Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Kích cầu du lịch nội địa: Thận trọng, thăm dò

Việt Nam kích cầu du lịch nội địa trong bối cảnh không nhiều yếu tố thuận lợi. Vì thế, dù lập tức tung ra nhiều tour tuyến giảm giá, song các DN lữ hành lần này thận trọng hơn, vừa làm vừa thăm dò theo kiểu “ăn chắc mặc bền”.

Vừa làm vừa thăm dò

Nhận định về đợt kích cầu du lịch nội địa lần hai, ông Nguyễn Đức Chí, chuyên gia du lịch, cho rằng bối cảnh kích cầu lần này có nhiều yếu tố không thuận lợi, như tâm lý người Việt e dè hơn khi lo ngại dịch có thể bùng phát tại các điểm đến vốn tưởng là an toàn nhất (điển hình như Đà Nẵng, Đà Lạt vừa qua). Tâm lý khách chưa thực sự ổn định, yên tâm nên chưa vội vàng tính chuyện đi du lịch.

Hơn nữa, mối liên kết giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ để tạo thành sản phẩm tour cho khách thời điểm này đã bị đứt gãy. Các công ty du lịch gặp vô vàn khó khăn khi rơi vào tình huống bất khả kháng: bên cung cấp dịch vụ (hàng không) chôn tiền, khách du lịch thì đòi tiền.

{keywords}
Bao giờ Hội An mới đông khách du lịch trở lại như thế này?

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism JSC) Nhữ Thị Ngần chia sẻ, ảnh hưởng nặng nhất là sau đợt dịch Covid-19 đợt 1. Hầu hết các doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư dịch vụ cho cả năm nên thiệt hại rất nặng.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh, dòng tiền mặt như là máu, song nguồn tiền của các doanh nghiệp bị “om” tại các hãng hàng không đã gần một năm. Nguồn thu là “âm”, chỉ có chi ra để duy trì doanh nghiệp.

Vì thế, nhiều đơn vị du lịch không thể hoặc dám đặt cọc vé máy bay, nếu muốn giữ trăm chỗ thì phải bán tour tốt, nay không dám vì tour khó bán hơn trước. Còn nếu chờ gom khách, một tuần trước khi đi mới mua vé máy bay thì may rủi, liệu hàng không còn lượng lớn chỗ như vậy không?

Các khách sạn mặc dù cũng rất sốt ruột, nhưng bản thân thua lỗ, nên cũng nghe ngóng, không dám mở cửa nhiều, mở đồng loạt nên khó có thể tạo ra được chiến dịch lớn.

“Sự đứt gãy giữa lữ hành và phía cung ứng dịch vụ, tuy đã nối lại nhưng chưa chắc chắn, nên các công ty du lịch không dám làm mạnh”, ông Chí nói với PV. VietNamNet.

Do đã thấm đòn nên đợt kích cầu lần hai này, các DN lữ hành thận trọng hơn, không thể bung ra làm lớn. Khó có chuyện giảm giá tour mạnh như trước mà hầu hết làm nhỏ lẻ, ăn chắc mặc bền, theo dõi tình hình tour tuyến ra sao, lượng khách đi như thế nào.

Ngoài ra, trước những khó khăn nội tại của doanh nghiệp, vốn đã thua lỗ nếu có rủi ro nữa xảy ra thì ai, cơ quan nào sẽ giải quyết cho họ. Vì thế, mọi hoạt động vẫn trong trạng thái thăm dò, nhất là với các DN du lịch nhỏ.

{keywords}
Tâm lý du khách giờ muốn sống hướng nội, riêng tư, đi vào chiều sâu nhiều hơn là dịch chuyển; xu hướng đi nhóm nhỏ, gia đình và mang tính gắn kết nhiều hơn.

Vì thế, trao đổi với báo chí, nhiều đơn vị lữ hành cho hay bình thường thời điểm này việc đặt cọc vé máy bay và khách sạn cho mùa Tết đã xong xuôi, nhưng thực tế vẫn chưa dám làm gì. Tại một số công ty, tuy bắt đầu có khách trở lại từ giữa tháng 9, nhưng do chưa thể nhận định thị trường sẽ tăng trưởng ra sao nên việc chuẩn bị dịch vụ thời gian tới vẫn cầm chừng.

Giờ khó khăn, nhạy cảm, khó đoán hơn nên phải chờ 1-2 tuần nữa tức là qua tháng 9, nếu tình hình dịch bệnh ổn định, luồng khách lên, khi đó nắm được thị phần khách tại các điểm đến thì mới có thể tính tiếp - đại diện một công ty du lịch cho biết.

Bung tour kéo khách đi du lịch

Mặc dù vậy, theo bà Nhữ Thị Ngần, kích cầu du lịch là rất cần thiết để tạo đà cho các hoạt động du lịch bình thường trở lại, tạo tiền đề cho du lịch hồi phục trong thời gian tới.

Trên thực tế, tại nhiều công ty lữ hành, khách đi du lịch đã có trở lại từ dịp nghỉ lễ 2/9. Đó là nguồn khách đoàn như doanh nghiệp, trường học, xí nghiệp, với các tour tổ chức linh hoạt, gọn nhẹ.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TST Tourist, xác nhận lượng khách đã trở lại. Ngoài 300 khách đi Côn Đảo, trong tháng 9, có trên 900 khách, bao gồm tour đoàn DN, nhóm khách gia đình đi tour riêng và tour theo lịch khởi hành định sẵn của TST Tourist đi Phan Thiết và một số đoàn khách khác với quy mô 30-50 khách.

Theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc truyền thông lữ hành Fiditour, nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, dự đoán tour đoàn sẽ tăng trở lại từ nay đến cuối năm với các đoàn lớn, với số lượng từ 100-500 khách. Fiditour cũng đang xúc tiến hợp đồng và làm việc với nhiều khách hàng khối khách đoàn cho kế hoạch tour MICE, team building,... từ tháng 10-12.

{keywords}
Mùa lúa chín Tây Bắc đang hút khách du lịch

Tại phía Bắc, các công ty lữ hành chủ yếu chào bán tour đi biển phía Nam, như tới Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Yên, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, các tỉnh Tây Nguyên mùa hoa dã quỳ và các tỉnh miền Tây mùa nước nổi.

Ngoài ra, giờ là mùa lúa chín, mùa hoa tam giác mạch ở phía Bắc nên các đơn vị lữ hành cũng tập trung khai thác các tour đi Sa Pa, Mù Cang Chải, Hồ Ba Bể, thác Bản Giốc, Hà Giang, Mai Châu - Pù Luông,... khởi hành liên tục từ tháng 9.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours, nhận xét, so với lần kích cầu đợt 1, lần kích cầu thứ 2 này giá tour không còn là yếu tố quá hấp dẫn, quan trọng sản phẩm mới lạ, độc đáo, mang lại nhiều trải nghiệm khác biệt cho du khách. Thay vì tập trung ồ ạt tất cả các tuyến, công ty thiên về lựa chọn các điểm đến an toàn.

Bà Ngần cũng cho rằng, du khách đang có tâm lý ngại đi đoàn đông. Yêu cầu của khách cũng thay đổi rất nhiều, dịch vụ phải mang tính chuyên nghiệp hơn, trải nghiệm đặc biệt hơn chứ không chỉ đơn thuần là tham quan rồi ăn, uống, ngủ, nghỉ nữa. Nhu cầu tìm kiếm những trải nghiệm mới, khác biệt, vì thế các sản phẩm từ đây về sau sẽ phải gắn với giá trị mang lại cho khách hàng, chứ không đơn giản là bán tour, tổ chức tour như trước.

Hơn nữa, truyền thông về điểm đến an toàn cần được đặc biệt lưu ý, bởi đây là yếu tố quan trọng để khách du lịch xác định có “xách ba lô lên đường” hay không. Ý tưởng xây dựng ứng dụng bản đồ số về các vùng có dịch và vùng an toàn là cần thiết, nên được gấp rút triển khai để thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường nội địa.

Ngọc Hà  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét