Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Năm 2 đợt giảm giá sốc, dân nuôi cá hồi Sa Pa lỗ nặng, tính chuyện treo ao

Đầu năm một đợt giảm giá sốc, cá ế hàng trăm tấn, cuối năm thêm cú giá giảm xuyên đáy dẫn đến thua lỗ nặng. Năm 2020, người nuôi cá hồi Sa Pa phải chịu hết cú sốc này đến cú sốc khác khiến họ tính cách treo ao.

Vào thời điểm tháng 4/2020, sau tôm hùm đến lượt loại “hải sản nhà giàu” là cá hồi Sa Pa giảm giá sốc do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, thị trường khi ấy cá hồi nguyên con trọng lượng từ 1,5-2,7kg giá dao động từ 200.000-220.000 đồng/kg, cá hồi cắt khúc (không đầu, đuôi) giá 280.000 đồng/kg, cá hồi phi lê giá 350.000 đồng/kg,...

Ông Chảo Duần Mình ở xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai) cho biết, ông đã nuôi cá hồi được nhiều năm. Trước đây, cá lớn đến đâu bán hết đến đó, còn năm 2020, dịch Covid-19 khiến thị trường gần như “đóng băng”, lượng cá tiêu thụ chỉ bằng 1/3 mọi năm.

Sức tiêu thụ chậm, số cá hồi còn lại vẫn phải chi phí tiền cám ăn hàng ngày, trong khi giá cá thương phẩm đã giảm hơn 100.000 đồng/kg xuống còn 140.000-150.000 đồng/kg so với năm trước. Đây là mức giá rẻ chưa từng có, người nuôi không có lãi, thậm chí là lỗ vốn, ông Mình than thở.

{keywords}
Cá hồi - loại cá được ví là đặc sản nhà giàu - năm 2020 rớt giá thê thảm

Hàng trăm trại cá hồi, tập trung chủ yếu ở khu vực vùng cao thuộc các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Sa Pa và TP. Lào Cai hồi tháng 4/2020 như ngồi trên đống lửa. Bởi, đặc tính của cá hồi đến kỳ sinh sản xong sẽ chết. Vì vậy việc nuôi duy trì lâu ngày, không bán được, nguy cơ trắng tay là nỗi lo lớn, đẩy họ vào tình cảnh khó khăn chồng chất khó khăn.

Hiệp hội cá nước lạnh Lào Cai cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động du lịch, dịch vụ ăn uống bị tạm dừng, việc đi lại giữa các địa phương bị hạn chế khiến những thị trường tiêu thụ lớn nhất của cá hồi là khu du lịch Sa Pa, TP. Lào Cai và thủ đô Hà Nội bất ngờ "đóng băng". Thế nên, giá cá hồi giảm mạnh vẫn khó tiêu thụ

Theo thống kê, toàn tỉnh Lào Cai khi ấy có khoảng 250 tấn cá hồi đến kỳ thu hoạch nhưng không xuất bán được, phải tiếp tục nuôi duy trì dẫn đến phát sinh chi phí, thiếu vốn sản xuất.

{keywords}
Năm 2020 người nuôi cá hồi Sa Pa chịu 2 cú sốc giảm giá khiến họ thua lỗ nặng

Sau đợt giảm giá chưa từng có này, đến giữa năm 2020, giá loại cá đặc sản này đã nhích dần lên, thị trường cũng được khơi thông, sức tiêu thụ tăng trở lại. Thế nhưng, người nuôi cá hồi chưa kịp vui thì dịp cuối năm khi Tết Nguyên đán 2021 đã cận kề, họ lại chịu thêm cú sốc thứ hai trong năm - cá hồi giảm giá xuyên đáy.

Ông Vàng Sin Phà, ở xã Dền Sáng (Bát Xát) những ngày này đang phải bắt từng con cá đi bán lẻ nhằm thu hồi vốn. Gần 1 tấn cá hồi ông nuôi trong ao đã đến lứa xuất bán nhưng chưa tìm được người mua. Theo ông, ngày trước cá hồi vân loại nhỏ giá 130.000-140.000 đồng/kg, giờ giảm còn 90.000 đồng/kg.

Ông nhẩm tính, với mức giá giảm mạnh như hiện nay, nếu xuất bán hết lứa cá này, ông lỗ khoảng 50 triệu đồng. Còn từ đầu năm đến giờ, sau hai đợt giảm giá, những người nuôi cá hồi như ông không thu được đồng nào, thậm chí thua lỗ nặng.

{keywords}
Những ngày này, nhiều hộ gia đình còn tính toán treo ao, không nuôi nữa

Ở xã Dền Sáng có khoảng 100 ao nuôi cá hồi. Nghề này những năm gần đây giúp người dân xóa đói giảm nghèo, thậm chí trở thành hướng đi làm giàu cho nhiều hộ gia đình. Song, đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm cho cá hồi giảm giá sốc, cuối năm lại tiếp tục giảm khiến nhiều người nuôi cá trong xã lâm vào cảnh khó khăn, nợ chồng nợ, ông Vàng Láo San - Phó Chủ tịch UBND xã Dền Sáng - chia sẻ trên báo Lào Cai.

Một doanh nghiệp chuyên cung cấp con giống và cá hồi thương phẩm tại thị xã Sa Pa thừa nhận, giá cá hồi năm 2020 giảm quá sâu. Dịp cuối năm ngoái, cá hồi tiếp tục giảm giá đẩy người nuôi vào tình trạng thua lỗ.

Tết Nguyên đán 2021 đã cận kề, người nuôi cá hồi hy vọng sang năm mới sẽ thuận lợi hơn, thị trường hồi phục. Còn năm 2020, những người nuôi loại cá này như ông Lý Láo Pà, ông Chảo Duần Mình,... trải qua một năm buồn chưa từng có, đang tính treo ao, không nuôi cá hồi nữa.

C.Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét