Chỉ số Tiền điện tử Bloomberg Galaxy đã tăng 66% trong năm 2020, vượt mức tăng hơn 20% của giá vàng. Nhiều chuyên gia cảnh báo thị trường tiền điện tử thường biến động rất dữ dội.
Cơn sốt tiền điện tử có tên tài chính phi tập trung, hay DeFi, đã giúp tiền kỹ thuật số trở thành tài sản hoạt động tốt nhất trong năm nay.
Chỉ số Tiền điện tử Bloomberg Galaxy - chỉ số đo lường hiệu suất của những đồng tiền điện tử phổ biến nhất - đã tăng 66% trong năm 2020, vượt mức tăng hơn 20% của giá vàng. Một trong những nguyên nhân chính là sự gia tăng của Ethereum, chiếm hơn 1/3 trọng lượng tiền điện tử.
Theo ông Mike McGlone, chiến lược gia tại Bloomberg Intelligence, việc áp dụng tài chính phi tập trung (DeFi) đã thúc đẩy sự gia tăng của Ethereum.
Chỉ số Tiền điện tử Bloomberg Galaxy đã tăng tới 66% trong năm 2020. Ảnh: Reuters. |
Đánh bại vàng
DeFi là một hệ sinh thái bao gồm các ứng dụng tài chính được xây dựng dựa trên mạng lưới blockchain. Tại đây, người dùng có toàn quyền kiểm soát tài sản và tương tác thông qua ứng dụng mạng ngang hàng, ứng dụng phi tập trung mà không cần bất cứ cơ quan trung tâm nào.
Người dùng được thực hiện các hoạt động như cho vay, vay vốn, kiếm lãi từ một khoản tiết kiệm trung gian. Xu hướng sử dụng blockchain rộng rãi giúp DeFi ngày càng phổ biến. Nhiều ứng dụng DeFi chạy trên chuỗi khối Ethereum.
Theo Fasset, công ty vận hành thị trường dựa trên blockchain để đầu tư cơ sở hạ tầng, mức tài sản thế chấp của DeFi đã tăng từ 700 triệu USD hồi đầu năm lên 9 tỷ USD. Ngoài DeFi, đồng Bitcoin cũng được xem là một tài sản giữ giá trong bối cảnh các gói kích thích khổng lồ chống lại tác động của đại dịch có thể gây ra lạm phát và khiến đồng USD suy yếu.
"Thị trường tiền điện tử đã hoạt động tốt trong suốt cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19, một phần nhờ đồng Bitcoin trở thành tài sản 'trú ẩn' an toàn giống vàng", Bloomberg dẫn lời ông Marc Fleury, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ tài chính và Quản lý tài sản Tiền điện tử Two Prime, bình luận.
"Đó là một công cụ hoạt động tốt khi nền kinh tế bị đình trệ", ông nói thêm.
Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố quyết định giữ mức lãi suất thấp cho đến năm 2023. Ảnh: Reuters. |
Tháng 3 năm nay, giá Bitcoin rơi xuống mức đáy 4.904 USD do thị trường bất ổn vì tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5, giá đồng Bitcoin tăng trở lại quanh ngưỡng 9.000 USD và vượt kỷ lục 12.000 USD vào tháng 8.
Theo CNN, các chuyên gia thị trường cho biết đồng Bitcoin tăng giá do đồng USD yếu đi trầm trọng. Những tháng gần đây, giá đồng bạc xanh lao dốc do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất thấp và nền kinh tế Mỹ suy thoái vì tác động của dịch Covid-19.
Trong cuộc họp chính sách hôm 16/9, FED tuyên bố quyết định giữ lãi suất gần 0% cho đến năm 2023. Chủ tịch FED Jerome Powell đưa ra cảnh báo về một nền kinh tế phục hồi chậm chạp và cần thêm sự hỗ trợ từ chính phủ.
Theo ông Powell, FED sẽ duy trì mức lãi suất hiện tại cho đến khi thị trường lao động phục hồi theo đúng kỳ vọng và lạm phát tăng lên 2%. Đây là một chặng đường dài khi số người Mỹ mất việc làm từ tháng 2 vẫn lên đến 11,5 triệu người. Lạm phát trung bình trong 12 tháng qua chỉ 1,3%.
Biến động thất thường
Giám đốc điều hành của MicroStrategy Michael Saylor cho biết sau quyết định nới lỏng mục tiêu lạm phát mới đây của FED, ông đã chuyển toàn bộ tiền mặt của công ty vào đồng Bitcoin.
"Chúng tôi khá tự tin rằng đồng Bitcoin ít rủi ro hơn việc giữ tiền mặt, thậm chí an toàn hơn giữ vàng", ông bình luận.
Giá vàng thế giới hiện đứng trước đợt sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 8, giảm hơn 70 USD/ounce chỉ trong vòng một tuần. Ở phiên giao dịch ngày 22/9 (theo giờ New York), giá vàng giao ngay trên sàn Kitco giảm về ngưỡng 1.880 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7.
Nhiều người cho rằng tiền điện tử ít rủi ro hơn vàng. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo thị trường tiền điện tử thường biến động dữ dội. Nguyên nhân của đà tăng giá chỉ đơn giản là làn sóng thanh khoản. Một số người khác nhận định DeFi không phi tập trung như hứa hẹn.
Chỉ số Tiền điện tử Bloomberg Galaxy đã giảm hơn 8% trong ba phiên tính đến ngày 22/9 do tâm lý của nhà đầu tư. Chỉ số này đã giảm hơn 20% so với mức cao hồi tháng 8.
"Sự phục hồi của sức mạnh đồng USD đã đè nặng lên tất cả tài sản rủi ro. Tiền điện tử có thể 'hụt hơi' sau khi tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 12 tháng hồi tháng 8", ông Edward Moya, chuyên gia phân tích cao cấp tại Công ty Giao dịch ngoại hối Oanda, bình luận với Zing.
Nhìn chung, sự quan tâm của giới đầu tư đối với tiền điện tử đang ngày càng lớn khi thị trường phái sinh cho Bitcoin và Ethereum mở rộng. "DeFi giúp các nhà đầu tư quan tâm hơn đối với hợp đồng Ethereum. Ngày càng nhiều người dùng tiền điện tử chuyển sang những công cụ phái sinh để tối đa hóa lợi nhuận của họ", ông Aziz Zainuddin, Giám đốc sản phẩm tại Fasset, nhận định.
(Theo Zing)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét