Người dùng thẻ tín dụng mà thiếu kỹ năng quản lý tài chính thì không khác nào ôm bom nổ chậm.
Việc sử dụng thẻ tín dụng đang rộ lên thời gian gần đây khi hàng loạt ngân hàng (NH) đến tận nhà và các doanh nghiệp để chào mời người dùng. Thực tế, thẻ tín dụng có nhiều ưu điểm như tiện lợi, dễ dùng, thủ tục rất đơn giản… Thế nhưng loại thẻ này chỉ thật sự hiệu quả khi người sử dụng am hiểu, nếu không sẽ dẫn đến không ít hệ lụy về sau.
Đừng mở thẻ chỉ vì mật ngọt
Để gia tăng số lượng phát hành thẻ, nhân viên tư vấn của nhiều NH ca tụng ưu điểm của thẻ tín dụng mà phớt lờ những điểm bất lợi cho khách hàng. Chỉ đến khi sử dụng thẻ, chủ thẻ mới giật mình phát hiện dịch vụ thẻ tín dụng không như quảng cáo. Thậm chí nhiều chủ thẻ lâm vào cảnh dở khóc dở cười do bị tự động tính lãi quá hạn, lãi phạt, nợ gốc… khiến tổng chi phí khoản nợ phải trả tăng lên rất cao so với nợ gốc.
Thấy hấp dẫn khi nhân viên NH giới thiệu về hàng loạt quyền lợi khi sử dụng thẻ tín dụng, chị Thảo Anh (quận Tân Bình, TP.HCM) quyết định mở thẻ ngay.
“Lúc đó mình nghe quá trời quyền lợi như mở thẻ vừa được miễn lãi lên đến 55 ngày, hoàn tiền lên đến 5%, trả góp với lãi suất 0% tại các đối tác liên kết. Ngoài ra còn được giảm đến 50% tại hàng trăm điểm mua sắm, ẩm thực, du lịch; miễn phí thường niên năm đầu tiên với số tiền hơn 800.000 đồng...” - chị Thảo Anh kể.
Thế nhưng đến khi sử dụng, những sản phẩm được ưu đãi cao và phù hợp với nhu cầu của gia đình lại không nằm trong danh sách đối tác liên kết với NH phát hành thẻ tín dụng mà chị Thảo Anh có.
“Vài lần tôi hí hửng cà thẻ tín dụng khi thanh toán tại siêu thị để mong được hoàn tiền 5% trên số tiền giao dịch. Tuy nhiên, đến kỳ sao kê, số tiền hoàn trả không đáng kể do sức chi tiêu của tôi chưa đủ để hưởng hoàn tiền mức tối đa” - chị Thảo Anh cho biết.
Vậy là sau thời gian dài nằm im trong ví và không hề phát sinh thêm giao dịch nào, chị Thảo Anh lại ra NH hủy thẻ. Bởi nếu không may bị mất thẻ thì sẽ phải đối diện với nguy cơ bị mất tiền rất lớn.
Một số người mở thẻ tín dụng chỉ để rút tiền, bất chấp phí rất cao. Lạm dụng cách thức này sẽ khiến chủ thẻ dễ rơi vào vòng xoáy nợ nần. Kể lại câu chuyện bị dính lãi phạt chậm trả thẻ tín dụng NH, anh Quốc Khánh ở quận 5, TP.HCM còn bức xúc.
Theo anh Khánh, đến kỳ thanh toán của tháng 4, anh ra ATM của ngân hàng để nộp 100.400.000 đồng. Nhưng hạn mức tối đa được nộp trong một ngày vào máy ATM của ngân hàng này chỉ là 100 triệu đồng. Như vậy, anh còn thiếu 400.000 đồng. Do bận và chủ quan nghĩ với dư nợ hơn 400.000 đồng thì lãi phạt chỉ khoảng vài chục ngàn đồng nên anh Khánh để luôn sang kỳ sao kê tháng 5.
Thế nhưng cầm tờ sao kê tháng 5, anh Khánh mới tá hỏa khi thấy ngoài dư nợ phát sinh trong tháng, anh còn phải nộp thêm gần 3 triệu đồng tiền lãi do NH tính lãi phạt trên dư nợ gốc chứ không phải tính lãi theo số tiền 400.000 đồng còn thiếu. “Trong khi đó, thời điểm mở thẻ tôi không hề được nhân viên khuyến cáo về vấn đề này” - anh Khánh nói.
Người dùng chỉ nên mở thẻ khi thực sự có nhu cầu sử dụng, vừa để tránh tạo ra thẻ “rác” lại thêm bị mất phí và tiền phạt. Ảnh minh họa |
Có nhu cầu thực sự mới mở thẻ
Theo lãnh đạo một NH tại TP.HCM, thực tế không ít trường hợp khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng, khoản phí thường niên nếu quên thanh toán đúng hạn sẽ bị một số NH áp dụng chế độ phạt nợ quá hạn. Tùy mức phạt có thể bằng 50%, hoặc thậm chí bằng 100% khoản phí thường niên khiến người dùng thiệt đơn thiệt kép.
“Chính vì vậy, người dùng nên tỉnh táo với các chương trình mở thẻ NH được khuyến mãi vì được lợi trước mắt nhưng lại thiệt về sau. Tốt nhất chỉ nên mở thẻ khi thực sự có nhu cầu sử dụng, vừa để tránh tạo ra thẻ “rác” lại thêm bị mất phí và tiền phạt” - vị lãnh đạo NH này khuyến nghị.
Tuy nhiên, theo TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia NH, bên cạnh mặt chưa tích cực của thẻ tín dụng như khiến người dùng dễ dàng vung tay quá trán hoặc mua những sản phẩm mà bản thân chưa thực sự cần thiết thì việc sử dụng thẻ tín dụng có rất nhiều lợi ích.
Trước tiên, người dùng mở thẻ được hưởng ưu đãi từ chính sách hoàn tiền, chiết khấu khi mua sản phẩm của các đối tác có liên kết với NH phát hành thẻ. Chỉ tính riêng tiêu chí cho mượn tiền trước để trả tiền sau của thẻ tín dụng thôi đã thấy thẻ tín dụng có lợi cho người dùng.
“Hãy làm một bài toán kinh tế như sau. Thay vì bỏ tiền túi của mình là 100 triệu đồng để mua món đồ, khách hàng được “xài chùa” trong vòng 55 ngày bằng cách quẹt thẻ tín dụng. Với 100 triệu đồng của mình có thể đem gửi tiết kiệm theo hình thức chứng chỉ tiền gửi. Với lãi suất của loại hình sản phẩm này đang là 4,8%/năm kỳ hạn 50-55 ngày, tương đương gần 730.000 đồng. Ngoài ra, nếu tận dụng thêm ưu đãi qua các đối tác liên kết với NH phát hành thẻ thì chủ thẻ còn được trả góp với lãi suất 0%/năm, chiết khấu cao, hoàn tiền, tích điểm…” - TS Minh phân tích.
Do đó, TS Minh cho rằng khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng thì rất cần học kỹ năng quản lý tài chính. Chỉ khi nào thấy thực sự kiểm soát được khả năng chi tiêu thì hãy chấp nhận mở thẻ tín dụng, chứ đừng chỉ chăm chăm nhìn vào chính sách “mồi” hoàn tiền từ các NH.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng trước khi vay hoặc dùng thẻ tín dụng, khách hàng nên lập kế hoạch tài chính nhằm trả nợ đúng hạn, tránh bị ảnh hưởng đến uy tín tài chính và phát sinh những khoản lãi ngoài ý muốn. Mặt khác, chủ thẻ phải tìm hiểu thận trọng khi mua trả góp bằng thẻ tín dụng. Nếu chủ thẻ không thanh toán khoản trả góp đúng hạn cũng sẽ bị tính lãi suất như khoản dư nợ bình thường của thẻ tín dụng.
Bất chấp dịch, người Việt vẫn mở 10 triệu thẻ ngân hàng
Hội thẻ NH Việt Nam cho biết tính đến cuối năm 2019, số lượng thẻ lưu hành đạt 103 triệu thẻ (tăng 16,5 triệu thẻ so với năm 2018). Trong đó, số lượng thẻ phát hành mới trong năm 2019 là 22 triệu thẻ.
Trong sáu tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, số lượng thẻ phát hành mới chỉ đạt khoảng 10 triệu thẻ. Tuy nhiên, thẻ tín dụng quốc tế, ghi nợ quốc tế vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt với mức 24%, cao hơn so với năm 2019.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng doanh số sử dụng thẻ toàn thị trường sáu tháng đầu năm 2020 có giảm sút nhưng cơ cấu tỉ trọng doanh số sử dụng thẻ có xu hướng dịch chuyển từ thẻ nội địa sang thẻ quốc tế và từ thẻ ghi nợ sang thẻ tín dụng và thẻ trả trước.
(Theo Pháp Luật TP.HCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét