Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

Đề xuất mở hoàn toàn đón khách quốc tế từ 30/4-1/5

Các chuyên gia du lịch, DN lữ hành và nhiều địa phương cùng kiến nghị mở cửa hoàn toàn để đón khách quốc tế từ dịp lễ 30/4-1/5, tránh chậm chân lỡ mất cơ hội.

Những đề xuất này được đưa ra tại buổi công bố Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam 2021 cho 15 tỉnh, thành ngày 18/1.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch TAB, cho rằng, Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi để mở cửa hoàn toàn, đón khách quốc tế. Theo ông, đó là bởi chúng ta đã tiêm phủ vắc xin tốt, đứng trong top 5 thế giới, và có thể khẳng định hầu hết người dân sẽ được tiêm mũi ba vào tháng 3 tới. Đó là nền tảng quan trọng, cộng với kinh nghiệm điều trị, mức độ gây hại của chủng mới thấp.

Đồng thời, rút kinh nghiệm từ chương trình thí điểm đón khách quốc tế, không gây hại cho sức khỏe du khách, không gây lây nhiễm ra cộng đồng, chúng ta tự tin cân nhắc mở cửa. “Cần công bố sớm để có thời gian để chuẩn bị, như các hãng hàng không mở lại đường bay và quảng bá, truyền thông ra quốc tế”, ông Kiên kiến nghị.

Bằng việc công bố một thời điểm cụ thể việc mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế, đồng thời dỡ bỏ rào cản đi lại, vị chuyên gia TAB tin rằng Việt Nam sẽ thành công.

{keywords}
Việt Nam thí điểm đón khách quốc tế từ cuối tháng 11/2021, hiện có 7 địa phương tham gia

Trước mắt, theo ông Trần Trọng Kiên, cần cho phép nhiều hơn các tỉnh, thành được tham gia vào chương trình. Các công ty lữ hành quốc tế, các khách sạn cũng được đón khách quốc tế mà không cần xin phép.  

Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban IV, Chủ tịch Tập đoàn FPT, cũng khẳng định, Ban IV hoàn toàn ủng hộ và đề xuất mạnh mẽ việc mở rộng đón khách quốc tế vào dịp 30/4-1/5. Đây là cơ hội ngàn năm có một.

Ông lý giải, trong bối cảnh một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,... kiểm soát ngặt nghèo dịch bệnh và chưa sẵn sàng, thì ở châu Á, Việt Nam mở cửa toàn toàn đón khách quốc tế, khi đó vị thế ngành du lịch sẽ khác hẳn. Mở, nhưng vẫn phải an toàn và thích ứng hiệu quả, ông Bình nói.

Về phía các địa phương, đại diện Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Bình cho hay, là một trong 4 thị trường được thí điểm đón khách quốc tế, tới nay, lượng khách đến TP còn khiêm tốn. Ông cho rằng, việc sớm mở cửa thị trường, tạo điều kiện cho các DN có cơ hội làm ăn.

Đặc biệt, Đà Nẵng mong nhà chức trách hàng không cần có kiến nghị mạnh mẽ hơn để TP sớm được đón các chuyến bay quốc tế thường lệ.

Với Quảng Nam, lãnh đạo Sở VH-TT&DL cũng rất thống nhất với đề xuất nên mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế vào dịp 30/4-1/5. Ông cho hay, tất cả các khu du lịch, các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đều đã sẵn sàng.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhìn nhận, sau 2 năm tác động bởi Covid-19, du lịch đã kiệt quệ và chạm đáy. Sự không thống nhất của các biện pháp phòng chống dịch, thủ tục rườm rà đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển và hồi phục của du lịch. Thời điểm này, ngành đang đứng trước cơ hội lớn, từ việc tiêm vắc xin, thí điểm đón khách quốc tế rất thuận lợi, hơn nữa Quốc hội vừa thông qua gói kích thích kinh tế (trong đó có du lịch), nên ngành sẽ khởi sắc và có điều kiện phát triển.

Ông cũng đồng thuận và cho rằng, cần đề xuất Thủ tướng Chính phủ từng bước lộ trình mở cửa ngành du lịch, tiến tới mở toàn bộ từ quý 2/2022. Để chuẩn bị, phải tháo gỡ ngay những rào cản, thủ tục không cần thiết và cho phép tất cả công dân Việt Nam được nhập cảnh về nước trên các chuyến bay thương mại.

Trước các đề xuất trên, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho hay, Việt Nam đã mở cửa lại thị trường du lịch theo hướng an toàn, hiệu quả, thích ứng và thận trọng. Sau gần 2 tháng thí điểm, tới nay chúng ta đã đón được 7.800 lượt khách đến Phú Quốc, Quảng Nam, Khánh Hòa,... Đảm bảo hệ số an toàn cao nhất cho du khách, được khách tin tưởng.

Bộ trưởng nhận định, khách nội địa là cứu cánh, nhưng phải mở cửa với khách quốc tế thì du lịch mới phát triển nhanh được. Tại Diễn đàn toàn quốc về du lịch cuối tháng 12 ở Nghệ An, các DN cũng đồng lòng kiến nghị mở cửa. Thời điểm này, trước sự sẵn sàng của các địa phương, sự quyết tâm của các DN, đây là cứ liệu để ngành du lịch đề xuất với Thủ tướng Chính phủ từ nay đến 30/4-1/5 tiếp tục thí điểm rút kinh nghiệm, sau đó sẽ mở cửa hoàn toàn.

Ông yêu cầu Tổng cục Du lịch ghi nhận các kiến nghị và lấy ý kiến Bộ Y tế, Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan, cùng với sự hỗ trợ nhóm chuyên gia TAB, Ban IV để hoàn thành báo cáo trình Thủ tướng. Nếu cần thiết, tổ chức ngay một buổi làm việc với các Bộ, ngành vào đầu tuần tới.

Ngọc Hà

Không thể chần chừ: Đã mở đừng sợ, nếu sợ thì khỏi bàn

Không thể chần chừ: Đã mở đừng sợ, nếu sợ thì khỏi bàn

Đại dịch Covid-19 phức tạp với biến thể mới tạo áp lực lên việc mở lại bay quốc tế thường lệ. Tuy nhiên, không thể chần chừ thêm, cần có biện pháp kiểm soát an toàn để sớm triển khai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét