Năm 2021 chứng kiến cuộc đổ bổ bộ của hàng triệu hộ nông dân lên các sàn thương mại điện tử. Tại "chợ mới” này, người nông dân có thể ngồi trên đồi gẩy tay bán chục tấn đặc sản, chốt cả triệu đơn hàng.
Chia sẻ mới đây, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), cho biết, nền kinh tế số tại Việt Nam năm 2021 ước đạt 21 tỷ USD năm 2021, tăng 31% so với năm 2020 và dự kiến đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.
Theo ông Thắng, Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực, với tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế số sẽ tăng gấp gần 3 lần trong vòng 4 năm tới. Đây là cơ hội để nông dân tham gia “chợ mới”, mở thêm con đường tiêu thụ nông sản.
2021 là năm, khi hộ nông dân tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các kỷ lục về mua bán hàng liên tục xuất hiện khiến nhiều người bất ngờ.
Chốt 1 triệu đơn hàng vải thiều
Vải thiều Bắc Giang - đặc sản nổi danh khắp cả nước và gây sốt tại thị trường quốc tế nhiều năm qua. Thế nhưng, năm 2021, lần đầu tiên loại quả đặc sản này mới lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Cũng bởi vậy, Bắc Giang chỉ đặt mục tiêu tiêu thụ khoảng 2.000 tấn vải thiều tươi thông qua 6 sàn TMĐT.
1 triệu đơn hàng online chốt mua vải thiều Bắc Giang (ảnh: TL) |
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương mới đây thông tin, sản lượng vải thiều phân phối qua các sàn đạt trên 9.000 tấn, với gần 1 triệu đơn hàng chốt mua, gần gấp 5 lần kịch bản tốt nhất mà tỉnh Bắc Giang xây dựng.
Trước đó, ông Chu Quang Hào - đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, đánh giá, đã có sự thay đổi chóng mặt trên sàn Vỏ sò (Viettel Post) và Postmart (VnPost) khi quả vải thiều tươi của Hải Dương và Bắc Giang được bán trên sàn.
Theo ông Hào, lượng người dân lên sàn tăng đột biến. Từ vài nghìn người mua bán mỗi ngày trước đây, khi vải thiều xuất hiện trên sàn, ngay lập tức con số đã tăng lên hàng trăm nghìn. Tính từ 1/6 đến giữa tháng 6/2021, có tới 4,6 triệu lượt truy cập tìm hiểu về sản phẩm vải thiều. Đơn hàng đặt mua đặc sản này lên tới 36.000-37.000 đơn mỗi ngày.
Chỉ 1 giờ livestream bán được 85 tấn nông sản
Giữa năm 2021, khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại một số địa phương, nhiều loại nông sản, trong đó có vải thiều, đứng trước nguy cơ tắc đầu ra.
Đáng chú ý, chỉ 1 giờ livestream bán nông sản của nghệ sĩ Xuân Bắc trong chương trình này với thông điệp "Chúng ta không giải cứu mà hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản, nâng niu nông sản Việt" đã chốt 5.000 đơn hàng, đặt mua 85 tấn đặt mua vải thiều, bí đao, mận.
Nông dân đứng trên đồi livestream bán hàng (ảnh: Trọng Đạt) |
Cùng thời điểm, trên đồi vải thiều tại Bắc Giang, nhiều nông dân cầm điện thoại livestream bán hàng trên fanpage của các sàn thương mại điện tử. Chị Đỗ Thị Vân và anh Hà Quang Thành - hai nông dân trồng vải ở Lục Ngạn - lần đầu tiên trải nghiệm livestream bán hàng trên facebook nhờ sự hỗ trợ của một sàn thương mại điện tử.
Hơn 40 phút livestream, hai “KOL” nghiệp dư này đã dẫn dắt 30.000 người xem đi tham quan vườn trồng vải thiều Lục Ngạn của gia đình. Thành quả sau đó, chị Vân và anh Thành giúp bà con hợp tác xã bán được 8 tấn vải thiều.
53.000 người vào mua, sàn “sập” liên tục
Cuối tháng 8 năm 2021, nông sản tại nhiều tỉnh thành ở khu vực phía Nam bị ùn ứ, bế tắc đầu ra thì TP.HCM lại thiếu hụt nguồn cung do giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Lúc bấy giờ, Tổ Công tác 970 của Bộ NN-PTNT có sáng kiến làm combo nông sản gồm các loại rau củ trọng lượng 10kg bán trên sàn thương mại của đơn vị này, với giá 100.000 đồng, để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân TP.HCM.
Ông Trần Minh Hải - thành viên Tổ Công tác 970 - cho biết, sau khi công bố tiếp nhận đơn đặt hàng combo nông sản, sàn liên tục bị “sập” do lượng truy cập tăng vọt. Thậm chí, có thời điểm ghi nhận khoảng 53.000 người truy cập.
Người dân TP.HCM ồ ạt lên sàn mua combo nông sản 100.000 đồng (ảnh: Cao Trần) |
Ước tính ngày 26/8, chương trình nông sản combo bán cho dân TP.HCM đã chốt hàng nghìn đơn hàng, khối lượng gần 1.000 tấn rau, củ, quả và thực phẩm các loại.
Sáng kiến này giúp người dân TP.HCM mua được rau quả giá rẻ, còn nhiều HTX, doanh nghiệp khu vực phía Nam thoát khỏi cảnh ế ẩm, đổ bỏ nông sản.
Hơn 2 triệu hộ nông dân lên sàn
Trưởng ban Nghiên cứu phát triển Vietnam Post Phan Trọng Lê cho biết, đến nay, Postmart đã đưa sản phẩm của hơn 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong cả nước lên môi trường số, thúc đẩy tiêu thụ hơn 20.000 tấn nông sản. Viettel Post đã hỗ trợ hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn, qua đó có hơn 36.000 giao dịch tiêu thụ 12.884 tấn hàng trị giá 74,3 tỷ đồng.
Năm 2022, các đơn vị này đặt mục tiêu đưa sản phẩm của 5 triệu hộ nông dân lên sàn, tiếp tục tập huấn kỹ năng chuyển đổi số để nông dân chủ động mở rộng kinh doanh.
Theo một chuyên gia trong ngành, bán hàng trên sàn TMĐT trở thành xu thế, con đường tiêu thụ nông sản mới của nông dân. Thông qua sàn TMĐT, hàng triệu nông dân có thể kết nối được với hàng chục triệu hộ gia đình. Người dân có thể ngồi bất cứ đâu, cầm điện thoại thông mình cùng vài cái gẩy tay là mua được đặc sản. Từ đó, thúc đẩy tổng cầu tăng lên.
Khi nói về nông sản bán trên sàn TMĐT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ, nhiều người ở tận mũi Cà Mau hay Đà Lạt xa xôi, cả đời chưa được ăn quả vải Bắc Giang vì chưa bao giờ nghĩ rằng có thể đặt được vải tươi về nhà. Năm 2021 thì đã khác. Trên 25 triệu hộ gia đình Việt Nam, dù ở bất kỳ đâu trên mảnh đất này, đều có thể mua được cả cân vải và nhận những trái vải tươi ngon sau nhiều nhất là 48 tiếng.
Với sản lượng tiêu thụ lên tới gần chục ngàn tấn trên các TMĐT, Bộ trưởng cho nhấn mạnh “một khởi đầu như vậy đã tạo ra niềm tin về sàn TMĐT cho bà con nông dân, và sau quả vải sẽ là hàng trăm, hàng ngàn nông sản khác. Từ hàng triệu hộ gia đình lên sàn mua bán thì chỉ cuối năm nay sẽ là hàng chục triệu”.
Tâm An
Chín triệu hộ nông dân và 'cuộc đại thay đổi' trên 7 triệu mảnh ruộng
Sản xuất nông nghiệp giờ không thể trông trời, trông đất, trông mưa,... mà phải trông vào dữ liệu. Thế nên, 9 triệu hộ nông dân phải cùng số hoá làm cuộc “đại thay đổi” trên 7 triệu mảnh ruộng, dựng kho dữ liệu để tiến lên làm ăn lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét