Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Một nghị quyết ra đời, mỗi tháng xử lý hàng ngàn tỷ nợ xấu ách tắc

Một quyết định được đưa ra cách đây 3 năm đã góp phần giúp ổn định thị trường tài chính, giúp ngành ngân hàng trụ vững, vượt qua ảnh hưởng Covid-19.

Nghị quyết tạo bước ngoặt

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tới cuối tháng 8/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng là 1,96%, đáp ứng được mục tiêu dưới 2% đặt ra trước đó.

Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2% bởi trước đó nợ xấu đã được kéo xuống khá thấp, từ 2,46% cuối năm 2016 xuống 1,99% cuối 2017 rồi 1,91% vào cuối 2018 và 1,63% cuối 2019.

Đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp lao đao, hệ thống ngân hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ. Nợ xấu do vậy tăng khá nhanh nhưng đáng mừng là vẫn trong tầm kiểm soát.

Tại Diễn đàn "Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cùng với các chuyên gia đã có những đánh giá về một quyết định quan trọng được đưa ra cách đây hơn 3 năm: Nghị quyết 42//2017/QH14.

Nghị quyết 42 giúp các ngân hàng rất nhiều trong quá trình tái cấu trúc, xử lý nợ xấu thêm hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng và giúp các ngân hàng vươn lên mạnh mẽ, có kết quả gia tăng quy mô vốn cũng như lợi nhuận ấn tượng.

{keywords}
Hệ thống ngân hàng xử lý nợ xấu khá hiệu quả vài năm gần đây.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, Nghị quyết 42 là văn bản có giá trị pháp lý rất quan trọng, khi lần đầu tiên các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội. Nghị quyết 42 tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi nhằm đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu.

Cùng với Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 1058 về Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Quyết định số 1058 tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm từ thực tế triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới mô hình quản trị, điều hành; nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng đa dạng và hiện đại hóa các sản phẩm dịch vụ...

Theo ông Trần Đăng Phi - Phó Chánh Thanh tra NHNN, đến nay, khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng và xử lý nợ xấu được hoàn thiện phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam; sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu giảm dần qua các năm. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước quan trọng, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát. 

Ông Trần Đăng Phi cho biết, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7.150 tỷ đồng/tháng, cao hơn 3.630 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

{keywords}
Tỷ lệ nợ xấu được dự báo gia tăng vì đại dịch Covid-19.

Nỗi lo sau thời điểm quan trọng

Ông Đỗ Giang Nam - Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), cho rằng, Nghị quyết 42 đã khẳng định rõ ràng hơn quyền của chủ nợ của VAMC và TCTD; góp phần nâng cao ý thức của cá nhân, tổ chức trong việc trả nợ; tạo động lực khuyến khích các TCTD bán nợ xấu theo giá trị thị trường; giúp tạo lập thị trường mua bán nợ theo giá thị trường, bảo đảm nguyên tắc thị trường trong xử lý nợ xấu.

Phó Thống đốc Kim Anh nhận định, đến nay, Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 đã đi vào triển khai được hơn 3 năm, có thể khẳng định các giải pháp đồng bộ trong hai văn bản quy phạm trên đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD gắn với các mục tiêu phát triển ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nghị quyết này chỉ mang tính chất thí điểm, có hiệu lực 5 năm kể từ ngày 15/08/2017. Do đó, sau thời điểm Nghị quyết 42 hết hiệu lực, nếu không có văn bản thay thế thì có thể làm quá trình xử lý TSBĐ bị kéo dài, các nhà đầu tư mua, bán nợ xấu nghi ngại về khả năng xử lý các khoản nợ đã mua để thu hồi vốn.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cuối năm 2020 và năm 2021 sẽ là thời điểm rất khó khăn với hệ thống ngân hàng. Nợ xấu sẽ tăng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3% cuối năm 2020 và 4% trong năm 2021; trong khi xử lý nợ xấu khó khăn hơn. Lợi nhuận ngân hàng cũng sẽ sụt giảm, ước tính giảm 20-25% trong năm 2020.

Theo ông Đỗ Giang Nam, vì Nghị quyết 42 chỉ mang tính thời điểm nên cần có văn bản pháp lý thay thế khi nghị quyết này hết hiệu lực. Một khó khăn khác là hành lang pháp lý cho phát triển thị trường mua bán nợ còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường. Chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ làm cơ sở cho các tổ chức thẩm định giá thực hiện.

Theo đó, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện; có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư (kể cả nhà đầu tư nước ngoài) tham gia thị trường mua bán nợ (tăng quyền của chủ nợ); thành lập Hiệp hội các AMC nhằm kết nối, chia sẻ thông tin; minh bạch thông tin về hàng hóa (nợ xấu và tài sản bảo đảm).

Đặc biệt, để luật hóa Nghị quyết 42 và hoàn thiện hành lang pháp lý, cần: Sớm luật hóa Nghị quyết 42 trước khi nghị quyết hết hiệu lực để tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thống nhất trên cơ sở kế thừa những quy định tại nghị quyết này có tác động tích cực đến quá trình xử lý nợ; Đồng thời xem xét sửa đổi một số Luật chuyên ngành liên quan: Luật Đất đai, Bộ Luật dân sự... để đồng bộ với các quy định tại Nghị quyết 42.

M. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét