An Giang mong muốn đến năm 2025, kinh tế của tỉnh nằm trong nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước.
Ngày 24/9/2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc với sự tham gia của 349 đại biểu đại diện cho 64.600 đảng viên trên toàn tỉnh.
Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, các ủy viên Trung ương, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và các nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI |
Với phương châm "Dân chủ - đoàn kết - khát vọng - phát triển", Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang có chủ đề: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khát vọng phát triển, xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, dân chủ, đổi mới, sáng tạo; giữ vững quốc phòng an ninh; khai thác tốt lợi thế và tiềm năng, tạo động lực mới để đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước”.
Phát biểu khai mạc, bà Võ Thị Ánh Xuân- Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X, An Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Kinh tế của tỉnh tăng trưởng qua từng năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, kết cấu hạ tầng đô thị và diện mạo nông thôn phát triển khá đồng bộ.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng của đội ngũ đảng viên được nâng lên.
Hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng hiệu lực, hiệu quả, tạo được sự đồng thuận, tin cậy trong cán bộ và Nhân dân.
Bà Xuân cho biết, nhiệm vụ của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI là để nhìn lại quá trình phấn đấu ở nhiệm kỳ qua, xác định vị trí của Đảng bộ và địa phương trong tiến trình phát triển chung của Đảng, của đất nước.
Rút ra những kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị.
"Từ đó, đề ra mục tiêu cao hơn, giải pháp cụ thể hơn, hành động quyết liệt hơn cho sự phát triển của nhiệm kỳ tiếp theo", bà Xuân khẳng định.
Bí thư Tỉnh uỷ An Giang mong muốn, đại biểu tham dự Đại hội sẽ phát huy trí tuệ, trách nhiệm cao nhất, đại diện cho toàn thể đảng viên của Tỉnh đóng góp để ban hành Nghị quyết Đại hội sát đúng, thể hiện được ý chí của Đảng bộ và nguyện vọng của nhân dân.
Bí thư Tỉnh uỷ An Giang Võ Thị Ánh Xuân phát biểu |
Bên cạnh đó, với tinh thần dân chủ, công tâm, khách quan, Đại hội có nhiệm vụ hết sức quan trọng là bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm một tập thể có đủ phẩm chất đạo đức, trí tuệ và năng lực thực tiễn, thật sự đoàn kết, thống nhất, bảo đảm tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đề ra.
Đồng thời, xem xét, lựa chọn những đồng chí thật sự tiêu biểu của Đảng bộ để bầu vào Đoàn đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần cho sự thành công của Đại hội.
Phát triển nhanh và bền vững
Trình bày Báo cáo Chính trị tại Đại hội về tổng kết kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng (tăng 16 triệu đồng so với năm 2015).
Ngoài ra, hầu hết các chỉ tiêu về xã hội đều đạt và vượt so với nghị quyết đề ra. Trong đó, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,93%, giảm bình quân 1,5%/năm. Công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu được quan tâm thực hiện, có giải pháp khắc phục kịp thời các vùng bị sạt lở và chăm lo ổn định cuộc sống.
Công tác quân sự, quốc phòng được quan tâm thường xuyên. An ninh, chính trị, trật tự - an toàn xã hội được giữ vững.
Quan hệ đối ngoại được mở rộng cả về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến trên nhiều mặt, góp phần nâng cao lòng tin trong nội bộ và các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Đại hội |
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng Đề cập các mục tiêu đến năm 2025, ông Bình cho biết, quan điểm của tỉnh phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Ông Bình nhấn mạnh, An Giang quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển của An Giang.
Nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế; chú trọng phát triển các ngành nghề vừa tăng thu nhập của người dân, vừa tạo nguồn thu ngân sách.
Phát triển kinh tế - xã hội của An Giang được đặt trong sự tương tác với các vùng miền cả nước, nhất là khu vực ĐBSCL.
Tỉnh tăng cường phối hợp và liên kết với các địa phương trong vùng trên tất cả các lĩnh vực để phát triển bền vững.
Ông cho biết, mục tiêu phát triển tổng quát của tỉnh trong 5 năm tới là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy dân chủ, kỷ cương; khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế.
Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh.
Phấn đấu đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước.
An Giang xác định 3 khâu đột phá gồm thứ nhất: đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch.
Thứ hai, nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Thứ ba, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn.
Tỉnh phấn đấu trong 5 năm tới tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt từ 6,5% - 7%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 70,4 - 72,2 triệu đồng/người/năm, tương đương từ 2.563 - 2.626 USD.
Tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm đạt từ 164,6 đến 176 nghìn tỉ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 5.285 triệu USD, thu ngân sách từ kinh tế đạt 41.303 tỉ đồng, tỉ lệ cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đến năm 2025 đạt 90%...
Giai đoạn 2025 – 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7% - 7,5%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt từ 112,59 – 115,280 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 220 - 227 nghìn tỉ đồng.
Theo An Giang, đại hội lần này là đợt sinh hoạt sâu rộng, nhằm tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ.
Động lực cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân An Giang cho biết, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh gặp nhiều tác động từ tình hình chính trị, kinh tế thế giới, trong nước, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, sạt lở, dịch bệnh diễn biến khó lường…
Nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua thách thức, khó khăn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Hoài Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét