầu tư, khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng vượt qua đại dịch Covid-19 và được dự báo lạc quan trong năm 2021.
Diễn biến này trái ngược với đánh giá của hầu hết các công ty chứng khoán.
Áp lực bán tháo tăng trên diện rộng với nhiều tỷ USD bốc hơi khỏi túi tiền của các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới, trong đó có Mỹ và châu Âu giảm mạnh khi mà đại dịch Covid-19 diễn biến xấu với số lượng người nhiễm tăng đột biến, trong khi các loại vaccine của Mỹ vẫn chưa được đưa ra thị trường.
Chứng khoán Việt Nam diễn biến khá tích cực so với khu vực. |
Một điểm đáng lưu ý là trong nước, khối các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hàng chục phiên liên tiếp với lượng bán hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên. Cổ phiếu hầu hết các ngành suy giảm.
Giới đầu tư lo ngại tình trạng tái áp đặt các biện pháp kiểm soát tại nhiều nước trên thế giới khiến hoạt động giao thương kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những cảnh báo của các chuyên gia nổi tiếng cũng khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo và ảnh hưởng tới Việt Nam.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới CTCK Mirae Asset, lý giải, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm là do hội tụ nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là bởi cổ phiếu vừa qua tăng nhiều. Lượng chốt lời trong cùng một thời điểm, ở vài phiên trong tuần, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh. Giới đầu tư cũng một phần bị ảnh hưởng tâm lý từ sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Thực tế, theo ông Huỳnh Minh Tuấn, không có tin xấu gì lớn đối với chứng khoán Việt Nam.
Trong phiên giao dịch cuối tuần (30/10), áp lực bán tiếp tục mạnh khiến chỉ số VN-Index có lúc lùi về 911 điểm, tương ứng với mức giảm 8 điểm. Tuy nhiên, trong đợt giao dịch ATC cuối phiên thị trường bất ngờ bứt phá mạnh và đảo chiều tăng điểm khá mạnh nhờ hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF như VFMVN30 ETF, SSIAM VN30 ETF, VFMVN Diamond ETF, SSIAM VNFin Lead ETF.
Những tín hiệu tích cực từ một loạt doanh nghiệp lớn và đầu ngành trên sàn cũng đã góp phần kéo thị trường đi lên.
Cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng mạnh gần 6% lên 106.500 đồng. Nhóm cổ phiếu trụ cột như Vinamilk, Thế Giới Di Động... và một số ngân hàng, nhóm bất động sản công nghiệp góp phần kéo thị trường quay đầu tăng điểm.
Cơ hội hiếm có cho thập kỷ vàng sắp tới
Những thông tin mới nhất cho thấy các doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán có kết quả kinh doanh ấn tượng. Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa báo cáo lợi nhuận trước thuế quý III tăng mạnh 42% và lợi nhuận sau thế tăng 102%, bất chấp đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới cộng đồng doanh nghiệp và người lao động Việt.
Masan Group (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số ở tất cả các mảng kinh doanh tiêu dùng. Doanh thu thuần 9 tháng đầu năm trên cơ sở hợp nhất tăng 110,8% đạt 55.618 tỷ đồng so với 26.378 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019, chủ yếu do hợp nhất các mảng kinh doanh mới sáp nhập và được thúc đẩy bởi tăng trưởng nội tại của tất cả các mảng kinh doanh.
Những thay đổi trong các mối quan hệ quốc tế tạo ra cơ hội cho Việt Nam. |
Trong lĩnh vực ngân hàng, dù phải hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp gặp khó vì Covid-19 nhưng nhiều đơn vị báo lãi lớn. Techcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh, hay VPBank của ông Ngô Chí Dũng, ngân hàng tư nhân MBBank ghi nhận lợi nhuận lớn, cao hơn cả ông lớn nhà nước Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Riêng Techcombank tiếp tục đạt kết quả ấn tượng: lợi nhuận trước thuế tăng 18,9% đạt 10.711 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, so với mức 9.006 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019.
Doanh nghiệp đầu ngành kinh doanh vàng bạc trang sức PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung ghi nhận doanh thu quý III tăng 26% so với cùng kỳ. Lợi nhuận quý III của đại gia vàng trang sức tăng nhẹ 1,7% lên 214 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông lớn phân đạm CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) báo cáo lợi nhuận quý III tăng gấp 11,5 lần so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận cũng tăng mạnh nhờ giá khí nguyên liệu giảm sâu.
Đại gia bất động sản công nghiệp - Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp Sonadezi (SNZ) vừa báo lãi sau thuế trên 1.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, tăng 34% so với cùng kỳ. Đây là một trong các doanh nghiệp vượt lên trên ảnh hưởng của đại dịch nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang đổ vào Việt Nam.
Gần đây, cổ phiếu nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn tăng điểm khá mạnh và là trụ cột đỡ cho thị trường mỗi khi có làn sóng bán ra do ảnh hưởng tiêu cực từ thế giới. Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng 1 tỷ USD sau 6 tháng lên mức 6,6 tỷ USD. Các tỷ phú như Trần Đình Long (HPG), Nguyễn Đăng Quang (MSN),... đều ghi nhận tài sản quy từ cổ phiếu tăng mạnh.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể biến động thêm một vài tuần nữa, có thể qua giữa tháng 11, nhưng về trung dài hạn triển vọng của nền kinh tế Việt Nam là sáng sủa.
Ông Tuấn nhận định kinh tế Việt Nam đang đứng trước cơ hội một thập kỷ vàng sắp tới, từ 2021-2030. Theo đó, về vĩ mô là rất tốt. Thặng dư thương mại 9 tháng đầu năm đạt hơn 16 tỷ USD, cao nhất trong 15 năm. Việt Nam nhận thức được cơ hội và có nhiều chính sách đón nhận những thuận lợi mà những thay đổi trên thế giới mang tới. Thách thức từ đại dịch Covid-19 có thể là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế.
Theo Bloomberg, Việt Nam thuộc top các quốc gia có tốc độ hồi phục chỉ số quản trị mua hàng (PMI) nhanh nhất khu vực. Báo cáo mới nhất của IMF đánh giá, GDP Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore và Malaysia trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới, với khoảng 6.000 tỷ USD các nước bơm ra sau đại dịch. Việt Nam có thể bứt phá nếu tận dụng tốt cơ hội này.
M.Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét