Cơn "sốt đất" đang quay trở lại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh những giao dịch sôi động mang lại món lời lớn thì các "bẫy nhà đất" cũng khiến nhiều người lao đao.
Trong thời gian qua, vấn nạn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản liên quan đến lĩnh vực nhà đất diễn biến phức tạp. Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để phòng ngừa và nâng cao nhận thức của người dân, nhưng bằng nhiều mánh khóe và thủ đoạn, các đối tượng đã đưa hàng chục, thậm chí hàng trăm nạn nhân "vào bẫy".
Theo cơ quan CSĐT, những thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo nhiều nhất trong thời gian qua, đó là các doanh nghiệp bất động sản thu mua đất nông nghiệp rồi tự vẽ ra dự án "ma" để phân lô, bán nền. Hoặc kêu gọi góp vốn đầu tư với lãi suất cao…
Mặc dù cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần cảnh báo, nhưng vẫn có rất nhiều người bị lừa mua đất nền của các dự án không có thật, hoặc hám lãi suất cao để đầu tư, trong khi chưa tìm hiểu kỹ tính pháp lý của một bất động sản.
Tuy nhiên, một số người mua sập bẫy rồi vẫn chưa biết phải làm gì để đòi lại quyền lợi cho mình hoặc giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Theo các chuyên gia, người mua nên kiểm tra thông tin nhiều chiều trước khi quyết định mua BĐS. Trước hết, nên kiểm tra xem nhà ở có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hay không (bắt buộc phải xem được bản chính); tìm hiểu hồ sơ về bản vẽ thiết kế, giấy phép xây dựng, trước bạ, hoàn công chưa; tìm hiểu tại Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Quản lý đô thị ở quận/huyện về quy hoạch xem nhà có vướng quy hoạch treo không, cho xây dựng mới không; kiểm tra tầng cao tĩnh không, mật độ xây dựng, khoảng lùi, hệ số sử dụng đất;…
Người mua đất khi phát hiện mình đã thành nạn nhân sập bẫy lừa mua bán bất động sản, hãy lập tức soạn một tờ đơn ngăn chặn hoạt động mua bán nhà/đất đó gửi đến các cơ quan sau: Sở Tư pháp tỉnh/thành phố nơi có đất, các văn phòng công chứng trên địa bàn thành phố nơi có đất, văn phòng đăng ký đất đai Quận/huyện nơi có đất, UBND phường nơi có đất.
Mục đích của việc làm đơn là thông báo đến các cơ quan chức năng về tình trạng tranh chấp liên quan đến việc mua bán nhà/đất đó. Đơn được gửi sớm sẽ tránh cho mọi việc trở nên phức tạp và rối rắm hơn, bởi rất có thể kẻ lừa đảo sẽ tìm cách tẩu tán tài sản hoặc thực hiện thêm các giao dịch lừa đảo với những nạn nhân khác giống bạn.
Kèm theo đơn, hãy cung cấp các bằng chứng cụ thể mà bạn có được về việc tranh chấp hoặc hành vi lừa đảo của đối tượng, ví dụ như một bản thỏa thuận riêng giữa 2 bên, các giấy tờ ký kết giữa hai bên... Khi nhà, đất có tranh chấp, về nguyên tắc chung, cơ quan chức năng sẽ tạm ngừng các giao dịch như mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp… với nhà, đất đó. Như vậy mục đích của người lừa bán nhà đất sẽ không thể đạt được.
Sau đó, hãy tìm cách thông báo cho đối tượng rằng bạn đã phát hiện ra hành vi và sẽ có biện pháp nhờ tới pháp luật can thiệp. Tuy nhiên, bạn vẫn sẵn sàng đàm phán, giải quyết trong êm thấm để tránh rắc rối thêm cho hai bên. Khi hai bên đã đạt được thỏa thuận, bạn có thể lấy lại nhà, đất bằng việc soạn thảo và công chứng một số văn bản như Hợp đồng chuyển nhượng (chuyển lại nhà đất cho bạn), Văn bản thỏa thuận, Hợp đồng ủy quyền… tùy vào thực tế vụ việc.
Có một thực tế là nhiều khi người lừa và người bị lừa lại chính là những người thân, họ hàng trong gia đình. Có thể ban đầu họ không có ý định lừa, nhưng do lòng tham hoặc áp lực từ một số hoàn cảnh như nợ nần, làm ăn thất bại không trả được nợ nên mới dẫn đến hành vi lừa đảo. Vì thế, khi sự việc xảy ra rồi, dù bạn rất bức xúc và tức giận, muốn đưa ngay ra pháp luật nhưng hãy nhớ nếu đàm phán, thương lượng thành công thì vụ việc sẽ được giải quyết nhanh gọn và thuận lợi hơn.
Vậy nên bạn hãy bình tĩnh để "đàm phán" thật khéo léo và có những đe dọa cần thiết về tiến trình xử lý vụ việc trước pháp luật. Với những người lừa đảo "không chuyên" hoặc kẻ lừa đảo non gan, bạn có thể sẽ giải quyết được mọi việc trong êm đẹp mà không cần nhờ sự trợ giúp khá tốn công sức và thời gian từ pháp luật.
Trong trường hợp không thể thương lượng hãy làm đơn tố giác tới cơ quan CSĐT nơi có nhà đất tọa lạc, yêu cầu điều tra làm rõ vụ việc mình bị lừa đảo. Đồng thời, làm đơn gửi văn phòng đăng ký đất đai tạm ngừng các giao dịch trong thời hạn nhất định.
(Theo Gia Đình và Xã Hội)
Khi đất làng nổi 'sóng'
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, nhiều dự án mới được chấp thuận đầu tư ở các vùng nông thôn, miền núi đã kéo theo giá đất tăng phi mã.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét