Báo DANVIET.VN ghi nhận, chưa năm nào người nuôi cá mú đặc sản ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) lại khó khăn như năm nay. Giá cá mú "bốc hơi" gần 50%, nông dân lỗ nặng.
Clip: Cá mú đặc sản nuôi ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định ế ẩm, nhiều hộ để bỏ đói đàn cắ, nông dân thua lỗ nặng
Nhiều hộ đành để đàn cá mú ăn đói vì càng nuôi càng lỗ...Đàn cá mú gầy đi trông thấy, có con nhìn chỉ còn da bọc xương...
Gần một nghìn tấn cá mú đặc sản bị ứ đọng không biết bán đi đâu
Tháng 4 năm nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả xã hội thực hiện giãn cách. Các nhà hàng, quán ăn phải tạm thời đóng cửa khiến nhiều mặt hàng thuỷ hải sản cao cấp, trong đó có cá mú đặc sản rơi cảnh ế ẩm, giá rớt thảm. Con cá mú là rơi vào tình cảnh bi đát nhất, đầu ra gặp khó và giá cá xuống thấp suốt nhiều tháng nay.
Đàn cá mú ngày càng teo tóp vì bị bỏ đói một thời gian dài, con nào con ấy gần như chỉ còn da bọc xương. |
Theo đó, hiện tại giá bán cá mú chỉ còn 100 ngàn đồng/kg, thậm chí đối với cá loại 1 cũng chỉ có 115 ngàn đồng/kg. Trong khi đó chi phí nuôi 1kg cá mú thương phẩm từ 150 -170 ngàn đồng. Giá bán cá mú thấp hơn giá thành rất nhiều đã đã đẩy hàng trăm hộ nuôi cá mú ở huyện Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định vào tình cảnh thua lỗ nặng.
Gia đình ông Lưu Văn Lại (66 tuổi) ở đội 5 xã Nghĩa Hải cũng đang lo lắng vì gần 3 tấn cá mú trong ao đã đạt trọng lượng 1- 2kg nhưng vẫn chưa xuất bán được, Để giảm thiểu thua lỗ nên ông Lại và các hộ nuôi cá mú khác trong vùng đành bỏ đói, 4-5 ngày mới cho ăn một lần.
Theo ông Lại, những năm trước chưa ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 cá mú được thu mua ổn định, dao động từ 190-240 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên tới 260 ngàn/kg. Tuy nhiên hiện giảm xuống chỉ còn 100– 115 ngàn đ/kg (tùy loại), với giá thu mua như vậy thì người nuôi cá mú như ông lỗ khoảng 50 - 65 ngàn đồng/kg.
"Do cá mú rớt giá thê thảm lại tiêu thụ chậm nên gia đình tôi tồn đọng khoảng gần 3 tấn cá mú thịt, chưa xuất bán được. Để giảm bớt chi phí chăn nuôi, gia đình tôi đành hạn chế cho cá ăn. Cụ thể, nếu như trước đây cá được cho ăn ngày ăn, ngày nghỉ, nay bỏ đói 4-5 ngày, thậm chí đến 1 tuần mới cho ăn lại", ông Lại giọng buồn buồn tính toán gia đình ông đã lỗ mấy trăm triệu đồng.
Thời điểm hiện tại, 4 -5 ngày ông Lại, xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) mới cho đàn cá mú đặc sản ăn một ngày, nhưng vẫn bị thua lỗ nặng. |
Thảm hại hơn ông Lại, gia đình ông Phạm Văn Dũng (60 tuổi), xóm 8, xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) có tới 4 tấn cá mú nhưng 15 ngày ông Dũng mới cho cá ăn một lần. Lý do đơn giản là vì đàn cá đã ăn hết sạch tiền tích cóp của gia đình ông. Ông Dũng thở dài than với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN rằng, đến tiền chi tiêu hàng ngày cho gia đình cũng không có thì lấy gì mua cá mồi cho đàn cá mú ăn.
Cá mú bị bỏ đói, hàng trăm hộ nuôi cá mú trắng tay
Ông Dũng nghẹn ngào bảo, cá mú ế đành nuôi cầm cự, chỉ cần chúng không chết là được. Chứ cứ cho đàn cá mú ăn bình thường thì những người nông dân nuôi cá như ông chắc chỉ còn cách ra đường ở.
Với cái giá bán cá mú thấp thế này thì mỗi kg cá mú ông Dũng thua lỗ đến mấy chục ngàn đồng. Cá cứ tăng thêm kg nào là lỗ thêm bằng ấy tiền. "Vì vậy chỉ cần đàn cá mú sống cầm cự và không cần chúng lớn thêm là chúng tôi mừng rồi...", ông Dũng thở dài nói với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Muốn bán hết cá mú để giảm thua lỗ, nhưng hơn 5 tháng nay gia đình ông Dũng vẫn không tài nào bán được dù giá cá đã bốc hơi tới một nửa. Thương lái thì hứa sẽ mua, nhưng mà hứa suông từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này đến tháng kia...nên ông chỉ còn cách bắt cá nhịn đói.
Nhìn đàn cá gầy đi vì đói, ông Dũng nghẹn ngào nói: "Thế là người nuôi cá mú như chúng tôi gay go lắm rồi, có bao nhiêu vốn liếng thì quả này đi tong hết. Bao nhiêu công sức vất vả nuôi đến lúc được bán vậy mà lại rơi vào tình cảnh ế ẩm, người ít lỗ vài trăm triệu, người nhiều lên đến cả tỷ đồng...".
Hàng tuần ông Dũng, xóm 8, xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) phải kiểm tra xem đàn cá mú có bị chết đói không, cầm con cá mà ông đã thấy khoản nợ của mình. |
"Nếu mà bán được hết số cá mú bây giờ thì tôi chỉ lỗ khoảng hơn 400 triệu. Nhưng nếu tình trạng ế ẩm cứ kéo dài thì số tiền thua lỗ sẽ không phải là con số 400 triệu. Mùa đông thì đang đến gần, nếu chẳng may rét đậm, rét hại kéo dài thì người nuôi cá mú chúng tôi mất trắng", ông Dũng lo lắng nói thêm.
Hiện tại, giá cá mú giảm mạnh nhưng giá cá mồi lại tăng mạnh, nguyên nhân làm cho đàn cá mú bị bỏ đói và khiến người nuôi cá mú thua lỗ nặng. |
Trao đổi phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN , ông Lại Minh Hưng, cán bộ phòng nông nghiệp huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) xác nhận, hiện người nuôi trên địa bàn gặp nhiều khó khăn khi cá mú đến thời điểm thu hoạch nhưng xuất bán không được, tiêu thụ chậm. Giá cá mú thương phẩm lại ở mức thấp, hiện cá mú loại 1 chỉ trên 110 ngàn đồng/kg, người nuôi cá mú thua lỗ nặng.
Hiện toàn huyện Nghĩa Hưng đang còn tồn đọng hơn 700 tấn cá mú đã quá lứa nhưng chưa bán được. |
"Toàn huyện Nghĩa Hưng hiện thả nuôi trên 700 ha cá mú, sản lượng ước tính trên 1000 tấn, trong đó sản lượng cá mú thịt tồn đọng ít nhất khoảng hơn 700 tấn. Nhưng người thu mua cá cũng rất ít. Mỗi tấn cá người nuôi xuất bán lên đến từ 7-8 lần mới xong. Trong khi trước đây ao nuôi cá mú thu khoảng 3 tấn, người nuôi bán 2 lần là xong", ông Lại Minh Hưng thông tin.
Phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN liên lạc với một thương lái thu mua cá mú và được biết, lâu nay cá mú lai chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa phục vụ cho các khách sạn, nhà hàng, quán xá...
Tuy nhiên từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hoạt động du lịch, khách sạn, nhà hàng vắng khách nên kéo theo lượng tiêu thụ cá mú cũng hạn chế.
"Thay vì mua hết cả ao cá mú cho bà con như trước, đợt này thương lái chúng tôi chỉ mua từng ít một. Người nuôi cá mú thua lỗ, chúng tôi cũng không giúp gì hơn được bởi ngay cả chúng tôi làm ăn cũng khó khăn vì các mối bán hàng gần như "án binh bất động" bởi sau dịch Covid-19 thị trường tiêu thụ cá mú không hồi phục bởi ngành du lịch chưa hồi phục...", một thương lái nói vội qua điện thoại.
(Theo Dân Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét