Không ít người trẻ Việt kiếm tiền cực giỏi nhờ phương pháp đầu tư và quyết định đúng đắn.
Những khoản "đầu tư chơi" nhưng "ăn thật"
Tròn một năm trước, Minh Thu (26 tuổi, nhân viên văn phòng, tên nhân vật đã được thay đổi) hoàn toàn không biết và không quan tâm gì đến chứng khoán. Cô cũng không có ý niệm nào về đầu tư hay quản lý tài chính.
Đến tháng 5/2021, bạn lớp cấp 3 của Thu (có 3 năm kinh nghiệm trong đầu tư chứng khoán) mở lớp dạy phương pháp đầu tư dài hạn và phân tích cổ phiếu bất động sản miễn phí cho nhóm bạn chơi thân. Thu tham gia vì nghĩ rằng có thể thu nạp thêm kiến thức từ một kênh đầu tư mới, chứ không phải bắt đầu với suy nghĩ có thể kiếm được nhiều tiền từ đây.
Trong khóa học, bạn của Thu chỉ tập trung phân tích vào nhóm cổ phiếu bất động sản, với ví dụ cụ thể là cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã chứng khoán: DIG). "Giáo viên" này cũng khuyến nghị mọi người cân nhắc đầu tư.
Khóa học 5 buổi kết thúc, Thu mở tài khoản chứng khoán và tập tành với việc xem bảng điện, giao dịch cổ phiếu. F0 này ban đầu bỏ vốn 100 triệu đồng, là một phần số tiền tích lũy được sau 2 năm kinh doanh bán hàng. Thu cũng rủ thêm chị dâu đầu tư 50 triệu đồng vào chứng khoán.
Tin tưởng vào kinh nghiệm và cách phân tích của bạn, hai chị em Thu "tất tay" 150 triệu đồng vào cổ phiếu DIG ở giá 25.000 đồng/cổ phiếu. Kết quả trong nửa tháng đầu không được như kỳ vọng, đỉnh điểm số lỗ lên đến hàng chục triệu đồng khi giá cổ phiếu giảm xuống còn 22.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, giá cổ phiếu DIG phục hồi, Thu và chị dâu mỗi người nạp thêm 100 triệu đồng vào thêm ở vùng giá 30.000 - 31.000 đồng/cổ phiếu. Cũng ở thời điểm này, một số người trong nhóm chat do bạn Thu lập ra để cập nhật thông tin, bắt đầu chốt lãi.
Sau đó, giá cổ phiếu DIG tăng một mạch trên 60.000 đồng/cổ phiếu, Thu đang lãi khoảng 250 triệu đồng và trong đầu xuất hiện câu hỏi có nên đầu tư thêm hay không. Cô tham khảo ý kiến một số người thân, đa số cho rằng cổ phiếu đang trong giai đoạn tăng nóng nên rủi ro cao. Trong khi đó, "thầy" của Thu nói vẫn mua được.
Khi mà phần đông thành viên trong nhóm đã chốt lãi, Thu tiếp tục "bơm" thêm 220 triệu đồng vào cổ phiếu DIG, số tiền được rút ra từ khoản tiết kiệm gửi bố mẹ. Chị dâu Thu cũng đầu tư thêm 200 triệu đồng. Lúc này, số vốn của Thu là 420 triệu đồng, của chị dâu là 350 triệu đồng.
Trong quá trình đầu tư, hai chị em có tìm hiểu và thực hiện giao dịch với một vài cổ phiếu khác, tuy nhiên mức lãi lỗ không đáng kể.
Riêng đối với khoản đầu tư vào DIG, thời điểm giữa tháng 1 giá lên đỉnh 125.000 đồng/cổ phiếu, nhưng hai chị em Thu vẫn "gồng lãi" lên tới 1,6 tỷ đồng. Giai đoạn sau đó nhiều biến động, cuối cùng 2 F0 chứng khoán này quyết định "tạm ra hàng" ở giá 97.000 đồng/cổ phiếu.
Kết quả sau 10 tháng tìm hiểu và đầu tư chứng khoán, Thu lãi 550 triệu đồng, còn chị của Thu lãi 400 triệu đồng. Bên cạnh số tiền kiếm được, những người trẻ này còn có thêm nhiều kinh nghiệm đầu tư, từ cách phân tích cổ phiếu đến tâm lý thị trường, rồi cả cách bảo vệ tài sản do mình làm ra.
Tương tự, đầu tháng 10 năm ngoái, Thanh Tùng, 26 tuổi ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) được bạn trả 80 triệu đồng cho khoản vay từ 2 năm trước. Ban đầu, Tùng dự định sẽ lên đời xe máy, điện thoại nhưng anh đã không làm vậy vì cho rằng bản thân cần gia tăng thu nhập trong mùa dịch nên đã mang hết số tiền đi đầu tư. Khi ấy, chàng trai sinh năm 1996 có 3 kênh để lựa chọn là chứng khoán, tiền số và vàng.
"Chứng khoán, tiền số là 2 kênh mình thích hơn nhưng mình lại chưa có kiến thức, kinh nghiệm nhiều nếu vào ngay thì rủi ro quá nên mình chọn vàng. Với lại, đây là lần đầu tiên mình đi đầu tư nên muốn chọn thứ gì an toàn trước", Tùng nói.
Theo tính toán, Tùng sẽ bán vàng vào ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng) năm sau vì đây là thời điểm vàng có mức giá cao. Để tăng nhanh lợi nhuận, anh bỏ thêm 35 triệu đồng để có tiền đủ mua 2 lượng vàng với giá 57,2 triệu đồng/lượng.
Đúng như dự báo của Tùng, vào ngày vía Thần Tài năm nay, giá vàng tăng cao. Anh đã bán 2 lượng vàng với giá 61,7 triệu đồng và thu về 9 triệu đồng tiền lãi. "Ngay khi nhận về tiền lãi, mình đã đăng ký khóa học về chứng khoán còn số tiền gốc ban đầu thì vẫn để nguyên. Tuy nhiên, sau đó khoảng 10 ngày, mình thấy thị trường vàng rất nóng và có khả năng còn tăng cao nên đã nhập cuộc luôn", anh chia sẻ.
Thời điểm đó, giá vàng neo ở mức cao là 63,9 triệu đồng/lượng nhưng Tùng vẫn đánh liều, bỏ tiền ra mua 2 lượng. Sau đó 2 tuần, Tùng bán vàng ở giá 69 triệu đồng/lượng, tính ra mỗi lượng vàng chàng trai sinh năm 1996 lãi 5,1 triệu đồng. "Mình mà gan lì thêm một xíu, đợi thêm 2 - 3 ngày nữa thì số tiền lãi còn đậm hơn vì có thời điểm giá vàng mua vào gần 72 triệu đồng/lượng", Tùng tiếc rẻ.
Tùng cũng thừa nhận, việc anh lãi đậm từ vàng ngoài yếu tố may mắn còn đến từ sự nhanh nhạy và nắm bắt thời cơ phù hợp, đặc biệt là ở lần mua vàng thứ 2.
Còn năm ngoái, Nguyễn Nguyên (27 tuổi) đã kiếm ra 500 triệu đồng trong vòng 2 tháng nhờ bán khóa học dạy về nghề freelancer (nghề viết tự do). Với kinh nghiệm 10 năm trong nghề, Nguyên trực tiếp đứng lớp giảng dạy thông qua hình thức online. Khóa đầu tiên, cô dạy hơn 300 học viên với học phí là 1 triệu đồng/người.
"Nắm bắt nhu cầu của mọi người trong mùa dịch, mình quyết định mở lớp dạy về nghề freelancer - một nghề có thể giúp mọi người kiếm tiền ở mọi lúc mọi nơi mà không phụ thuộc vào độ tuổi, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài và nhiều người phải làm việc tại nhà", cô lý giải.
Nguyên cho biết, sở dĩ khóa học của cô có nhiều học viên theo học là nhờ bản thân đã có nền tảng từ trước. Nguyên vốn là một travel blogger, freelancer nổi tiếng với lượt theo dõi khủng trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, instagram, tiktok. Do đó, việc chiêu mộ học viên với cô không khó vì Nguyên chỉ cần viết 2 thông báo trên mạng là đã có 500 người đăng ký tham gia.
"Mình tổ chức 2 khóa học, khóa đầu tiên là 300 người, khóa sau là 200 người. Thời gian học từ 3 - 5 buổi, trong các buổi học này, mình sẽ chia sẻ cho các bạn kiến thức về nghề viết lách tự do, viết sao để ra tiền mà chúng ta hay gọi là freelancer", cô nói.
Thời gian tới, cô gái trẻ sinh năm 1995 dự định sẽ mở thêm nhiều khóa học về nghề. Vì Nguyên cho rằng, việc bán khóa học cũng là cách kiếm tiền tốt khi nhu cầu về nghề này gia tăng trong mùa dịch.
Đầu tư có dễ?
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia tài chính cá nhân Trần Nhật Nam cho rằng đầu tư là thứ dễ làm nhất vì mọi người chỉ cần bỏ tiền vào thứ gì đó cũng có thể gọi là đầu tư. Tuy nhiên, đầu tư cũng là thứ khó làm đúng nhất, vì không có tiêu chuẩn cụ thể để hướng dẫn mọi người làm đúng hay làm sai.
Vì thế, nhà đầu tư trẻ cần học một số điều cơ bản, giúp soi sáng cho những quyết định đầu tư trong tương lai. Và nếu muốn trở thành một nhà đầu tư thực thụ thì việc đầu tiên phải làm là nắm được tình hình tài chính của mình, tiếp theo là bỏ ra ít nhất 10% thu nhập mỗi tháng để làm khoản dự phòng và đầu tư cho tương lai.
Theo ông Nam, mọi người cần lưu ý 4 điều:
Thứ nhất là tập trung vào giá trị thật của khoản đầu tư. Khoản đầu tư chỉ có giá trị thật khi chúng mang lại giá trị cụ thể nào đó cho xã hội và có được dòng tiền dương từ giá trị đó.
Thứ hai là cần kể tên và nhận diện những rủi ro trong khoản đầu tư. Vì lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro cao.
Thứ ba là nên tìm hiểu, học hỏi thêm, để phân biệt được thế nào là cổ phiếu, thế nào là trái phiếu hay những loại hình đầu tư cơ bản nhất trên thị trường
Thứ tư là hiểu được mức lợi nhuận đầu tư bình quân trong dài hạn (7-10%). Điều này rất quan trọng. Vì các khoản đầu tư được mời chào với lợi nhuận rất cao sẽ luôn đi kèm với những dấu hiệu lừa đảo.
Đối với đầu tư chứng khoán, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, nhận xét nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường chưa có nhiều hiểu biết, cả tin, đôi khi chưa được môi giới chăm sóc tốt nên cần tìm điểm tựa là đối tượng mục tiêu chính của các hội nhóm.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm hàng chục năm trên thị trường tài chính, ông Trương Hiền Phương nhìn nhận phần lớn các hội nhóm như trên được lập ra không có mục đích tốt đẹp.
Theo vị chuyên gia này, nhà đầu tư cần phải biết rõ lịch sử học vấn, nghề nghiệp của những người giảng dạy về chứng khoán hay tư vấn đầu tư, người đó liệu có được đào tạo chuyên sâu về tài chính hay có kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính hay không trước khi quyết định bỏ tiền ra để mua dịch vụ. Ông nhấn mạnh những người làm việc nghiêm túc trong ngành tài chính khi đưa ra nhận định đều dựa trên kiến thức, cơ sở rõ ràng chứ không ai chỉ hô hào ba chữ cái như cách nhiều nhà đầu tư đang tiếp cận.
Trong khi đó, ông Phan Duy Khánh, CEO Simplize, công ty chuyên về phân tích dữ liệu chứng khoán, cho rằng để có một danh mục đầu tư hoàn hảo, 10% đến từ việc tìm ra ý tưởng đầu tư, 40% phụ thuộc vào việc tìm hiểu kỹ doanh nghiệp bao gồm tổng hợp thông tin, phân tích, xử lý dữ liệu, 50% còn lại là khả năng phân bổ tỷ trọng vốn cho từng mã cổ phiếu.
Tuy nhiên, đa phần nhà đầu tư cá nhân không đủ khả năng, cũng không có đủ thời gian để làm những công việc này. Ngược lại, quỹ đầu tư luôn có nhiều chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, sàng lọc kỹ cổ phiếu trước khi đưa vào danh mục.
"Nhà đầu tư chỉ nên chọn một quỹ đầu tư có lịch sử hoạt động hiệu quả qua nhiều năm để rót tiền. Do các quỹ đều phân bổ vốn vào 15-20 cổ phiếu nên nếu đầu tư vào nhiều quỹ khác nhau sẽ danh mục quá đa dạng, loại bỏ điểm mạnh của từng quỹ riêng lẻ, giảm khả năng chiến thắng thị trường", ông Khánh gợi ý.
(Theo Dân Trí)
Gửi tiết kiệm ngân hàng hay đầu tư mua đất: Cái nào sinh lời nhanh hơn?
Khi có một khoản tiền rảnh rỗi, chúng ta thường phân vân không biết nên tiết kiệm hay đầu tư vào bất động sản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét