Cái nghèo, cái đói rũ bỏ sau lưng, đồng bào Xê Đăng ở ngôi làng Tắk Lang thay “tấm áo mới” của cuộc sống bằng việc ở nhà lầu bạc tỷ, đi xe hơi xịn.
Hết thảy được đánh đổi nhờ sâm – loài biệt dược “quý hơn vàng” giúp họ vực dậy, phất lên thành tỷ phú.
Đổi đời nhờ sâm
Nằm tít tận ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, huyện miền núi Nam Trà My – tỉnh Quảng Nam, trải dài trên dãy Ngọc Linh quanh năm mây phủ trắng lưng trời.
Một góc của cánh rừng trên dãy Ngọc Linh. |
Có một thời, cái nghèo cái khó chẳng khác nào sợi dây vô hình quấn riết lấy đời sống của đại đa số đồng bào Xê Đăng. Tình cảnh chạy cơm từng bữa cứ thế dùng dằng chẳng chịu buông.
Chưa kể, “điện, đường, trường, trạm” trở thành những công trình rất đỗi xa xỉ và xa vời ăn sâu vào tiềm thức bà con quanh năm bám rẫy mưu sinh.
Đó là câu chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” của tháng ngày thuộc về xưa cũ. Nói đến Nam Trà My bây chừ, chẳng còn ai nhắc nhớ về một trong số những huyện liệt vào danh sách nghèo nhất nước nữa.
Thay vào đó, người ta bàn tán xôn xao về sâm Ngọc Linh – loài biệt dược được ví von “quý hơn vàng” mà đồng bào Xê Đăng xem như “báu vật”.
Những năm gần đây, các đại gia trên khắp mọi miền lặn lội vượt hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cây số lên tận “thủ phủ” sâm Ngọc Linh và vung tiền tỷ mua sâm đã không còn xa lạ.
Từ nguồn sâm bán đi, tiền tỷ rót đầy vào túi, đồng nghĩa diện mạo đời sống của đồng bào vùng cao nơi đây rẽ sang một trang mới. Không ít người đổi đời, phất lên thành tỷ phú nhờ sâm.
Cà kê dọc trục đường quanh co dẫn lên xã Trà Linh – địa phương có diện tích trồng sâm xếp vào loại lớn bậc nhất huyện, chúng tôi nghe cư dân địa phương chia sẻ rằng, cả thảy 7 xã trồng sâm đều không thiếu tỷ phú.
Họ kháo nhau, tỷ phú chân đất trên đỉnh Ngọc Linh nhiều không đếm xuể. Ấy nhưng, cá biệt phải nhắc tới Tắk Lang – ngôi làng nhỏ nằm sát rạt núi Ngọc Linh.
Tắk Lang – ngôi làng tỷ phú trên đỉnh Ngọc Linh. |
Trời đứng bóng trưa, sau mươi phút chạy xe máy trên con đường bê tông trải dài tăm tắp, Hồ Văn Dang – Phó công an xã Trà Linh – dẫn lối chúng tôi tìm tới ngôi làng mà 100% hộ dân trồng sâm Ngọc Linh.
Từ ngôi nhà văn hóa dựng trên mỏm đất nhô cao, phóng tầm nhìn về phía núi, Tắk Lang hiện ra với khung cảnh từng dãy nhà mới khang trang, bề thế.
“Tầm này, làng vắng hoe bởi ai nấy vào khu rừng trên đỉnh Ngọc Linh để chăm sóc sâm. Quãng đường từ nhà lên rẫy mất 2 tiếng rưỡi đồng hồ cuốc bộ. Họ rời nhà từ sớm tinh mơ, tới chiều tối muộn mới về. Hiếm lắm mới có 1-2 người ở nhà ban ngày”, anh Dang nói.
Khi vị cán bộ công an vừa dứt lời, bóng người đàn ông thấp thoáng phía sau tán cây rừng, chầm chậm sải bước tiến về làng.
Thoạt nhìn, anh Dang nhận ra và giới thiệu ngay đó là ông Nguyễn Cao Bằng – người trồng sâm có tiếng của làng Tắk Lang.
Đặc biệt, nói về kỹ thuật trồng sâm, ông Bằng xếp vào diện bậc thầy.
Nhìn lại chặng đường 35 năm gắn bó với nghề trồng sâm, bản thân ông Bằng cũng không ngờ có ngày sâm Ngọc Linh mang lại giá trị kinh tế cao ngất ngưởng.
“Không nói đâu thời xa xưa, chừng 8 năm trước, giá 1kg sâm củ chỉ độ 20 triệu đồng. Thậm chí, lá sâm lặt về nấu uống không hết thì cho lợn ăn.
Bây giờ, giá 1kg sâm củ chạm ngưỡng hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường”, ông Bằng hồ hởi khoe và liệt kê chi tiết giá 1kg sâm củ loại 1 (1 củ nặng 1 lạng) bán tại chợ sâm không dưới 200 triệu đồng, sâm loại 2 (2 củ nặng 1 lạng) 115 triệu đồng, thấp nhất là sâm loại 3 (3 củ nặng 1 lạng) có giá dao động từ 85-95 triệu đồng.
Ông Nguyễn Cao Bằng – tỷ phú sâm Ngọc Linh, trò chuyện với PV |
Ông Bằng không ngại bộc bạch, 4 sào đất rẫy trên đỉnh Ngọc Linh đang được gia đình cất công vun trồng khoảng 2 nghìn cây giống. Mỗi năm, ông thu hoạch khoảng 5-7kg sâm củ loại 1 (sâm trồng 5 năm) và bán lấy bạc tỷ.
Tiếp lời ông Bằng, anh Dang cho hay, ở làng này, chuyện bà con trồng sâm, bán sâm và “bỏ túi” bạc tỷ trở nên rất đỗi bình thường.
“Trong số 72 hộ dân của làng Tắk Lang, nhà trồng nhiều lên tới cả chục hecta, nhà ít thì vài ba sào. Không chỉ sâm củ có giá trị mà bây giờ sâm lá cũng mang lại khoản thu kha khá. Tầm tháng 8, bà con sẽ lấy hạt và lặt lá sâm. Giá 1kg sâm lá bán ra thị trường không dưới 10 triệu đồng.
Nhờ cần mẫn bám trụ cây sâm suốt hàng chục năm qua mà phần lớn người trong làng giờ đây phất lên giàu sang, có của ăn của để”, anh Dang chia sẻ.
Đi xe hơi, ở nhà lầu bạc tỷ
3 năm trở về trước, từ trung tâm xã Trà Linh ngược lên làng Tắk Lang chỉ có một cách duy nhất là lội bộ. Lối mòn đầy sỏi đá kéo dài 4 cây số được bà con giẫm riết thành đường đi.
Nhiều ngôi nhà ở Tắk Lang được đầu tư xây dựng với số tiền bạc tỷ. |
Còn từ thời điểm trên đổ lại, đường vào Tắk Lang bê tông hóa, rộng thênh thang. Hằng ngày có rất nhiều ô tô chạy một mạch ra vào làng.
Những chiếc ô tô không phải của người ở xa tới. Khi kinh tế khá giả, cả chục hộ dân ở Tắk Lang mạnh tay chi tiền sắm xe hơi xịn sò. Còn xe mô tô phân khối lớn thì hầu như nhà nào cũng có.
Không chỉ tậu xe sang, đồng bào Xê Đăng của “làng tỷ phú” còn dựng lên hàng chục căn nhà bạc tỷ.
Đơn cử như trường hợp ông Bằng, cách đây 5 năm, ông đã thuê người lội bộ vận chuyển từng viên gạch, khối xi măng và xây nên ngôi nhà 1,5 tỷ đồng.
2-3 năm nay, làng Tắk Lang “mọc” lên cả chục nhà lầu.
Gần đây nhất, cuối năm ngoái, hai gia đình sinh sống sát vách nhau là Hồ Văn Khuyên và Hồ Văn Hình cùng bỏ ra số tiền 2,8 tỷ đồng để xây nhà 2 tầng.
Chia sẻ niềm vui với chúng tôi về căn nhà mới còn vương mùi sơn, ông Hình buông câu nói nhẹ hều: “Có bao nhiêu đâu, tôi bán 14-15kg sâm củ là xây nhà vô tư. Bao năm khổ cực nhiều rồi, giờ là lúc mình được tận hưởng với cuộc sống đầy đủ tiện nghi hơn”.
Sâm Ngọc Linh - loài biệt dược giúp đồng bào Xê Đăng đổi đời. |
Chứng kiến làng Tắk Lang “thay da đổi thịt”, ông Hồ Văn Thể - Chủ tịch UBND xã Trà Linh, phấn khởi khoe thêm, ngoài nhà lầu, xe hơi, bà con Tắk Lang còn gửi hàng chục tỷ đồng ở các ngân hàng.
Quả thật, nhìn cơ ngơi đồ sộ của dân làng Tắk Lang, nhiều người sẽ không khỏi trầm trồ.
Rồi mai đây, chắc chắn ngôi làng nằm nép mình trên đỉnh Ngọc Linh sẽ có thêm nhiều tỷ phú – những người cắt bỏ sợi dây nghèo khó, phất lên đổi đời nhờ trồng sâm.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, tổng diện tích quy hoạch trồng sâm trên toàn huyện là 15.568ha, gồm các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Leng, Trà Don. “Từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2020, UBND huyện tổ chức tổng cộng 31 phiên chợ sâm (chợ diễn ra định kỳ 3 ngày đầu hằng tháng). Trung bình mỗi phiên chợ thu về 4-5 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2018, một người dân địa phương đào được củ sâm 100 tuổi, nặng 1,1kg và bán với giá 540 triệu đồng”, ông Mẫn nói. |
(Theo VTC News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét