Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Đà Nẵng đón các doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản

Đà Nẵng được các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin quan tâm bởi môi trường thuận lợi.

Thung lũng Silicon Đông Nam Á

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Xúc tiến đầu tư ICT Nhật Bản vào Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết, Nhật Bản đang là quốc gia đứng thứ hai về đầu tư FDI vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 60 tỷ USD, đầu tư vào 4.200 dự án, trong đó có hơn 700 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực CNTT-TT.

Đứng trước cơ hội tiếp tục đón nhận các làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Việt Nam đã sẵn sàng cho việc đón nhận dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản.

Chính phủ Việt Nam đã và đang hoàn thiện mô hình và cơ chế, chính sách để tạo sự phát triển đột phá cho các khu CNTT tập trung, khu công nghệ cao tại các trung tâm kinh tế trọng điểm trong cả nước, đặc biệt là TP. Đà Nẵng.

Nổi lên và được ví như là một Thung lũng Silicon của Đông Nam Á, chính quyền Đà Nẵng đang cùng với các cơ quan Trung ương xây dựng hệ sinh thái số, ưu tiên thu hút các dự án FDI công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” và là điểm đến đắt giá thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu trong tương lai.

{keywords}
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn (Ảnh:MIC)

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Miên đánh giá, Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm thành phố đang kêu gọi đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin (ICT).

Tính đến tháng 9/2020, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư tại thành phố với 214 dự án và tổng vốn hơn 816 triệu USD, chiếm gần 25% tổng số dự án đầu tư nước ngoài và hơn 23% tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài tại thành phố.

Ông Miên mong sẽ sớm đón nhà đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản đến làm việc trực tiếp và lựa chọn Đà Nẵng là điểm đến đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Đánh giá về môi trường kinh doanh, ông Onose Takahisa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, cho biết, Đà Nẵng là địa phương có nhiều thuận lợi như đô thị phát triển tập trung, đường kết nối tới sân bay thuận lợi, ít tắc đường.

Cơ sở hạ tầng hoàn thiện với hạ tầng giao thông được nâng cấp đáng kể trong 10 năm qua. Nguồn cung cấp điện nước ổn định; Lực lượng lao động chất lượng cao, dồi dào, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, trong đó có trường đại học với các doanh nghiệp CNTT diễn ra mạnh mẽ.

Tạo lợi thế cạnh tranh

Để phục vụ cho mục tiêu ngành công nghiệp ICT đóng góp 15% vào GRDP của Đà Nẵng, ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, TP đã và đang đầu tư, thu hút đầu tư vào 6 khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin và công viên phần mềm. Việc đầu tư, đưa vào hoạt động các khu này sẽ đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động cho các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.

Tạo điều kiện cho các DN, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhận định, chiến lược thu hút đầu tư của Việt Nam là tận dụng các lợi thế cạnh tranh mới. Ban hành khung chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đảm bảo quy định quản lý trong các lĩnh vực sẽ khuyến khích các mô hình công nghệ mới trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích công cộng. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể đến Việt Nam thử nghiệm các công nghệ mới.

{keywords}
Đà Nẵng mời gọi doanh nghiệp ICT Nhật Bản đầu tư

Việt Nam tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng mạng di động viễn thông, nâng cấp mạng di động 4G, sớm thương mại hóa mạng di động 5G; rà soát, phát triển hạ tầng số tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu bùng nổ kết nối và xử lý dữ liệu, nhu cầu đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia, tạo tiền đề cho sản xuất thông minh.

Bên cạnh đó, sẽ rà soát, ban hành hệ thống ưu đãi thuế cao nhất cho các doanh nghiệp công nghệ, đồng thời xem xét thiết kế các gói ưu đãi đặc thù cho các doanh nghiệp có các dự án đầu tư quy mô lớn, đầu tư vào R&D và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.

Việt Nam cũng ban hành chương trình chuyển đổi quốc gia số với tiêu chuẩn đến năm 2030 trở thành quốc gia số. Kỳ vọng chương trình này sẽ tạo ra - bao trùm các lĩnh vực hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính, nông nghiệp, giao nhận - vận tải và hình thành một không gian hợp tác rộng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ bên ngoài vào kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Một trong những vấn đề “nóng” được các đại biểu đưa ra là làm sao đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ tiếng Nhật để cung ứng cho các DN đến từ Nhật Bản.

Về phía các DN, ông Onose Takahisa kiến nghị, để Đà Nẵng trở thành một Silicon Valley, Bộ TT&TT và thành phố Đà Nẵng cần tăng cường xúc tiến hoạt động truyền thông thông điệp về Đà Nẵng đến các thành phố lớn khác của Việt Nam (Hà Nội, TP.HCM) và mở rộng ra nước ngoài, từ đó mới thu hút được các nhà đầu tư cũng như nguồn lực đổ về Đà Nẵng trong thời gian tới.

Duy Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét