Mỗi năm xuất mít sang Trung Quốc 124 triệu USD. Tuy nhiên, cuộc chơi này tập trung vào 5 cá nhân, DN Việt Nam xuất khẩu và khoảng 3 cá nhân Trung Quốc nhập khẩu qua tiểu ngạch.
Những ngày đầu năm 2022, một số cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai đã thông quan trở lại dù “nhỏ giọt”. Còn tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn, xe chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn ùn ứ.
Thậm chí mới đây, Lạng Sơn còn phải gửi thông báo tới các địa phương về việc tạm dừng tiếp nhận xe chở hoa quả tươi lên cửa khẩu bởi tình trạng quá tải. Trong khi, Trung Quốc tiếp tục thực hiện chiến lược "Zero Covid", tăng cường kiểm soát dịch tại các địa phương có cửa khẩu biên giới, hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục khó khăn.
Đây là đợt ùn ứ tại cửa khẩu nghiêm trọng nhất, kéo dài từ cuối tháng 11/2012 tới nay, vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đáng nói, trong những ngày cao điểm, lượng xe nông sản nằm chờ thông quan tại các cửa khẩu của Quảng Ninh, Lạng Sơn lên tới con số gần 6.000.
Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đang chịu ảnh tắc biên kéo dài chưa từng có (ảnh: Kiên Trung) |
Các loại trái cây tươi như dưa hấu, mít, thanh long, xoài,... nằm chờ, không thể thông quan được đành quay đầu bán đổ bán tháo tại thị trường nội địa với giá chỉ vài ngàn đồng mỗi cân. Bộ ngành phải kêu gọi doanh nghiệp chế biến, hệ thống bán lẻ vào cuộc chung tay tiêu thụ, đồng thời thu mua giúp bà con nông dân khi trái cây vào đợt thu hoạch rộ.
Thế nhưng, đây không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, mà năm nào nông sản Việt Nam cũng vài lần ăn “trái đắng” như vậy khi Trung Quốc đóng/mở thất thường.
Chuyển sang xuất khẩu chính ngạch thay cho tiểu ngạch là giải pháp để phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, thương nhân, doanh nghiệp Việt Nam và phía Trung Quốc vẫn chọn đi con đường tiểu ngạch dù biết sẽ nhiều rủi ro.
Là đơn vị từng xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc và giờ là chính ngạch, ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit - khẳng định, để chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch, là rất khó.
Ông ví dụ, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu mít của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 124 triệu USD. Tham gia xuất khẩu trái cây này có 113 doanh nghiệp Việt Nam, 110 doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu. Song, chuyện mua bán chủ yếu tập trung vào 5 cá nhân, DN Việt Nam và 3 cá nhân của Trung Quốc.
Đáng nói, ở phía Việt Nam có tới 4 cá nhân và chỉ 1 doanh nghiệp. Còn Trung Quốc thì đều là các thương nhân. Rõ ràng mua bán tiểu ngạch sang Trung Quốc là "cuộc chơi" mang tính cá nhân, thương lái giữa hai bên. Nếu chúng ta không bắt tay, trao đổi với nhóm thương nhân này sẽ không nắm bắt được thông tin, diễn biến thị trường.
Theo ông Viên, để xây dựng những đầu mối trong nước kết nối thông tin thị trường Trung Quốc bằng đường biên mậu, thậm chí theo đường chính ngạch, các địa phương cần xây dựng trung tâm đầu mối tiếp nhận, phân bổ thông tin tại các vùng trồng.
Biết có nhiều rủi ro nhưng phía Việt Nam vẫn phải bán hàng theo đường tiểu ngạch (ảnh: Kiên Trung) |
Ông cũng khẳng định, tình trạng trên không chỉ diễn ra với nhóm ngành hàng mít, mà ngay cả thanh long hay các loại trái cây khác cũng cần lưu ý.
Người nông dân trồng cây, lúc thu hoạch bán cho các thương nhân thông qua điểm thu mua. Từ điểm thu mua bán cho thương nhân biên giới. Bây giờ không bán cho họ thì không bán được cho ai. Từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam dẫu biết đi đường biên mậu sang Trung Quốc sẽ bị o ép, khó khăn nhưng bắt buộc vẫn phải đi.
"Cuộc chơi này là của thương nhân Trung Quốc. Họ không tìm đến doanh nhân Việt Nam mà đi tìm cá nhân người Việt để mua bán. Vậy nên, muốn chuyển sang xuất khẩu chính ngạch rất khó. Chưa kể, nếu xuất chính ngạch phía Trung Quốc áp thuế VAT 7%, còn đường biên mậu không cần. Như thế, cục diện cạnh tranh trong nội địa tại quốc gia 1,4 tỷ dân gặp khó khăn, thương nhân nhập chính ngạch không thể cạnh tranh được với thương nhân nhập hàng qua biên mậu", ông cho hay.
Do đó, nếu Trung Quốc đóng hẳn buôn bán bằng biên mậu thì chúng ta mới thực sự chuyển qua được xuất khẩu chính ngạch.
Để giảm thiểu rủi ro, áp lực mùa vụ, ông Viên đề xuất các địa phương cần xây dựng, đầu tư nâng cao năng lực sơ chế, chế biến. Vấn đề cối lõi là kết nối thị trường nên rất cần có những trung tâm tiếp nhận thông tin, sau đó phân bổ cho các vùng trồng, qua đó có thể kiểm soát vùng trồng cũng như kiểm soát thị trường.
Trước đó, số liệu do Hải quan Lạng Sơn cung cấp cho thấy tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch qua địa bàn tỉnh rất thấp, chỉ chiếm 3% tổng số nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.
Lý do là việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc có truyền thống từ lâu. Chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc áp dụng miễn thuế nhập khẩu đối với cư dân biên giới khi nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, mỗi người là 8.000 NDT/ngày (khoảng 28,7 triệu đồng), nên các DN phía Việt Nam và Trung Quốc không mặn mà với nhập khẩu chính ngạch. Thay vào đó, họ nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, sang phía Trung Quốc sẽ gom các lô hàng nhỏ thành lô hàng lớn để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2021, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,75 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 54% về thị phần. Thị trường 1,4 tỷ dân này tiếp tục dẫn đầu top 10 các quốc gia của rau quả Việt Nam.
Tâm An
28 triệu tấn rau củ, trái cây: Buôn tiểu ngạch, hái ăn tươi bao giờ cho hết
Sản lượng trái cây, rau củ tới 28 triệu tấn/năm, nếu cứ mãi xuất tiểu ngạch qua đường bộ, không đẩy mạnh chế biến thì hàng dội chợ, dân mua ăn tươi sao hết. Phải thay đổi tư duy để phát triển theo con đường bền vững.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét