Cổ phiếu Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) lên đỉnh lịch sử trong bối cảnh doanh nghiệp này được hưởng thuế suất 0% và là nhà xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ.
Kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 17 (POR17) với cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ ngày 01/8/2019 - 31/7/2020, Việt Nam có 4 doanh nghiệp được hưởng mức thuế suất 0% khi xuất khẩu cá tra phile đông lạnh sang Mỹ.
Đó là: Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC), Thủy sản NTSF, VD TG và Navico.
Trong năm vừa qua, Vĩnh Hoàn của nữ hoàng thủy sản miền Tây Trương Thị Lệ Khanh là doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu cá tra lớn nhất sang Mỹ, trong số hơn 10 doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường này.
Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của các doanh nghiệp Việt Nam. Tính tới cuối tháng 2/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 94,57 triệu USD, tăng 119,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn gần đây ghi nhận thanh khoản tăng mạnh với hàng triệu cổ phần được chuyển nhượng mỗi phiên và giá tăng trở lại sau khi đã bứt phá gần 40% kể từ đầu năm, từ mức 60.000 đồng/cp lên đỉnh cao lịch sử: 87.300 đồng/cp ghi nhận vào ngày 23/3/2022.
Với mức giá này, vốn hóa của Thủy sản Vĩnh Hoàn đã lên gần 16 nghìn tỷ đồng. Bà Trương Thị Lệ Khanh nắm giữ hơn 79 triệu cổ phần VHC, trị giá hơn 6,9 nghìn tỷ đồng và là người giàu thứ 26 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tình hình nhập khẩu cá tra của Mỹ. |
Doanh thu xuất khẩu thuỷ sản trong 2 tháng đầu năm tăng mạnh và triển vọng cho năm 2022 gần đây tích cực với khả năng xuất khẩu cá tra tăng lên khi mà thế giới thiếu hụt cá phi lê của Nga trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine - Nga diễn ra khó lường.
Theo VASEP, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt 85,8 triệu USD, tăng 239,6% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 22,3%. Xuất khẩu cá tra sang khối thị trường CPTPP đạt 52,5 triệu USD, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cá tra sang EU bắt đầu từ năm 2022 có những hi vọng trở lại. Hai tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VDSC, nhiều doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam có thể bù đắp vào sự thiếu hụt sản phẩm cá trên thị trường khi mà Nga giảm xuất khẩu. Bên cạnh đó, sự hồi phục kinh tế toàn cầu sau đại dịch cũng giúp nhu cầu đối với các sản phẩm thủy sản tăng trở lại. Mỹ, EU và Trung Quốc tăng nhập các sản phẩm thủy sản. Thị trường Mỹ tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2022 nhờ các gói kích thích kinh tế của nước này. Tại châu Âu, thị trường này cũng khả quan đối với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nhờ việc giảm thuế của hiệp định EVFTA.
Các doanh nghiệp thủy sản sẽ chứng kiến doanh thu xuất khẩu tăng. Doanh thu và lợi nhuận ròng 2022 của Vĩnh Hoàn được dự báo sẽ tăng lần lượt 26% và 27% so với cùng kỳ.
Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất sang Mỹ năm 2021 |
Việc giá cá tra tăng mạnh trong thời gian gần đây, lên mức 30.000 đồng-32.000/cp, cao nhất trong vòng hơn 3 năm qua cũng là yếu tố giúp cổ phiếu VHC ở vùng đỉnh cao lịch sử.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán có thể được hưởng lợi từ nhu cầu thế giới gia tăng như: VHC, Nam Việt (ANV), Công ty I.D.I (IDI)…
Doanh nghiệp nhiều lĩnh vực khác cũng được dự báo hưởng lợi từ quá trình mở cửa nền kinh tế của Việt Nam và thế giới hậu đại dịch như hàng không VietJet (VJC), vận tải biển Vinaship (VNA), Vận tải biển Việt Nam (VOS), Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH), Gemadept (GMD), CTCP Container Việt Nam (VSC)… Gần đây các cổ phiếu này đều tăng mạnh.
Chưa bứt phá
Theo BSC, thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh vùng 1.505 điểm để tích lũy, lấy đà bật lên vùng kháng cự 1.520 điểm. Nếu không thành công, thị trường có thể quay về tích lũy quanh ngưỡng 1.485 điểm một vài phiên do hiện tại chỉ số đã đi khá xa so với các đường MA ngắn hạn và có thể quay trở lại test những đường này.
SHS lạc quan về xu hướng hiện tại và trong phiên giao dịch 24/3, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại để thu hẹp dần khoảng cách với ngưỡng kháng cự tiếp theo quanh 1.520 điểm (đỉnh tháng 2/2022) trong bối cảnh xu hướng tăng của VN-Index vẫn chưa có gì thay đổi với việc chỉ số này vẫn kết phiên trên ngưỡng tâm lý 1.500 điểm cũng như vùng hỗ trợ 1.485-1.490 điểm (MA20-50).
Chốt phiên giao dịch 23/3, chỉ số VN-Index giảm 1,44 điểm xuống 1.502,34 điểm. HNX-Index tăng 0,75 điểm lên 462,1 điểm. Upcom-Index giảm 0,22 điểm xuống 116,58 điểm. Thanh khoản đạt 33,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 28,0 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
V. Hà
Nóng bỏng cuộc chiến Ukraine - Nga, nữ hoàng miền Tây bất ngờ thắng lớn
Cuộc chiến giữa Ukraine - Nga khiến thế giới chao đảo, giá hàng hóa tăng mạnh và toàn cầu đối mặt với khó khăn. Tuy nhiên, khủng hoảng cũng là cơ hội và nhiều đại gia Việt ngược chiều bứt phá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét