Nhiều đơn vị phát hành trái phiếu DN riêng lẻ vẫn liên tục gọi điện, nhắn tin, mời chào các nhà đầu tư cá nhân. Ngoài “mồi nhử” lãi suất cao, còn tung chiêu “hô biến” người mua thành nhà đầu tư chuyên nghiệp để “bán giấy thu tiền”.
Tung chiêu “bán giấy thu tiền”
Có một khoản tiết kiệm hơn 300 triệu đồng gửi tại ngân hàng, sắp đến kỳ tất toán, chị Nguyễn Thu Hà ở Mỗ Lao, Hà Đông (Hà Nội) kể chị liên tục nhận được cuộc gọi, tin nhắn mời chào mua trái phiếu DN với lãi suất cao từ nhân viên ngân hàng, nhân viên công ty phát hành trái phiếu.
Trong bối cảnh gửi tiết kiệm lãi suất thấp, giá vàng và chứng khoán cao, đầu tư vào bất động sản đòi hỏi vốn lớn, chị Hà muốn tìm đến một kênh đầu tư có khả năng sinh lời tốt. Tâm sự với nhân viên ngân hàng nơi gửi tiền, ngay lập tức, chị được tư vấn mua trái phiếu của một DN bất động sản, lãi suất lên tới 10,5-13%/năm. Sau đó, nhiều nhân viên khác cũng gọi cho chị tư vấn mua trái phiếu DN để hưởng lãi suất cao.
Hiện lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cao nhất chỉ 7%/năm thì đầu tư trái phiếu DN lãi suất là 10,5%/năm. Với số tiền 300 triệu gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng lĩnh lãi cuối kỳ, chị Hà sẽ thu về 321 triệu đồng cả gốc lẫn lãi, trong khi mua trái phiếu DN số tiền thu về là 331,5 triệu đồng. Nhưng chị Hà đắn đo, không biết đầu tư trái phiếu DN liệu có an toàn. Các nhân viên tư vấn trấn an chị rằng, mua trái phiếu DN có tài sản đảm bảo, nhưng chị vẫn không yên tâm vì không hiểu rõ, còn họ ngày nào cũng gọi điện mời chào.
Trái phiếu DN phát hành “vàng thau” lẫn lộn. |
Anh Trần Hoàng Dũng ở Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, thời gian gần đây, có mấy nhân viên liên tục gọi điện nhắn tin mời mua trái phiếu DN. Theo các nhân viên này, trong hoàn cảnh hiện nay, không nên “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Có tiền, nên dành một phần đầu tư vào trái phiếu DN, vì lãi suất cao hơn gửi ngân hàng và phân tán bớt rủi ro. Với trái phiếu DN có tài sản đảm bảo, lại được các ngân hàng đứng ra quản lý thì rất yên tâm.
Theo anh Dũng, những nhân viên này còn bày cách lách quy định, biến anh trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, để thoải mái mua trái phiếu DN đứng tên mình.
Trong khi đó, Luật Chứng khoán năm 2019 quy định, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán, bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân. Với cá nhân, phải nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng.
Để “hô biến” một người không có trình độ và không am hiểu thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà phát hành sẽ thực hiện như sau: Khi ký hợp đồng mua trái phiếu DN, công ty phát hành sẽ chuẩn bị thêm một bộ hồ sơ, “hỗ trợ” người mua thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Rồi chuyển vào tài khoản người mua trái phiếu 2 tỷ đồng và đóng băng tài khoản. Sau khi hoàn tất thủ tục và trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, công ty phát hành sẽ rút 2 tỷ đồng ra khỏi tài khoản.
Với cách làm này, dù chỉ vài trăm triệu, các cá nhân cũng ngay lập tức trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua trái phiếu DN, qua mặt quy định pháp luật một cách dễ dàng.
Sẽ rầm rộ phát hành
Số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, hai tháng đầu năm 2022, tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 31% và tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng 51%, so với cùng kỳ năm 2021. Tổng giá trị phát hành đạt gần 26.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới chuyên môn nhận định, hoạt động phát hành trái phiếu DN sẽ diễn ra sôi động và mạnh mẽ trong năm 2022. Theo thống kê, có tới 60% giá trị trái phiếu DN sẽ đáo hạn trong 2 năm tới. Đại dịch Covid vừa qua đã khiến nhiều DN gặp khó khăn, dòng tiền suy kiệt. Vì vậy, sẽ phải tăng cường phát hành trái phiếu mới để chuẩn bị tất toán cho các khoản nợ đến hạn. Cùng với đó, khi kinh tế phục hồi, các DN cũng có nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho các hoạt động. Lãi suất trái phiếu trong năm 2022 sẽ tăng để thu hút nhà đầu tư.
Cân nhắc kỹ trước khi mua trái phiếu DN, đừng chỉ quan tâm tới lãi suất. |
Nhận định của giới chuyên môn là khá chính xác, bởi thời gian gần đây, một lực lượng đông đảo các nhân viên môi giới được triển khai rầm rộ, gọi điện, nhắn tin, tiếp cận các cá nhân mời mua trái phiếu DN phát hành riêng lẻ, với lãi suất cao. Họ sẵn sàng lách luật hợp pháp hóa giúp họ trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, để “bán giấy thu tiền”.
Đề cập đến rủi ro của những trái phiếu DN phát hành có tài sản đảm bảo bằng bất động sản, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, trong trường hợp DN phát hành gặp vấn đề, không có khả năng thanh toán, phải phát mãi, xử lý các tài sản cầm cố, cũng sẽ mất một thời gian dài, thậm chí phải giảm giá bán sâu, so với giá trị ban đầu. Không phải cứ có tài sản đảm bảo là có thể yên tâm.
Trước tình trạng trái phiếu DN phát hành “vàng thau” lẫn lộn, giới chuyên môn khuyến cáo các cá nhân muốn đầu tư: Không nên chỉ quan tâm tới lãi suất, thấy lãi suất cao là đầu tư. Lãi suất càng cao rủi ro càng lớn. Bên cạnh đó, cần nắm rõ thông tin về đơn vị phát hành trái phiếu; Đây là đơn vị nào, thành lập lâu chưa, lịch sử kinh doanh như thế nào và hoạt động kinh doanh ra sao; Phát hành trái phiếu để làm gì, tái cấu trúc lại nguồn vốn, đầu tư dự án, hay tăng quy mô vốn hoạt động; Phương án phát hành, phương án trả nợ như thế nào, nếu thiếu nguồn thì bù đắp ra sao.
Liên quan đến tài sản bảo đảm, cần phải nắm và hiểu rõ những hình thức bảo đảm. Cuối cùng, liên quan đến bảo lãnh thanh toán và các cam kết mua lại nếu có của đơn vị phân phối cũng như các điều kiện, điều khoản khác trên hợp đồng.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân thời gian qua đã khốn khổ bởi mua trái phiếu DN, đến khi cần không thể bán được, DN phát hành không mua lại, phải tìm kiếm nguồn tài chính thay thế và chờ tới hạn để tất toán.
Trần Thủy
'Mồi nhử' lãi suất cao, liều chơi trái phiếu DN nhà đất
Các chuyên gia lo ngại về “bong bóng tài sản” và những rủi ro đến kinh tế vĩ mô từ tình trạng các DN, đặc biệt là DN bất động sản, vừa tăng phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét