Trần Bá Dương, Trần Đình Long Lê Viết Hải, Nguyễn Đức Tài,... là những doanh nhân bị dính với tin đồn. Những thông tin không chính xác này đã ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.
Đại gia gặp tin đồn
Cổ phiếu STB tăng giữa lúc thị trường có tin đồn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương mua lại 180 triệu cổ phần của ngân hàng này (tương đương 10%) từ Kienlongbank (KLB). Tuy nhiên, các bên liên quan cũng như cơ quan quản lý chưa đưa ra thông tin này. Tuy nhiên sau đó, đại diện Thaco khẳng định chưa có hoạch đầu tư vào cổ phiếu STB trong giai đoạn hiện nay.
Hiện tại, nhiều tổ chức và cả các ngân hàng nắm giữ cổ phần Sacombank và có những đơn vị đã xử lý bán cổ phiếu STB để thu hồi nợ như trường hợp Eximbank. Hồi tháng 6/2020, Eximbank đã được Ngân hàng Nhà nước đã cho phép bán gần 75 triệu cổ phiếu Sacombank để thu hồi 746 tỉ đồng nợ vay. Tuy nhiên, trường hợp Kienlongbank đã rao bán vài lần nhưng giá STB hiện khá thấp cho nên chưa thành công.
Ông Trần Bá Dương |
Sacombank gần đây tái cấu trúc mạnh mẽ sau khi về tay ông Dương Công Minh. Trong 6 tháng đầu năm, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng, gần tương đương với cùng kỳ năm trước.
Loạt tin đồn gây thiệt hại tiền tỷ
Tin đồn trên thị trường chứng khoán trong vài năm gần đây vẫn khá nhiều và nó ảnh hưởng không nhỏ tới các cổ đông, nhà đầu tư và chính các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã bác bỏ thông tin lan truyền trên hệ thống quảng cáo của Google cho rằng Chủ tịch HPG Trần Đình Long đầu tư bitcoin. Thông tin này sai sự thật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân tỷ phú Trần Đình Long.
Hồi cuối tháng 5 đầu tháng 6, giới đầu tư lan truyền nhau tin đồn Bộ Công thương mua lại Sabeco từ tay người Thái trong bối cảnh giá cổ phiếu này giảm mạnh. Tin đồn cho rằng, Thaibev của tỷ phú muốn chuyển nhượng cổ phần tại Sabeco sang một nhà đầu tư khác, nhưng các doanh nghiệp ngoại như Budweiser APAC hay Saporo đều không mặn mà. Bộ Công Thương có thể sẽ mua lại số cổ phần của Sabeco với mức giá 130 ngàn đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mức khoảng 320.000 đồng/cp mà Thaibev mua vài năm trước.
Đại gia từng dính tin đồn |
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) của ông Lê Viết Hải là doanh nghiệp dính nhiều tin đồn và gần đây là tin đồn về cổ phiếu HBC của Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ - ông Lê Viết Hải bị bán giải chấp.
Trước đó, những tin đồn liên quan tới CTCP Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài, hay ông Trần Bắc Hà BIDV... đã ảnh hưởng không nhỏ tới chính cổ phiếu đó và cả thị trường chứng khoán. Có những trường hợp thị trường ghi nhận những phiên giảm mạnh, bốc hơi hàng tỷ USD vì tin đồn.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sắp đưa tàu lặn về Việt Nam
Phó Tổng giám đốc Vingroup - ông Đặng Thanh Thủy nêu tại một toạ đàm gần đây cho hay, cuối năm 2020, Vingroup sẽ cho ra mắt tàu lặn vô cực, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Con tàu này từng gây xôn xao truyền thông quốc tế hồi tháng 5 vừa qua.
Tàu lặn Triton DeepView24 mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng đặt mua để phục vụ khách hàng Vinpearl gây kinh ngạc với cửa sổ có góc nhìn siêu thực, và có thể đưa du khách thoải mái lặn xuống biển ở độ sâu lên tới 100m hệt như trong phim Hollywood “Aquaman”.
Triton Submarines, công ty nổi tiếng chuyên chế tạo các loại tàu dưới nước, là đơn vị thực hiện chế tạo DeepView24.
Ông Phạm Nhật Vượng đặt mua tàu ngầm thám hiểm |
Công ty này cũng từng chế tạo Limiting Factor - chiếc tàu ngầm đã thực hiện kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" khi lặn đến điểm sâu nhất của Đại dương -10.927m, dưới mực nước tại khe nứt Mariana.
Đại diện Công ty Triton Submarines cho biết "DeepView24 là tàu ngầm du lịch được trang bị nhiều tiến bộ công nghệ nhất được bán ra thị trường trong suốt 2 thập kỷ qua.
Chủ tịch Bamboo Airways: “Sức bật của thị trường nói lên tất cả”
Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết cho hay: "Cuối tuần vừa rồi, tôi lên sân bay Nội Bài, chứng kiến cảnh xe ô tô bắt đầu nườm nượp ra vào ga, bắt đầu lại thấy cảnh ùn tắc và ồn ào. Bình thường thì hẳn chúng ta đều thấy phiền hà, nhưng vào thời điểm này, cảnh tượng ấy lại làm tôi thấy vui khó tả. Chỉ riêng sân bay Nội Bài tuần vừa rồi mỗi ngày đã đón xấp xỉ 30 nghìn lượt hành khách, tăng gấp khoảng ba lần so với cùng kỳ tháng trước.
Hoặc tại sân bay Đà Nẵng, hiện số khách Bamboo đang vận chuyển mỗi ngày ước tính đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn bùng dịch lần hai vừa qua".
Kỳ tích của những tháng đầu mùa hè vừa qua, nay một lần nữa đang lặp lại. Điều ấy khẳng định một cách mạnh mẽ sự dẻo dai kiên cường của cả thị trường hàng không Việt Nam nói chung và Bamboo Airways nói riêng.
Đối với mạng bay quốc tế, mọi nguồn lực của Bamboo đã sẵn sàng cho việc khôi phục và mở mới. Các đường bay đi Đài Loan, Hàn Quốc sẽ tái khởi động ngay từ tháng 9, chuẩn bị mở mới nhiều tuyến bay đến Nhật Bản, Singapore, Úc vào quý 4/2020, đến Đức và Anh vào quý 1/2021.
Ông Nguyễn Đức Chi làm Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước
Theo nguồn tin, ông Nguyễn Đức Chi sẽ rời ghế Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để sang đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước.
Được biết, ông Nguyễn Đức Chi sinh năm 1970, quê quán Hà Nội, có trình độ thạc sỹ kinh tế. Ông từng đảm nhiệm các vị trí Chánh văn phòng Bộ Tài chính, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính. Ông Chi được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV SCIC từ ngày 28/12/2015.
Dưới thời ông Nguyễn Đức Chi, SCIC đã liên tục thực hiện thoái vốn tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã CK: SAB); CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã CK: VNM); Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã CK: VCG).
Nữ đại gia Việt giảm phụ thuộc Trung Quốc
HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) vừa thông qua Nghị quyết tạm ứng cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 20% (tương đương 2.000 đồng/cp). Nguồn vốn trả cổ tức sẽ lấy từ lợi nhuận giữ lại chưa phân phối đến 31/12/2019.
Với gần 182 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến VHC sẽ chi hơn 360 tỷ đồng để trả cổ tức.
Đây là một tín hiệu khá tích cực đối với VHC. Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh là một doanh nghiệp thủy sản chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 với kết quả kinh doanh giảm khá mạnh trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, thời điểm khó khăn nhất đã qua đi và doanh nghiệp này có thể sẽ chứng kiến hoạt động kinh doanh sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm.
Theo báo cáo mới nhất, doanh thu xuất khẩu sang châu Âu trong tháng 8 của VHC tăng ấn tượng 40% sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực kể từ đầu tháng 8.
Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ duy trì ổn định. Ngược lại, doanh thu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sụt giảm đáng kể.
Trong tháng 8, tổng doanh thu của VHC giảm nhẹ 5% so cùng kỳ, chủ yếu do sự sụt giảm doanh số của các sản phẩm cá tra. Tuy vậy, việc kinh doanh tích cực của các dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe, sản phẩm giá trị gia tăng cao bù lại phần nào sự đi xuống của mảng chủ lực cá tra.
Theo CTCK BSC, dây chuyền mở rộng Collagen và Gelatin (tăng 75% công suất lên 3.500 tấn thành phẩm/năm) sau khi hoàn thành vào cuối tháng 8/2020 có thể đóng góp doanh thu và lợi nhuận từ cuối năm 2020 trở đi.
Bảo Anh (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét