Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang cận kề, những ngày này, phong trào làm cây nêu đón Tết đang rộ khắp các địa phương ở Hà Tĩnh. Mỗi ngày người dân có thể thu tiền triệu từ công việc trồng thuê cây nêu.
Theo phong tục, cây nêu phải được dựng trước hoặc đúng vào ngày 23 tháng Chạp (tức ngày ông Táo lên trời) đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, cây sẽ được hạ xuống (hay còn gọi là ngày Khai Hạ).
Mục đích dựng cây nêu không chỉ để trang trí, theo quan niệm dân gian dựng cây nêu giúp xua đuổi tà ma và mang lại điều lành, phúc ấm cho gia đình.
Phong trào dựng cây nêu ngày Tết lan rộng khiến nhiều dịch vụ như bán tre, làm cây nêu, dựng cây nêu nở rộ. Tre để dựng nêu cũng được bày bán không thua kém gì cây quất, đào, mai dịp Tết đến.
Hàng loạt cây tre được người dân bày bán để làm cây nêu |
Mỗi ngày, người dân có thể lãi từ 1 đến 2 triệu đồng từ công việc trồng nêu |
Cây nêu thường là những cây tre già, thẳng và cao từ 10-15m, được lau sạch nhánh, trừ lại một ít lá ở phần ngọn. Trên thân cây nêu, người dân thường dùng lá cây đủng đỉnh bọc quanh để cây được đẹp hơn. Để cây nêu thêm phần rực rỡ, bắt mắt, trên cây nêu thường được lắp thêm nhiều đồ trang trí như đèn nháy, hình ngôi sao, đèn lồng và lá cờ tổ quốc...
Dọc các tuyến đường từ quốc lộ cho đến đường làng ở Hà Tĩnh vào dịp Tết, nêu được dựng tại khắp nhà dân. Đối với một số gia đình, chưa có cây nêu chưa phải là Tết.
Tỉ mỉ chọn những cây nêu dài, đẹp để mua về trang trí, anh Nguyễn Văn Hùng, thôn 6, xã Sơn Bình (Hương Sơn) chia sẻ, những năm trước anh thường cùng gia đình tự đi tìm tre về dựng, nhưng năm nay do bận rộn nên anh đã lựa chọn mua tre và thuê trang trí từ các tiểu thương .
“Một cây nêu thường (chưa trang trí) giá hơn 100.000 đồng, nhưng khi đã được trang trí kèm theo đèn lồng, quốc kì, đèn led theo ý thích người mua thì có giá dao động từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng”, anh Hùng thông tin thêm.
Người dân quan niệm trồng nêu mang lại điều may mắn |
Người dân mua tre về để trang trí cây nêu bán lại cho người dân |
Những cung đường được “trồng” bằng cây nêu ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ |
Chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, một người bán cây nêu ở khu vực chợ Nầm, xã (Sơn Châu (Hương Sơn) cho biết, năm nay việc đi thu gom cây tre trông dân rất khó vì nhiều làng quê cây tre đã bị chặt phá.
Để chọn được những cây nêu ưng ý, phải đi vào những xã rất xa, thậm chí là phải vào tận các xã vùng biên như Hương Quang (Vũ Quang), Sơn Hồng (Hương Sơn) để mua.
Chị Đoàn Thị Hồng, tiểu thương chở cây tre xuống TP. Hà Tĩnh bán cho người dân làm nêu, cho hay, một cây tre làm nêu khi mua ở trong dân thường với giá 40.000 đồng, chở xuống thành phố nhập lại với với giá 150.000 đồng.
“Trung bình mỗi ngày tôi bán được từ 10-15 cây, lãi 1-2 triệu đồng mỗi ngày”, một người bán cây nêu ở xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ nói.
Sỹ Thông
Chợ lá dong nổi tiếng Sài thành, nằm vỉa hè hóng một mùa Tết lịch sử
Tiểu thương ăn, ngủ ngay trên vỉa hè để tiện bán lá dong cho Tết Nguyên đán. Họ còn phải thuê chỗ đi vệ sinh và tắm rửa hàng ngày trong nhà dân. Tuy nhiên, lá dong năm nay có nguy cơ "ế".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét