Có người ủng hộ thiện nguyện nhưng cũng có người cho đấy là làm màu. Xin ghi nhận các ý kiến và để đó thôi, chúng tôi cần làm theo những gì con tim mình mách bảo để giúp người và cũng chính là giúp mình.
Cắt tóc miễn phí cho 20.000 người tuyến đầu
9h sáng, Nguyễn Thành Mạnh rời căn phòng tại khu vực cách ly tập trung thuộc Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM.
Mạnh di chuyển xuống xe cắt tóc lưu động đang đỗ dưới sân, khoác lên mình bộ áo bảo hộ và cầm kéo trên tay. Vài nhân viên y tế đã xếp hàng sẵn đợi Mạnh. Họ chờ để được cắt tóc.
Đó là tháng 8/2021. Nữ bác sỹ của Bệnh viện Phục hồi chức năng quận 8 đến cắt tóc tới 3 lần/tuần. Mái tóc dài ngang lưng cứ thế ngắn dần, ngắn dần rồi thành tóc tém. Có lẽ, chị tiếc nuối và đắn đo mỗi khi thấy những lọn tóc rơi xuống. Nhưng để đảm bảo an toàn, thuận lợi khi công tác tại khu cách ly thì phải cắt thật ngắn.
“Khi tôi mới đến, nhiều người còn để đầu trọc lốc. Các bác sỹ tự cắt cho nhau nên không biết tạo kiểu, chỉ có cạo trọc”, Mạnh nói.
Xe cắt tóc lưu động tại khu ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM những ngày cao điểm dịch |
Nguyễn Thành Mạnh đang cắt tóc cho lực lượng tuyến đầu chống dịch |
Trung bình, Mạnh cắt tóc cho 25-30 người/ngày, làm liên tục từ 9h sáng tới 18h30 tối.
Mạnh là một trong 12 thành viên của Đông Tây barber shop. Họ tình nguyện tham gia cắt tóc miễn phí cho các y, bác sỹ, lực lượng tuyến đầu tại khu cách ly, bệnh viện dã chiến trong thời gian cao điểm giãn cách xã hội ở TP.HCM.
Anh Nguyễn Hoài Thanh - ông chủ của hệ thống cắt tóc Đông Tây barber shop - cho hay, nhóm thợ đã hỗ trợ 45 đơn vị trên địa bàn TP. Khoảng 20.000 lượt người được cắt tóc từ khoảng giữa tháng 7 tới trước ngày “bình thường mới” 1/10/2021.
Cắt tóc ở vùng nguy hiểm, nhưng mọi người vẫn xung phong và chuẩn bị sẵn phương án dự phòng. Đã có 4 thợ trở thành F0, hết thời gian cách ly lại tiếp tục công việc.
Ngoài cắt tóc miễn phí, doanh nhân sinh năm 1990 này còn hỗ trợ mua, cung cấp trực tiếp bình oxy, thực phẩm, gạo cho người dân.
Ám ảnh từ những chuyến cứu trợ
Trong khi đó, mỗi ngày lại là một câu chuyện đáng nhớ trong hành trình hỗ trợ của ông Nguyễn Ngọc Luận - CEO Meet More Coffee. Đến giờ phút này, nhiều khi nhớ lại ông cũng không thể cầm lòng.
Đầu tháng 7, nhận được tin nhắn thông báo của người dân, ông tìm đến một xóm nghèo ở phường Hiệp Thành (quận 12). Khoảng 80 nhân khẩu trong xóm bị tật nguyền. Ngày thường, họ ngồi xe lăn bán hủ tiếu gõ và vé số dạo, nhưng dịch Covid-19 ập đến đã chặn mất kế sinh nhai.
“Tôi vào một căn nhà có 4 người, 2 người tật nguyền đang ngồi trên giường. 2 người phụ nữ còn lại đang nhặt rau để nấu một cái gì đó như nồi cháo mỳ tôm. Gói mỳ tôm đã được bóp nhuyễn vụn để nấu cháo. Họ gần như chỉ ăn mỳ tôm trong khoảng 1 tháng”, ông kể lại.
Ban đầu, ông Luận không có ý định thực hiện các hoạt động hỗ trợ lâu như vậy, nhưng càng đi thì dịch càng bùng phát mạnh. Mỗi ngày, 200-300 tin nhắn, cuộc điện thoại gọi đến để xin giúp đỡ. Do thời điểm đó, nhiều người chưa tiếp cận được các gói an sinh nên ông quyết định gác lại một phần công việc để chung tay chống dịch.
Ông Nguyễn Ngọc Luận trong một chuyến đi mùa Covid |
Bà Kim Oanh hỗ trợ giao vật tư y tế cho bệnh viện |
Chiến dịch “Bữa cơm có cá” và “Bữa rau yêu thương” do doanh nhân này thực hiện đã cung cấp khoảng 15 tấn cá, 70 tấn rau và 50 tấn gạo tới tận tay hộ dân. Thời gian đầu, ông bị gia đình, người thân phản ứng gay gắt vì đi ra ngoài, tiếp xúc nhiều. Quá nguy hiểm khi độ phủ vắc xin chưa cao.
Tương tự, doanh nhân Đặng Thị Kim Oanh cũng mất khoảng một tháng cách ly hoàn toàn với gia đình khi tham gia hỗ trợ các đơn vị chống dịch bên ngoài.
Từ tháng 5-10/2021, quỹ từ thiện của bà cho ra đời các chương trình đồng hành cùng chính quyền, lực lượng tuyến đầu và người dân trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, như: Tiếp nối nhịp thở; Knock Out Covid; 7.000 túi thuốc hỗ trợ điều trị F0; 22.000 túi an sinh cho người dân...
Chúng tôi làm theo những gì con tim mách bảo
Có những trường hợp bị F0, nửa đêm gọi điện liên hệ vì khó thở, ông Nguyễn Ngọc Luận phải đi xin oxy và mang đến. Niềm vui là khi bệnh nhân bình phục, họ đưa cả gia đình đến tận nhà nói lời cám ơn.
Theo anh Nguyễn Hoài Thanh, ai ở tâm dịch TP.HCM mới hiểu được hoàn cảnh lúc đó. Chỉ mong đừng ai bị ảnh hưởng tính mạng, mọi người khỏe mạnh để sớm mở cửa. Chẳng doanh nhân nào nghĩ tới tiền. Họ chấp nhận gác lại công việc và đi chống dịch không vì mục đích gì.
Có những khoản tiền chỉ khoảng 100.000-200.000 đồng/người, tuy không nhiều nhưng việc giúp đúng đối tượng, đúng thời điểm khó khăn sẽ khiến người trao tiền cảm thấy việc mình làm đã đúng. Đó là niềm vui.
“Nhiều người ủng hộ các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó là doanh nhân làm màu hoặc đánh bóng tên tuổi. Chúng tôi ghi nhận hết những ý kiến khác nhau của xã hội. Nhưng xin cho phép để đó thôi, vì chúng tôi cần phải làm theo những gì con tim mình mách bảo”, doanh nhân Hoài Thanh quan niệm.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) - ông Nguyễn Phước Hưng nhìn nhận, thời điểm giãn cách xã hội 3 tháng ròng rã có quá nhiều gánh nặng dồn lên vai DN.
Họ hy sinh lợi ích kinh tế để cùng TP chống dịch, đảm bảo sản xuất nhưng quan trọng nhất là chăm lo cho lực lượng lao động, ổn định tâm lý nhân công. Tâm lý người lao động lung lay thì chủ DN càng phải bản lĩnh thời điểm đó. Dù chăm lo về mặt vật chất hay tinh thần thì mục đích sống còn là phải tồn tại.
Theo Phó Chủ tịch Huba, DN muốn tồn tại thì cần giữ chân người lao động bằng mọi giá. Họ là tài sản đặc biệt và là yếu tố để các đơn vị duy trì sản xuất xuyên suốt những tháng ngày “3 tại chỗ”. Sau khi giữ được công nhân qua cơn đại dịch, chính họ tiếp tục đồng hành cùng DN ở giai đoạn phục hồi, khôi phục lại hoạt động kinh tế trong “bình thường mới”.
Trần Chung
Ông Dũng lò vôi: Không bao giờ cầm đồng bạc mà người khác phải rơi nước mắt
Từ những sai lầm cho tới các triết lý làm ăn và nhận định tương lai qua các câu nói của các đại gia, tỷ phú Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét