Trong cơn bão giá bủa vây, tâm lý nhà đầu tư trở nên ngập ngừng. Với những nhà đầu tư có "khẩu vị" rủi ro thấp, vàng và USD vẫn chưa thực sự trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.
Lạm phát tăng trưởng nóng trong cơn "bão giá" hàng hóa toàn cầu khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, tìm kênh trú ẩn an toàn, trong đó có vàng và đô la Mỹ. Song, giá vàng và USD đang "đu đỉnh", diễn biến khó lường khiến dòng tiền đầu tư đang có sự dịch chuyển.
Vàng, USD có là nơi "trú bão"?
Do căng thẳng địa chính trị trên thế giới cộng với đà phục hồi kinh tế chững lại vì dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát, giá cả hàng hóa toàn cầu, từ dầu thô cho tới kim loại, lương thực thực phẩm tăng vọt. Giá vàng liên tục "nhảy múa" từ mức cao nhất mọi thời đại 74,4 triệu đồng/lượng cách đây 2 tuần xuống quanh mức 70 triệu đồng/lượng thời điểm hiện tại. Giá đồng bạc xanh cũng đang có dấu hiệu đi lên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định nâng lãi suất USD. Trong bối cảnh này, mục tiêu kiểm soát lạm phát tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang bị đặt trước nhiều thách thức.
|
Giá cả hàng hóa leo thang khiến nhà đầu tư tìm kênh trú ẩn an toàn. (Ảnh minh họa: KT) |
Nhiều nhà đầu tư coi vàng là kênh đầu tư trú ẩn an toàn trong bối cảnh lạm phát, địa chính trị căng thẳng. Song cần lưu ý rằng Việt Nam, giá vàng chênh lệch quá lớn so với giá thế giới khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ trong thời gian qua. Hiện giá vàng thế giới vẫn cao hơn giá vàng SJC khoảng 14,48 triệu đồng/lượng khiến việc đầu tư vào vàng của các nhà đầu tư trong nước trở nên bấp bênh.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, việc thiếu liên thông với thị trường thế giới khiến vàng trở thành kênh đầu tư rủi ro, chưa được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, thời điểm này đầu tư vào vàng phải hết sức thận trọng.
"Bất kỳ kênh đầu tư nào cũng có rủi ro nhất định. Đặc biệt, trong thời điểm giá vàng biến động mạnh như vừa rồi, cũng có người chớp được thời cơ thì sẽ hiện thực hóa được lợi nhuận, tức là không tham, cắt lời ngay khi đạt được kỳ vọng. Tuy nhiên, hầu như đa số đều không làm được do mọi người đều kỳ vọng giá sẽ còn tăng hơn nữa, nên cứ gồng lãi, cố giữ vàng đến khi giá đảo chiều thì trở tay không kịp", TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Thực sự, sau khi tăng vọt lên mức đỉnh cao nhất trong lịch sử thì giá vàng đã quay đầu hạ nhiệt. Cú "quay xe" này đã khiến nhiều người "ngã ngựa" vì mua vàng lúc đỉnh với kỳ vọng giá lên.
Đối với kênh đầu tư USD, mặc dù FED vừa tăng lãi suất và phát đi tín hiệu sẽ còn tăng tiếp từ nay tới cuối năm nhưng ở Việt Nam thì việc tích trữ USD hiện nay chưa phải là một giải pháp hữu hiệu, bởi vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc mua USD từ các tổ chức hợp pháp thường phải có giấy tờ chứng minh nhu cầu sử dụng thích đáng, không bao gồm mục đích đầu tư. Hơn nữa, việc hạn chế mua ngoại tệ từ các tổ chức chính thống để chống đô la hóa cũng phần nào không kích thích người dân đổ tiền vào kênh này.
Nên rót tiền vào chứng khoán hay bất động sản?
Trước biến động mạnh về giá cả, nhiều nhà đầu tư rút khỏi kênh đầu tư rủi ro như tiền số, chứng khoán… để tìm đến các kênh đầu tư an toàn khác như trái phiếu, bảo hiểm, tiết kiệm…
Đối với kênh tiền gửi ngân hàng, mặc dù lãi suất tiết kiệm được dự báo tăng từ nay đến cuối năm nhưng kênh tiết kiệm vẫn chưa thực sự hấp dẫn khi mặt bằng lãi suất huy động được dự báo vẫn duy trì mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Do đó, kênh tiền gửi ngân hàng, phù hợp với những nhà đầu tư có "khẩu vị" rủi ro thấp.
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu BVSC, tăng trưởng tiền gửi dân cư vẫn thấp trong năm nay khi người dân có nhiều sự lựa chọn đầu tư với mặt bằng lãi suất còn ở mức thấp.
Xu hướng dòng tiền đầu tư đang đổ mạnh vào bất động sản dù giá nhà, đất hiện nay được đánh giá là đang ở mức cao. Bởi tâm lý của nhiều nhà đầu tư trong nước là "giữ đất" cho chắc ăn.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, năm 2022 dòng tiền sẽ tiếp tục tăng mạnh vào bất động sản, bất chấp lạm phát tăng, chủ yếu vẫn là thị trường đầu cơ. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư lo lắng chốt lời chứng khoán nên cũng đổ tiền sang bất động sản.
Thời gian qua, những thông tin tiêu cực khiến thị trường chứng khoán biến động trong ngắn hạn, song nhìn về trung hạn chứng khoán vẫn có thể đi lên nhờ nhiều triển vọng tích cực. Đặc biệt, những biến động ngắn hạn cũng là cơ hội điều chỉnh các cổ phiếu trên thị trường về mức cân bằng và phù hợp để đầu tư dài hạn.
Theo nhận định của ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch VietinBank Capital, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế đang không xác nhận một xu hướng tốt mà vẫn đang ở giai đoạn cần phải cân nhắc đánh giá lại, thì các nhà đầu tư vẫn cần thận trọng khi xuống tiền.
"Các yếu tố đầu vào của nền kinh tế đều tăng giá lớn, hàng thiết yếu, hàng hóa thành phẩm tăng trên bình diện toàn thế giới. Việt Nam cũng không năm ngoài vòng xoáy này, song nền kinh tế trong nước đang thích ứng tốt với đại dịch Covid-19, xu hướng phục hồi tích cực. Trong bối cảnh này, các kênh đầu tư vào sản xuất kinh doanh sẽ sớm trở nên hấp dẫn", ông Khổng Phan Đức phân tích.
Chủ tịch VietinBank Capital cũng cho hay, thị trường chứng khoán gần đây không thể hiện xu hướng lên đều đặn, khiến tâm lý nhà đầu tư còn ngập ngừng. Trên sàn hiện phân hóa rõ ràng, những cổ phiếu hưởng lợi từ việc tăng giá như phân bón, xi măng, sắt thép sẽ giúp nhà đầu tư sinh lợi, nhưng sau khi được phản ánh thái quá rồi sẽ đi xuống. Dòng tiền có xu hướng phân tán chia đều cho các nhu cầu đầu tư của nền kinh tế.
"Vì nhà đầu tư ngày càng có nhiều lựa chọn hơn nên dòng tiền vào chứng khoán có sự ngập ngừng, nhịp lên nhịp xuống và rất khó đoán định. Nhưng chắc chắn rằng, năm 2022 không như kỳ vọng của các nhà đầu tư chứng khoán năm ngoái, do đó, cần phải hết sức thận trọng", ông Khổng Phan Đức đưa ra lời khuyên.
(Theo VOV)
Tiền nhàn rỗi, nên mua vàng hay gửi tiết kiệm?
Mua vàng hay gửi tiết kiệm tiền ở ngân hàng luôn là vấn đề nhiều người băn khoăn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét