Giá lợn lao dốc và chưa có dấu hiệu phục hồi, giá thành sản xuất tăng cao khiến nông dân còng lưng gánh lỗ tiền tỷ. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kêu gọi doanh nghiệp đừng vội tăng giá thức ăn, chia sẻ gánh nặng với người chăn nuôi.
Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho thấy, đàn lợn của nước ta đạt 28,1 triệu con vào cuối năm 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 4,18 triệu tấn. Tức, đàn lợn đã phục hồi hoàn toàn so với năm 2018 - thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện.
Cả nước có 20.843 cơ sở chăn nuôi lợn từ 10 con trở lên, với tổng đầu con 11,7 triệu con chiếm 41,6% tổng đàn lợn cả nước. Song, người chăn nuôi lợn vẫn chưa thể thoát khỏi khủng hoảng, bởi giá lợn hơi bấp bênh và có xu hướng giảm dần.
Cụ thể, từ tháng 1-8/2021, giá lợn hơi xuất chuồng giảm 30-35%, duy trì ở mức thấp 43.000-49.000 đồng/kg. Đến tháng 11/2021, tăng nhẹ lên trên 50.000 đồng/kg và tháng 12/2021, giá dao động quanh mức 54.000-57.000 đồng/kg, duy trì đến trung tuần tháng 2/2022.
Sang đầu tháng 3/2022, giá thịt lợn hơi giảm còn 50.000-53.000 đồng/kg..
Giá lợn vẫn tiếp tục xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi (ảnh: TL) |
Trái ngược với giá lợn xuất chuồng, giá chi phí đầu vào của lại tăng kỷ lục. Theo Cục Chăn nuôi, chi phí thức ăn chăn nuôi (TĂCN) chiếm 65-70% giá thành sản xuất lợn hơi. Từ năm 2021 đến nay, giá nguyên liệu TĂCN liên tục tăng, đẩy giá TĂCN thành phẩm tăng thêm 18-22%
Thế nên, dù giá lợn giống đã hạ xuống khá hợp lý, từ 2,6 triệu giảm còn 1,2 triệu đồng/con nhưng việc tăng chi phí TĂCN khiến lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, có những hộ và trang trại chăn nuôi thua lỗ.
Thực tế, nhiều hộ chăn nuôi lợn đang còng lưng gánh lỗ tiền tỷ, bởi giá đầu vào tăng cao, trong khi giá đầu ra lại giảm mạnh.
Ông Nguyễn Công Bắc - chủ trang trại nuôi lợn ở Sơn La - cho hay, cuối tháng 2 DN đã điều chỉnh tăng giá TĂCN lên thêm 300 đồng/kg, đến trung tuần tháng 3 lại tăng tiếp 300-400 đồng/kg.
“Tôi nuôi lợn đã 20 năm, chưa bao giờ thấy giá TĂCN cao như hiện nay”, ông chia sẻ. Là chủ trang trại lợn quy mô 1.400 lợn nái, 9.000 lợn thịt thương phẩm, con giống tự sản xuất được song những ngày này, khi xuất bán lợn ông phải chịu lỗ nặng.
Ông Bắc tính toán, đợt tăng giá TĂCN này tiếp tục đẩy giá thành lợn hơi tăng thêm 2.000-3.000 đồng/kg, lên 57.000-58.000 đồng (đối với hộ chăn nuôi phải mua con giống).
Nhưng lợn hơi xuất chuồng không những ế ẩm mà giá còn giảm mạnh, xuống còn 50.000-53.000 đồng/kg. Tính ra, xuất bán một con lợn hơi, người chăn nuôi lỗ trên dưới 1 triệu đồng.
Trang trại của ông Bắc giữ đàn tốt, vậy mà lãi thu về cũng không thể bù nổi khoản lỗ của những năm trước đó. Năm 2021, đợt giá lợn chạm đáy, ông xuất bán lợn hơi lỗ gần chục tỷ đồng. Còn hiện tại, ông lỗ hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
“Giá cám vẫn có xu hướng tăng, tôi thì gồng lỗ mãi cũng thấy kiệt sức”, ông nói. Ông Bắc dự tính trong trường hợp xấu không thể cầm cự được đành phải giảm đàn nái đi.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao kỷ lục khiến người chăn nuôi lợn chịu cảnh thua lỗ (ảnh: IT) |
Tại Hội nghị bàn về giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh TĂCN sáng 18/3, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Long An thừa nhận, giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, còn giá lợn hơi đang có xu hướng giảm, khó tiêu thụ khiến người chăn nuôi đang phải chịu lỗ vài trăm nghìn đồng mỗi con.
Trước đà tăng mạnh của giá nguyên liệu TĂCN nhập khẩu và dự báo thời gian tới, giá ngô và một số nguyên liệu thức ăn công nghiệp chính tiếp tục tăng do hạn chế nguồn cung, đại diện Viện Chăn nuôi cho rằng có thể tìm nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước có giá rẻ để thay thế.
Theo vị đại diện của Viện, ở nước ta có nguồn sắn lên tới 10 triệu tấn, cám dừa dồi dào, sản lượng lúa khoảng trên 43 triệu tấn cũng cho ra phụ phẩm cảm gạo có thể dùng phối trộn thức ăn chăn nuôi, từ đó hạ giá thành sản xuất.
Đơn vị này đã công bố rất nhiều công thức phối trộn TĂCN cho các loại lợn, cho các giai đoạn phát triển của lợn mà người chăn nuôi tìm kiếm nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương để làm.
“Có những mô hình đã thực hiện và kéo giá thành xuống thấp hơn khi sử dụng TĂCN sản xuất công nghiệp rất nhiều”. Vị đại diện này nói và dẫn chứng, mô hình chăn nuôi lợn ngoại của bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng ở Mỹ Tho (Tiền Giang) áp dụng phối trộn thức ăn từ nguyên liệu trong nước như: cám gạo, cám dừa, bột cỏ, bột bắp, bột cá,... đã kéo giá thành chăn nuôi lợn hơi giảm được 3.000-5.000 đồng/kg.
Theo tính toán của Viện chăn nuôi, nếu áp dụng phối trộn thức ăn từ nguồn nguyên liệu bản địa, nuôi một con lợn đạt trọng lượng 93kg, chi phí sẽ giảm được 170.000 đồng.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng, cần tính toán phát triển vùng trồng nguyên liệu làm TĂCN trong nước để về lâu dài giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Từ đó, giá thành sản phẩm làm ra cũng sẽ có tính cạnh tranh hơn so với thịt nhập khẩu.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận, giá nguyên liệu sản xuất TĂCN trên thế giới tăng rất cao. Song, các DN luôn có sẵn nguồn hàng nhập khẩu từ trước đó. Thế nên, ông kêu gọi DN đừng vội tăng giá TĂCN, phải chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.
Theo ông, ngành này là một hệ sinh thái, nếu DN cứ tăng giá, nông dân bán lợn chịu lỗ sẽ hạn chế nuôi. Khi ấy, sản xuất của DN cũng bị ảnh hưởng, chăn nuôi lợn khó duy trì đà tăng trưởng.
Tâm An
Tăng không thấy đỉnh, triệu hộ dân Việt còng lưng gánh lỗ tiền tỷ
Hàng triệu hộ chăn nuôi lại tiếp tục quay cuồng trong “bão giá” khi những ngày gần đây doanh nghiệp dồn dập báo tin xấu, trong đó giá mặt hàng thức ăn chăn nuôi tăng không thấy đỉnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét