Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

Loạn số liệu rượu 'nút lá chuối' không biết đâu mà lần

Từ số liệu chênh lệch lớn, đến các quy định của pháp luật không đi vào đời sống, có thể nói, đến nay việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi.

Đâu là con số tin cậy?

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TƯ (CIEM) công bố vào năm 2020, ước lượng tổng lượng cồn nguyên chất thị trường cả nước năm 2016 khoảng 610,865 triệu lít.

Trong đó, khu vực phi chính thức ước 385,426 triệu lít, chiếm 63% tổng lượng thị trường (bao gồm cả nhập lậu). Rượu thủ công chiếm khoảng 70-90% thị trường khu vực phi chính thức, ước tính lượng cồn nguyên chất tiêu thụ vào khoảng 308,341 triệu lít, tương đương với 770 triệu lít rượu.

Còn theo Báo cáo số 916/BC của Bộ Y tế ngày 6/9/2018, tổng sản lượng rượu thủ công cả nước là 280.000 triệu lít/năm. Tuy nhiên, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thống kê dựa trên số liệu của 54 trong tổng số 63 Sở Công Thương các tỉnh gửi về năm 2020, tổng số rượu thủ công cả nước chỉ có 47,89 triệu lít.

{keywords}
Nhiều hộ gia đình nấu rượu tại vị trí không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Như vậy, đã có những con số rất khác nhau và chênh lệch lớn về rượu thủ công trên cả nước. Theo bà Nguyễn Hương Giang, Cục Công nghiệp, khi cơ quan này gửi yêu cầu các Sở Công Thương thống kê thì chỉ có 54 Sở gửi số liệu về, còn 9 Sở thì không.

Nói về sự chênh lệch giữa các số liệu thống kê, bà Giang cho rằng, có thể do thống kê từ các Sở Công Thương chưa chính xác, hoặc những số liệu của các cơ quan khác trước đây đã lạc hậu, cũng có thể người dân giờ giảm sử dụng rượu thủ công, chuyển sang dùng rượu sản xuất công nghiệp có thương hiệu.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Minh Kim, Phó giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình, khi thực hiện thống kê các cơ sở sản xuất rượu thủ công của tỉnh, số liệu từ Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện gửi về chỉ có 2.800 cơ sở. Nhưng qua khảo sát thực tế lên đến 4.500 cơ sở. 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để quản lý được thị trường rượu thủ công, cần có những số liệu chính xác. Số liệu có sự chênh lệch lớn giữa các cơ quan, sẽ khiến nhà quản lý không biết đường nào mà lần, rất khó trong việc xây dựng chính sách và có những giải pháp phù hợp với thực tế.

Sợ bị quản lý

Luật “Phòng chống tác hại của rượu bia” do Bộ Y tế soạn thảo, được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019 có quy định về quản lý rượu thủ công.

Theo đó, các cơ sở sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên nhằm mục đích kinh doanh phải được cấp phép. Với hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán cho cơ sở được cấp phép để chế biến lại phải có hợp đồng mua bán và có đăng ký với UBND cấp xã. Hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, phải có bản kê khai gửi UBND cấp xã, về lượng rượu được sản xuất, phạm vi sử dụng, cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và không bán rượu ra thị trường.

{keywords}
Loạn số liệu rượu “nút lá chuối” không biết đâu mà lần.

Tuy nhiên, trên thực tế các quy định này vẫn chưa đi vào đời sống. Chẳng hạn, tại Ninh Bình có khoảng 4.500 hộ sản xuất rượu thủ công, nhưng chỉ có 14 hộ được cấp phép. Trong đó, hơn 450 hộ sản xuất từ 1.000 lít/năm trở lên, còn gần 4.000 hộ sản xuất dưới 1.000 lít/năm. Điều đáng nói là ngay cả các hộ sản xuất rượu thủ công (453 hộ) có sản lượng hàng năm từ 1.000 lít trở lên, lại kê khai “không nhằm mục đích kinh doanh”. Đây là sản lượng rất lớn, vượt quá khả năng tiêu dùng trong gia đình.

Trong khi đó, theo số liệu của Cục Công nghiệp, đối với sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, số lượng giấy phép đã cấp trên cả nước, cộng dồn từ trước đến hết năm 2020 là 3.529 cơ sở. Sản xuất rượu để bán cho DN chế biến lại, có 370 cơ sở đăng ký với chính quyền địa phương. Sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, có kê khai là 36.510 cơ sở.

Việc cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, bán lẻ, chủ yếu là các cơ sở ở thành phố, thị xã, các địa phương khác có nơi chỉ cấp được 1-2 giấy phép, có địa phương chưa cấp được giấy phép nào.

Không những thế, theo Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát Việt Nam, do điều kiện nấu rượu tại nông thôn hầu hết đều bằng phương pháp thủ công, trang thiết bị, dụng cụ, nhà xưởng chưa đáp ứng yêu cầu, nên chất lượng không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều hộ gia đình sản xuất gần chuồng lợn, hoặc tại vị trí không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nên không đủ điều kiện cấp Giấp phép.

Hơn nữa, hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu thủ công đều chưa nắm rõ các quy định trong sản xuất kinh doanh rượu. Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật chưa cao. Khi lực lượng chức năng vào kiểm tra, hộ gia đình sản xuất khai là chỉ nấu để lấy bã nuôi lợn, đa số kê khai không đúng so với thực tế vì lo ngại phải làm giấy phép, hoặc đăng ký với chính quyền địa phương, phải nộp thuế hoặc ngại bị quản lý,... Các hộ gia đình sản xuất kinh doanh rượu thủ công cũng thấy không cần thiết phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật mà vẫn bán được hàng, không bị sao.

Từ số liệu chênh lệch lớn, đến các quy định của pháp luật không đi vào đời sống, có thể nói, đến nay việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi.

Trần Thủy

300 triệu lít rượu lậu: Buôn bán tràn lan, ai uống cứ uống

300 triệu lít rượu lậu: Buôn bán tràn lan, ai uống cứ uống

Đã qua 5 lần sửa đổi nhưng Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của Rượu, Bia vẫn tiếp tục gây tranh cãi do thiếu tính thuyết phục và đánh mạnh vào ngành sản xuất rượu, bia hợp pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét