Giá cả hàng hoá tăng ồ ạt, nhất là rau xanh. Mớ rau muống giá vọt lên 25.000 đồng, còn rau cải cúc giá cũng 10.000 đồng một mớ nhỏ xíu. Những ngày này, đi chợ trở thành nỗi ám ảnh của chị Thuỷ.
Lập gia đình đến nay gần 15 năm, cũng là từng ấy thời gian chị đảm nhận vai trò “tay hòm chìa khoá” chi tiêu chợ búa, chưa bao giờ chị Lê Thanh Thuỷ ở Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) lại cảm thấy chật vật như những ngày này.
Vợ chồng chị có công việc ổn định, song thu nhập chỉ ở mức trung bình. Vài năm nay, 2 đứa con của anh chị lên cấp 2 nên ngốn một khoản tiền kha khá. Mọi chi tiêu sinh hoạt chị phải căn chỉnh từng đồng sao cho phù hợp, nhất là khoản tiền đi chợ.
Chị thuộc tuýp người đơn giản trong nấu ăn, không làm các món quá cầu kỳ mà vẫn đau đầu. Bởi, nhà chị 6 miệng ăn, toàn là người lớn.
Chị kể, đi chợ giờ thành nỗi ám ảnh. Chị cảm thấy như “đánh rơi tiền” khi hàng hoá tăng giá ồ ạt. Sáng 17/3, chị ra chợ mua 20.000 đậu phụ bình thường vẫn được 5 bìa to, nay còn 4 bìa. Chị chủ hàng thì giải thích “giá xăng tăng, giá cước vận chuyển tăng, đậu tương cũng tăng nên giá đậu cũng tăng”.
Đi chợ giờ là nỗi ám ảnh của nhiều người khi giá các mặt hàng tăng mạnh (ảnh: BH) |
Đến hàng rau, loại nào cũng đắt. Mớ rau cải cúc bé tí xíu trước chỉ 3.000 đồng, có thời điểm 5.000 đồng/2 mớ thì giờ 10.000 đồng/mớ. Rau muống mớ to vọt lên 25.000 đồng, mồng tơi 15.000 đồng/mớ hay cây bắp cải 2kg cũng hết 55.000 đồng.
“Nửa cuối tháng 2, giá rau xanh đắt đỏ còn có lý do bởi rét đậm. Giờ nắng ấm dần, rau nhiều mà giá còn đắt hơn”, chị Thủy than thở. Một bữa cơm, riêng rau xanh nhà chị ăn dè cũng hết 20.000-30.000 đồng, tăng gấp 2-3 lần so với cuối năm ngoái.
Thế nhưng, không chỉ rau xanh mà giá cá, thịt, trứng cũng điều chỉnh tăng thêm 5.000-10.000 đồng tuỳ loại. Đáng nói, thịt lợn hơi xuất chuồng giá càng ngày càng giảm, nhưng giá thịt lợn tại chợ vẫn cứ đua tăng theo giá xăng. Ví như thịt ba chỉ, sườn giá tăng lên 130.000 đồng/kg. Giò lụa cũng tăng từ 180.000 đồng/kg lên 200.000 đồng/kg.
“Ngày trước, tiền mua thực phẩm chưa tính gạo, mắm, muối, trung bình một tháng hết khoảng 8 triệu đồng. Nay mọi thứ đều tăng giá, tôi nhẩm tính với số tiền này nếu vẫn giữ thói quen đi chợ như trước thì chỉ đủ cho 3 tuần”, chị Thuỷ chia sẻ.
Chưa tính các khoản tiền xăng, gas, tiền gạo, gia vị cố định hàng tháng, chỉ riêng tiền rau quả, thịt cá, trứng,... đi chợ mỗi ngày của gia đình chị Mai Thuỳ Giang ở Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng tốn thêm khoảng 20.000-30.000 đồng. Nếu tính tất cả các khoản chi phí sinh hoạt khi “bão giá” ập đến, một tháng đội lên 2-2,5 triệu đồng với gia đình 4 người như nhà chị.
“Với khoản thu nhập eo hẹp của hai vợ chồng khi đều là viên chức nhà nước, hàng tháng tôi phải tính toán rất kỹ từng khoản. Song, cứ đà tăng giá này thì vỡ trận, không thể tính nổi”, chị lo lắng.
Ghi nhận của PV. VietNamNet tại một số chợ truyền thống ở khu vực Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng,... giá các mặt hàng từ thực phẩm tươi đến thực phẩm khô đều được điều chỉnh tăng mạnh khi giá xăng tăng lên đỉnh lịch sử.
Đơn cử, giá thịt lợn ba chỉ, chân giò lọc xương, nạc vai giòn, sườn thăn tăng lên mức 130.000-140.000 đồng/kg; thịt mông sấn, vai sấn giá 95.000-100.000 đồng/kg, móng giò 80.000-85.000 đồng/kg; thịt bò dao động từ 270.000-350.000 đồng/kg...
Nhiều mặt hàng lương thưc, thực phẩm thiết yếu tăng giá mạnh theo giá xăng (ảnh: BH) |
Trong khi đó, thịt lợn CP tại một số cửa hàng được điều chỉnh lên mức 173.000 đồng/kg với thịt ba chỉ, sườn non 206.000 đồng/kg, nạc vai 170.000 đồng/kg, nạc thăn 143.000 đồng/kg, thịt đùi 120.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, những ngày này, giá rau xanh vọt tăng mạnh. Cụ thể, rau muống tăng lên 15.000-25.000 đồng/mớ, rau cải cúc và rau dền đều 10.000 đồng/mớ, cải ngọt 15.500 đồng/mớ, mồng tơi 10.000-14.000 đồng/mớ, cải canh cũng 10.000 đồng/mớ...
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1,42%. Nguyên nhân chính là giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới, cộng với giá lương thực, thực phẩm, ăn uống... tăng trong dịp Tết.
Chị La Thị Thùy Linh, bán đặc sản Tây Bắc ở Hai Bà Trưng, thừa nhận, tất cả các mặt hàng chị đang bán, từ hàng khô đến thực phẩm tươi sống, đều phải điều chỉnh tăng giá. Lý do, ngay khi giá xăng tăng mạnh chiều 11/3, các đầu mối bỏ sỉ hàng liền thông báo cước vận chuyển tăng.
Trước kia, một1 thùng xốp hàng chuyển từ Điện Biên xuống Hà Nội chỉ hết 70.000-130.000 đồng, nay tăng lên 100.000-150.000 đồng tuỳ trọng lượng. Chưa kể, giá hàng hoá các loại ở phía đầu sỉ cũng tăng vài ba nghìn đồng 1 kg.
Còn một số loại trái cây vận chuyển từ miền Tây ra Hà Nội, đi xe thường (không phải xe lạnh hoặc container lạnh) trước phí chỉ 2.500 đồng/kg, nay tăng lên 3.500 đồng/kg.
“Bán hàng ai cũng thích bán giá rẻ, vì khách sẽ mua nhiều. Nay giá cả tăng chóng mặt, tôi không điều chỉnh giá bán sẽ lỗ”, chị Linh nói. Chị lo ngại, giá cả tăng vọt, thu nhập không tăng, dân thắt chặt chi tiêu thành ra hàng hoá ế ẩm hơn rất nhiều.
Một số hệ thống siêu thị lớn cho hay, họ nhận được nhiều đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp khi giá xăng tăng cao. Theo đó, với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, nhà cung cấp đề nghị tăng giá trung bình 5-10%. Các mặt hàng đông lạnh cũng được đề xuất tăng giá. Song, phía siêu thị đang nỗ lực đàm phán để có mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng.
Châu Giang
Tăng không thấy đỉnh, triệu hộ dân Việt còng lưng gánh lỗ tiền tỷ
Hàng triệu hộ chăn nuôi lại tiếp tục quay cuồng trong “bão giá” khi những ngày gần đây doanh nghiệp dồn dập báo tin xấu, trong đó giá mặt hàng thức ăn chăn nuôi tăng không thấy đỉnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét