Theo hướng dẫn từ Tổng cục Thuế, mức giảm trừ gia cảnh mới điều chỉnh từ tháng 7/2020 sẽ được tính từ đầu năm 2020 khi cá nhân thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Nhiều ngày gần đây, anh Nguyễn Văn Tuấn (27 tuổi, Hà Nội) loay hoay trong việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020. Nguyên nhân đến từ những thay đổi trong việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh năm vừa qua của cơ quan thuế.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2020, anh Tuấn cùng nhiều người lao động có thu nhập từ tiền công, tiền lương phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo mức giảm trừ bản thân 9 triệu đồng/tháng và giảm trừ người phụ thuộc 3,6 triệu/người/tháng.
Tuy nhiên, từ tháng 7/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tăng mức giảm trừ bản thân lên 11 triệu/tháng và giảm trừ người phụ thuộc lên 4,4 triệu/người/tháng theo tờ trình của Chính phủ.
Điều này khiến nhiều người lao động tự quyết toán thuế gặp khó trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế cuối năm.
Mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng sẽ được tính từ 1/1/2020 thay vì 1/7/2020 khi cá nhân thực hiện quyết toán thuế năm 2020. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo hướng dẫn mới nhất từ Tổng cục Thuế, cơ quan quản lý cho biết với nhiều thay đổi trong cách tính thuế thu nhập cá nhân năm 2020, đặc biệt là việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới theo Nghị quyết số 954/2020/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, người nộp thuế sẽ được tính mức giảm trừ gia cảnh mới (11 triệu/tháng) từ 1/1/2020, thay vì tính từ 1/7/2020 khi Nghị quyết có hiệu lực.
Với cách tính này, hầu hết cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công, nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức giảm trừ bản thân và người phụ thuộc sẽ được hoàn một phần thuế thu nhập từ phần chênh lệch mức giảm trừ gia cảnh cũ áp dụng trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, mức hoàn thuế sẽ phụ thuộc vào số thu nhập chịu thuế của từng cá nhân, người lao động.
Theo hướng dẫn từ Tổng cục Thuế, các cá nhân phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân trong các trường hợp, có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa và có đề nghị hoàn thuế.
Tuy nhiên, để cắt giảm thủ tục hành chính cho người nộp thuế và giảm áp lực xử lý hồ sơ quyết toán cho cơ quan thuế, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH13 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP đã quy định miễn thuế thu nhập cá nhân phải nộp thêm đối với cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm dưới 50.000 đồng.
Như vậy, các cá nhân này sẽ không phải nộp thêm thuế cũng như không phải thực hiện việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Về việc ủy quyền quyết toán thuế, Tổng cục Thuế quy định trường hợp cá nhân thực hiện ủy quyền quyết toán cho tổ chức trả thu nhập khi, có thu nhập duy nhất tại một nơi theo hợp đồng lao động; cá nhân có thu nhập duy nhất tại một nơi theo hợp đồng lao động, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10%; cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng một hệ thống thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới.
Bên cạnh đó, cá nhân ủy quyền quyết toán cũng được áp dụng các quy định về mức giảm trừ gia cảnh mới theo Nghị quyết số 954/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được áp dụng quy định về miễn thuế Thu nhập cá nhân phải nộp thêm nếu phát sinh số thuế phải nộp thêm sau quyết toán dưới 50.000 đồng.
(Theo Zing)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét