Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

Những ngày đen tối, tín hiệu khó lường cho Donald Trump

Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc liên tiếp với nhiều cổ phiếu lớn tụt giảm hàng chục phần trăm. Đây là cú sốc với nhiều nhà đầu tư và là điều tệ hại đối với ông Donald Trump khi ngày bầu cử chính thức sắp tới.

Những ngày đen tối

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch 28/10 (rạng sáng 29/10 giờ Việt Nam) giảm mạnh phiên thứ 3 liên tiếp, với tổng mức giảm trong ba phiên lên tới 7-8%.

Trong phiên giao dịch trên, chỉ số công nghiệp Dow Jones sụt giảm hơn 900 điểm, ghi nhận phiên tồi tệ nhất từ tháng 6/2020. Chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm 3,5%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite rớt 3,7%.

Chứng khoán Mỹ giảm trong bối cảnh giới nhà đầu tư lo ngại về đà tăng gần đây của số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới. Làn sóng bùng phát dịch Covid gần đây đã khiến nhiều quốc gia, trong đó có các nước ở khu vực châu Âu buộc phải tái áp đặt các biện pháp kiểm soát.

Tại Mỹ, bang Illinois đã yêu cầu thành phố Chicago ngưng dịch vụ phục vụ ăn uống trong nhà. Ở châu Âu, các quan chức Đức đã đồng ý đóng cửa một phần các hoạt động trong 4 tuần, trong khi Chính phủ Pháp áp đặt các lệnh hạn chế mới trên toàn quốc cho đến ngày 1/12.

{keywords}
Cuộc đua vào Nhà Trắng đến giai đoạn cuối.

Chứng khoán Mỹ cũng chịu áp lực từ hiện tượng giới đầu tư đồng loạt giảm giao dịch để nghe ngóng tình hình, không mua vào trước thời điểm cuộc bầu cử ngày 3/11 đang tới gần. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư chọn giải pháp bán ra để đảm bảo an toàn, nhất là khi quốc hội Mỹ chưa thể thống nhất về gói kích thích tài khóa mới.

Các nhà đầu tư chứng khoán cũng chuẩn bị cho một kịch bản xấu khi mà kết quả bầu cử tại Mỹ có khả năng gây tranh cãi, hậu quả có thể dẫn đến biến động mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu.

Trên CNBC, nhà đầu tư lừng danh Mark Mobius khiến thị trường thêm hoảng loạn với cảnh báo chỉ số chứng khoán tầm rộng của Mỹ S&P 500 đang tạo “đỉnh kép” trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Đây là tín hiệu đáng ngại dành cho nhà đầu tư. Đỉnh kép là chỉ báo kỹ thuật báo hiệu về thị trường giá xuống, xảy ra khi giá tài sản lập hai đỉnh liên tục và giữa chúng chỉ là một đợt giảm vừa phải. Nếu giá sau đó xuống dưới ngưỡng hỗ trợ trong đợt giảm, “đỉnh kép” đã xuất hiện.

Trong phiên 28/10, hàng loạt cổ phiếu chịu thiệt hại nhiều bởi việc đóng cửa hoạt động hay sự đình trệ trong việc tái mở cửa kinh tế dẫn đầu đà sụt giảm. Cổ phiếu Norwegian Cruise Line và Carnival lần lượt giảm 9,1% và 10,6%. Cổ phiếu Royal Caribbean sụt 7,4%, United Airlines mất 4,6%...

Chỉ số đo lường mức độ sợ hãi trên Phố Wall đã tăng vượt mốc 40 và chạm mức cao nhất kể từ giữa tháng 6.

Cú đảo chiều bất ngờ, 4 ngày cuối cho ông Donald Trump

Mặc dù thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhưng không ít tổ chức cho rằng xu hướng đi lên vẫn chưa rõ ràng trong bối cảnh lãi suất thấp có thể được duy trì trong 5 năm tới và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bơm thêm tiền vào thống tài chính, còn chính phủ Mỹ tung thêm gói kích thích.

Điều quan trọng là chứng khoán Mỹ - chỉ báo quan trọng về triển vọng của nền kinh tế và cũng là thước đo ông Trump yêu thích về những thành tựu của mình - chưa rõ có chuyển biến tích cực trong vài phiên cuối hay không.

Rạng sáng 30/10 (giờ Việt Nam), chứng khoán Mỹ bất ngờ hồi phục sau khi Mỹ công bố kinh tế tăng trưởng bùng nổ trong quý III. Kết quả kinh doanh của nhiều tập đoàn công nghệ cũng ấn tượng. Cổ phiếu Apple tăng 3,7%, Alphabet mẹ của Google tăng 3,1%, trong khi cổ phiếu Facebook của ông chủ Mark Zuckerberg tăng tới 5%. Chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng 1,2%, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,6%.

{keywords}
Ông Trump hay ông Biden sẽ là người dẫn nước Mỹ chống lại Trung Quốc.

Tăng trưởng GDP quý III của Mỹ tăng chưa từng có kể từ 1947, với mức tăng 33,1%, sau cú sụt giảm 31,4% trong quý II. Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm tuần thứ hai liên tiếp và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3. Hoạt động tiêu dùng phục hồi tốt, chi tiêu cá nhân tăng mạnh và đầu tư tư nhân tăng vọt. Lĩnh vực bất động sản diễn biến tích cực.

Kinh tế Mỹ hồi phục ấn tượng bất chấp gói cứu trợ đầu tiên đã kết thúc từ cuối tháng 7 và đến nay vẫn chưa có gói mới bổ sung do bất đồng giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ. Nước Mỹ cũng đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19, khi số người nhiễm lên tới gần 9 triệu và hơn 228.000 người tử vong.

Một điểm khá ấn tượng là các doanh nghiệp Mỹ hồi phục khá tốt. Theo Refinitiv, trong số hơn 260 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý III, 85% có kết quả tốt hơn mong đợi. Amazon, Facebook và Alphabet vừa có báo cáo lợi nhuận rất tốt.

Tuy nhiên, áp lực với ông Trump là rất lớn do số ca nhiễm Covid tăng mạnh trở lại và lên mức cao kỷ lục mới. Tỷ lệ thất nghiệp còn cao với 7,9%, gấp 2 lần trước đại dịch. Khoảng 12,6 triệu người dân Mỹ chưa có việc làm.

Với ông Donald Trump, sự gia tăng của thị trường chứng khoán là điều tốt lành. Chứng khoán giảm là điều vị tổng thống Mỹ này không mong muốn, khi mà vài ngày nữa diễn ra bầu cử.

Gần đây, ông Trump cũng đạt được những thành quả trong cuộc chiến với Trung Quốc. Bắc Kinh cam kết đẩy mạnh mua nông sản của Mỹ. Điều này sẽ tác động có lợi cho ông chủ Nhà Trắng.

Kể từ khi lên cầm quyền, ông Trump liên tục ra đòn tấn công Trung Quốc, muốn chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và muốn Mỹ thành siêu cường sản xuất. Ông Trump cho biết sẽ trừng phạt bất kỳ công ty Mỹ nào tạo việc làm ở nước ngoài, đồng thời cấm những tổ chức làm ăn với Trung Quốc giành được các hợp đồng liên bang. Ông đã biến Trung Quốc trở thành chủ đề chính của đợt bầu cử lần này.

Những đòn tấn công vào các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Công ty Quốc tế Sản xuất Bán dẫn Thượng Hải (SMIC), ZTE, Huawei, TikTok,... chứng tỏ với giới đầu tư sức mạnh của Mỹ trong lĩnh vực này là rất lớn. Sự quyết đoán cũng là một lợi thế của ông Trump trong cuộc bầu cử lần này.

M. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét